221
1401
Đô thị
dothi
/xahoi/dothi/
897456
Mễ Cốc: Tết thoát ngập triều cường 20 năm
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Mễ Cốc: Tết thoát ngập triều cường 20 năm
,

(VietNamNet) - Tết này, cảnh người dân bó gối chờ triều cường rút suốt 20 cái Tết ở vùng tâm ngập Mễ Cốc đã được cải thiện triệt để. Người dân Mễ Cốc ngỡ trong mơ.... Hàng loạt dự án giảm ngập đã được triển khai. 

>> Giám đốc Sở GTCC TP.HCM: ''Nhà tôi cũng ngập''
>>
TP.HCM: Triều cường bất thường ảnh hưởng giao thông, sinh hoạt
 

Trở lại vùng "tâm ngập"

Chúng tôi trở lại bến Mễ Cốc cùng với đoàn kiểm tra, thị sát do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài dẫn đầu chạng vạng tối ngày 7/2.

Trước buổi đi này, một người bạn hiện là chuyên gia đang công tác ở Sở GTCC rỉ tai: "Ông cứ viết những cái chưa làm được trong ngành chúng tôi hoài không thấy chán sao? Chẳng thấy chút le lói ánh sáng trong cái ngành làm dâu trăm họ này à. Hãy xuống bến Mễ Cốc mà xem... khác xưa rồi...".

Cảnh thường thấy trên bễn Mễ Cốc trước đây.

Bấm bụng làm vui trước giọng điệu chọc ghẹo của anh bạn, cộng thêm chút hoài nghi, tôi lên xe vọt thẳng xuống vùng tâm lũ của thành phố...

Theo thông tin từ một đĩa CD gồm hàng loạt bài viết, công trình sưu tập nhân kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP.HCM mà chúng tôi có được, bến Mễ Cốc là một địa danh gắn liền với lịch sử.

Bến Mễ Cốc ngày nay nằm trên địa bàn phường 15, quận 8, bắt đầu từ bến Nguyễn Duy đến giáp bến Bình Đông nằm trên bờ phía đông kênh Lò Gốm, dài khoảng 1,68km, qua các ngã Bình Đức, Nguyễn Sĩ Cố bên phải.

Ít ai biết rằng, thời thuộc Pháp, bến này có tên gọi là "Quai de Poterie". Sau đó đổi tên thành bến Mễ Cốc vào 1955 và cái tên Mễ Cốc tồn tại cho đến ngày nay. Gọi là bến Mễ Cốc vì ở đó có kho chứa lúa của Công ty Mễ Cốc.

Ngày nay, ở Mễ Cốc thỉnh thoảng mới có một vài con thuyền chở trái cây tấp vào bỏ hàng. Không ào ào tấp nập như thời hoàng kim nhưng người dân vẫn quen gọi là "bến". 

Bến Mễ Cốc trong hàng chục năm qua còn nổi tiếng vì là vùng "tâm ngập" của thành phố. Hàng trăm bài báo, bản tin truyền hình viết về nơi này: một tháng thì có đến hơn 20 ngày nước ngập bất kể nắng mưa. Ngập ở đây là nước dâng cao suýt soát tầm ngực học sinh tiểu học trở lên. 

Hàng chục cái Tết của hàng trăm hộ dân nơi bến Mễ Cốc này trôi qua trong cảnh nước dâng lềnh bềnh. Tết đến, không hoa hòe, không trang trí nhà cửa, không áo quần đẹp, lụa là. Thường chỉ thấy người dân bó gối ngồi co ro chờ nước rút...

Khác hẳn với những lần đến vùng tâm ngập này để lấy tin, viết bài, bến Mễ Cốc buổi chiều nay bình yên đến lạ. Lũ trẻ con nô đùa, lăn, lê, bò xoài nghịch cát trên công trường cầu Kênh Ngang số 2 đang thi công dở dang. Có cậu nổi hứng chạy lon ton lên cầu sắt bắc ngang hai bờ sông, lao mình nhảy tòm xuống nước cái "bùm", lấy tay vuốt nước trên mặt rồi phá lên cười lớn. Lũ trẻ đùa inh ỏi náo nhiệt cả góc sông.

Cảnh vui đùa ấy trước đây làm gì có vì cứ tầm giờ chiều nước triều đã dâng cao không thể phân biệt ranh giới giữa đường và sông.

Đã từng dự nhiều lễ khởi công, bàn giao công trình giao thông, cơ sở hạ tầng nhưng chúng tôi vẫn có cảm giác xúc động khi chứng kiến lễ bàn giao công trình chống ngập khu vực Mễ Cốc 1, Mễ Cốc 2 của Sở GTCC TP.HCM cho UBND phường 15 quản lý, vận hành. 

Hơn 7.000 mét bờ kè hiện hữu được xây dựng mới, hoàn chỉnh với tổng vốn gần 2,5 tỷ đồng và chỉ mất 60 ngày đã xóa ngập do triều cường cho khu vực bến Mễ Cốc.

Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTCC vui vẻ tuyên bố: "Đây là lần đầu tiên người dân khu vực này không phải ăn Tết chung với… triều cường như 20 năm qua. Vùng này thuộc vùng thấp, hễ triều cường lên là chìm trong biển nước. Đây cũng là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi triều cường, trung bình một tháng có 10 ngày là người dân khu vực phải lội bì bõm trong nước".

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường 15 Lê Viết Thành như chưa thể tin vào mắt mình: "Người dân ở phường sống trong cảnh ngập đã 20 năm mà công trình chống ngập làm xong cái rẹt chỉ trong vòng 2 tháng".

100 điểm ngập mong thoát ngập như Mễ Cốc!

Trao đổi với PV VietNamNet ngày 8/2, ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở GTCC cho biết, nhằm đảm bảo cho bà con ở vùng ngập nặng ăn Tết vui vẻ, thoải mái, ngoài công trình chống ngập ở Mễ Cốc, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 cũng đang ngày đêm cố gắng hoàn tất một số dự án chống ngập tại các khu vực thường xuyên ngập do triều cường như khu vực cư xá Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh), các tuyến đường và nhánh hẻm thuộc phường 25 và 26, dọc đường Nguyễn Hữu Cảnh ở phường 22 (quận Bình Thạnh); đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7); đường Phạm Thế Hiển (quận 8); quốc lộ 1A (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) và  9 điểm ngập ở khác quận Bình Tân…

Lũ trẻ vui đùa trên bến Mễ Cốc sau khi thoát ngập.

Ông Toàn lạc quan: "Tết Đinh Hợi 2007 này, hàng ngàn hộ dân ở những khu vực vừa đề cập không còn phải vừa ăn Tết vừa chạy ngập".

Theo ông Toàn, mặc dù đây chỉ là những công trình chống ngập tạm thời nhưng sẽ làm giảm đáng kể tình trạng ngập nước do triều cường dâng.

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết những công trình chống ngập này có ý nghĩa thực tiễn to lớn, nhất là công trình chống ngập ở khu vực Mễ Cốc vì đã xóa ngập do triều cường kéo dài hàng chục năm nay. "Mong thành phố có thêm nhiều khu vực thoát khỏi cảnh ngập nước"- ông Tài nói.

Thế nhưng đâu đó tại TP.HCM, vẫn còn có nhiều khu vực vẫn chịu cảnh ngập lụt trong mùa Tết này. Bởi lẽ, thành phố còn có đến trên 100 điểm ngập.

Người dân thành phố mong chờ, những món quà Tết ý nghĩa mà ngành GTCC "lì xì" cuối năm cho người dân ở khu vực Mễ Cốc, cư xá Thanh Đa, đường Phạm Thế Hiển... sẽ nhân rộng trong năm mới.

"Ngành GTCC đã làm được nhiều nhưng còn thất hứa, lỡ hẹn với nhân dân thành phố cũng không ít. Vấn đề kẹt xe, sự chậm trễ của các công trình cầu đường, rồi vấn đề chống ngập... còn nhiều gian nan lắm! Cũng tại cơ sở hạ tầng của ta chưa đáp ứng nổi trước sự gia tăng nhanh chóng về kinh tế của thành phố" - ông Trần Quang Phượng tâm sự vào một ngày cuối năm.

  • Trần Duy

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,