(VietNamNet) - Không chỉ dừng lại ở con số hơn chục cán bộ cấp Sở trở xuống bị kiểm điểm trách nhiệm liên quan vài công trình không phép, sai phép bị dư luận xới lên - VietNamNet đã phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bùi Văn Chiểu về cả các ''đồng chí chưa bị lộ'' khác và nhiều vấn đề xoay quanh 8.000 công trình vi phạm (phát hiện riêng trong năm 2006) mà dư luận chưa nói tới...
''Phép'' ở người cho phép - chưa hẳn ở quy hoạch!?
PV: - Thưa ông, chúng ta cùng nhìn thẳng vấn đề: Tại sao người dân lại phải sai phép khi mà đằng nào họ cũng đã tiếp cận cơ quan có thẩm quyền cấp phép và từng xin phép trước đó rồi? Phải chăng một trong nhiều nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc người dân phải sai phép tràn lan như thế là do cơ quan thẩm quyền cấp phép theo quy hoạch nội thành Hà Nội được phê duyệt từ lâu, nay đã lỗi thời, không còn phù hợp nhu cầu sử dụng của đời sống hiện đại trong khi nhu cầu của dân là có thực, nên người dân miễn cưỡng nghe theo nhưng rồi vẫn ''biến báo'' để làm sao sử dụng mảnh đất hợp pháp, căn nhà hợp pháp của mình hiệu quả nhất?
Phó Giám đốc Bùi Văn Chiểu: - Hiện giờ Hà Nội mới chỉ có quy hoạch 1/2000 đã phê duyệt từ chục năm nay và với quy hoạch này thì một con phố chỉ nhỏ như "sợi chỉ", mảnh đất mấy trăm mét vuông chỉ bé như cái "móng tay", tất cả đều li ti! Mật độ, hệ số sử dụng đất, rồi chiều cao các công trình đều không cụ thể mà rất chung chung, ví dụ như: tuyến phố A chỉ được phép xây dựng chiều cao trung bình là 3 tầng + 1 tum, mật độ xây dựng trung bình là 60%... thì quả thật người dân cũng rất khó trong xây dựng mà các cơ quan quản lý địa phương cũng khó thực thi. Vấn đề đặt ra lúc này là phải sớm có quy hoạch chi tiết 1/500 cho từng trục tuyến phố. Chẳng hạn: cùng 1 phố, chỗ này quy hoạch là khu thương mại, văn phòng cao cấp được phép xây 20, 30 tầng (trước mắt dân có thể ở nhưng về lâu dài nếu nhà đầu tư nào có điều kiện xây dựng thì được phép xây cao ngần ấy!), chỗ kia chỉ dành cho nhà ở, được phép xây tối đa là bao nhiêu tầng, hệ số thế nào, mật độ ra sao... thì người dân đi xin phép cũng dễ mà các cơ quan quản lý nhà nước khi cấp phép cũng rất rõ ràng, mạch lạc. Còn như hiện nay thì đúng là bất cập lắm!
- Vậy tại sao gần 10 năm nay kể từ khi có quy hoạch 1/2000 Hà Nội vẫn chưa có được quy hoạch chi tiết 1/500?
- Phải nói rằng Hà Nội đã có quy hoạch tổng thể 1/2000 vào năm 1998 và trên cơ sở đó 14 quận, huyện cũng đều có quy hoạch 1/2000 là một tiến bộ, thành công của Thủ đô nhưng bước tiếp theo tới đây cần đẩy nhanh việc ra đời quy hoạch chi tiết 1/500 nằm trong thiết kế đô thị. Đã đến lúc phải làm bởi với sự phát triển không ngừng, tốc độ nhanh chóng thế này - nếu quy hoạch không đi trước một bước thì chúng ta rất khó quản lý một đô thị văn minh, hiện đại... cho dù có phân công đơn vị nào quản lý cũng thế thôi, đều bó tay! Việc này thuộc trách nhiệm Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, hướng dẫn các quận, huyện làm vì chúng ta đã phân cấp rất rõ việc quy hoạch cho các quận, huyện!
- Vậy là, vì quy hoạch còn khá chung chung, mù mờ nên thực tế người dân có nhu cầu xây nhà trong nội thành khi tiến hành xin phép thì ''phản xạ'' đầu tiên của các cơ quan thẩm quyền bao giờ cũng là căn cứ trên quy hoạch cũ để trả lời chỉ cho phép xây cùng lắm 3, 4 tầng. Sau đó, do nhu cầu bức thiết và chính đáng, nhiều trường hợp người dân đã tiếp tục trình bày, làm văn bản xin điều chỉnh (tóm lại là ''vận động'' bằng nhiều cách) thì lại có cơ may được cấp phép lên thành 5, 6 tầng (tuỳ)! Ông có biết thực tế đang tồn tại cơ chế XIN - CHO này không?
| ||
- Nói chung là cũng tuỳ tuyến phố, ví dụ người dân xin xây 5 hoặc 6 tầng - nếu đối chiếu quy hoạch khu vực đó, đồng thời căn cứ các quy chuẩn, tiêu chuẩn chung của Thành phố, thấy được thì Sở Xây dựng chúng tôi cấp phép luôn thôi! Cũng có trường hợp ban đầu người ta chỉ xin 3 hoặc 3,5 tầng vì kinh phí có hạn - sau lại huy động được nguồn kinh phí nào đó nên xin thêm 2 hoặc 3 tầng nữa mà Sở Xây dựng xét thấy đủ điều kiện là cấp ngay, không vấn đề!
Nhưng những công trình nằm ở các tuyến phố quan trọng, nhạy cảm, chẳng hạn phố cũ (không phải phố cổ vì phố cổ có quy chế riêng) mà các chủ đầu tư xin từ 7 tầng trở lên thì phải có ý kiến Sở Quy hoạch - Kiến trúc (vì bên đó phụ trách quy hoạch, kiến trúc), còn Sở Xây dựng chỉ quản lý xây dựng theo quy hoạch thôi! Nếu Sở Quy hoạch - Kiến trúc thống nhất rồi thì bên này sẽ theo đó mà cấp phép. Dân có thể tự làm hồ sơ đi xin thoả thuận của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, sau đó chuyển hồ sơ về bên này kèm theo hồ sơ xin phép xây dựng và Sở Xây dựng lấy đó làm căn cứ.
- Tức là cứ thoả thuận được, xin xỏ được là được? Có nghĩa: mật độ là ở con người, hệ số cũng là ở con người, tầng cao cũng vậy... tất cả đều nằm ở ''thoả thuận'' chứ không hẳn ở quy hoạch? Và nhà quản lý có thể cấp hay không cấp ''tuỳ tâm'', ''tuỳ hứng''?
- Đấy là việc của bên quy hoạch kiến trúc, vì về mặt chuyên môn - do chưa có thiết kế đô thị trong khi họ phụ trách công tác quy hoạch nên đứng trước nhu cầu của dân, đành phải tính toán (ví dụ khu vực này có thể cho phép thế này, khu vực kia thế kia, tuỳ theo)! Tất cả đều xuất phát từ ý tưởng thiết kế đô thị để cho ra ý kiến thoả thuận, nhưng nếu thành hẳn 1 quy định rõ ràng mạch lạc thì chưa có! Cho nên Thành phố đang tập trung cho ra đời sớm thiết kế đô thị, trong đó có quy hoạch chi tiết 1/500 (như đã nói ở trên).
Sai mà không ''kênh''!
- Mới có chuyện dư luận cho rằng, một số công trình xây sai phép vừa bị phát hiện gây xôn xao dư luận gần đây - cần phân định đó chỉ là xây sai với phép được cấp, chứ chưa chắc đã sai với quy hoạch chung có thể được? Tức là SAI chứ không TRÁI. Mà nếu nói theo logic ở trên thì ''cái sai'' này rất có thể chỉ là sai vì thiếu thoả thuận, ''vận động'' chưa kỹ, chưa ''thu phục'' được nhà quản lý trực tiếp?
- Thế nên bây giờ mới phải có phương pháp xử lý: Thứ nhất, nếu công trình sai phép đó vi phạm nghiêm trọng về quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, không đảm bảo chất lượng, do sai phép mà ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, chính trị, xâm hại di tích lịch sử, văn hoá... thì lúc đó công trình không chỉ SAI PHÉP mà đã chuyển thành TRÁI PHÉP! Mà đã TRÁI PHÉP thì nguyên tắc là phải xử lý đúng luật, phải tháo dỡ phần trái phép đó đi!
Thứ hai, căn cứ vào Quyết định 39 của Thủ tướng - cần đối chiếu cụ thể xem trong việc SAI PHÉP đó công trình có TRÁI PHÉP không? Có vi phạm quy hoạch không? Có vi phạm quản lý chất lượng công trình không? Rồi quy định về phòng chống cháy nổ và nhiều điều kiện khác... nếu việc vi phạm không nghiêm trọng, cần áp dụng biện pháp hành chính, biện pháp kinh tế kết hợp biện pháp chuyên môn để xử lý.
Không thể cực đoan được! Nói chung, với tất cả các công trình vi phạm (không chỉ riêng vài vụ vừa qua), có công trình từ SAI PHÉP dẫn đến TRÁI PHÉP, có công trình chỉ SAI PHÉP thôi mà không TRÁI PHÉP thì cần cân nhắc tất cả các yếu tố bất cập chung, tốc độ phát triển chung... để giải bài toán chưa có thiết kế đô thị (xin nhắc lại)!
- Cuối cùng xin hỏi: Hiện tượng xây dựng không phép, sai phép xảy ra ở khắp nơi nơi trên địa bàn Hà Nội, từ ngoài đường lớn đến ''hang cùng ngõ hẻm'' (chắc chắn không chỉ dừng lại ở vài toà nhà vừa phát hiện). Nhà riêng sai kiểu nhà riêng, nhà biệt thự sai kiểu biệt thự, nhà cao ốc sai kiểu cao ốc và nhà tập thể cũ thì đa phần tầng 1 là lấn chiếm đất công, các tầng trên thi nhau cơi nới đục khoét... Vụ nào dư luận ''chĩa'' vào thì đó được coi là ''các đồng chí bị lộ''. Còn vô vàn ''các đồng chí chưa bị lộ'' thì cơ quan quản lý sẽ xử lý thế nào? Lộ cái nào xử cái đấy, chưa lộ chưa xử?
- Cần phải đánh giá một cách công bằng: Năm 2000, tỉ lệ cấp phép tại Hà Nội chỉ là 14,5%. Gần đây, nhất là sau khi thí điểm Quyết định 100 của Thủ tướng - công tác cấp phép đã chuyển biến rất tích cực, tỉ lệ năm 2006 trên toàn Thành phố đã nâng lên 67%. Năm 2000, khoảng 1,2 vạn vụ không phép nhưng sang đến 2006 chỉ phát hiện 8.000 vụ. Đây là một sự cố gắng rất lớn và các con số trên tuy có giảm theo thời gian nhưng cho thấy sai phạm đã có lịch sử, tồn tại kéo dài chứ đây không phải chỉ là vấn đề mới xảy ra năm 2006. Vì vậy có thể hiểu vài công trình kia chỉ nằm trong số 8.000 vụ vi phạm năm 2006 trên địa bàn Hà Nội mà thôi!
Tuy nhiên, quan điểm xử lý là phải có trọng tâm, trọng điểm và thông qua việc xử lý này để cảnh tỉnh các chủ đầu tư, đồng thời như một ''tấm gương'' nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Mục đích chính là nhằm tăng tỉ lệ cấp phép lên! Song để làm được điều này cần áp dụng rất nhiều biện pháp. Hiện, Thành phố giao trách nhiệm cho các quận, huyện, Sở Xây dựng Hà Nội xử lý trực tiếp một số công trình vi phạm vừa qua để rút kinh nghiệm chung. Đặc biệt, các quận, huyện được yêu cầu tổng rà soát lại toàn bộ các công trình xây dựng, căn cứ các bài học thực tiễn để quản lý, xử lý tốt hơn.
- Xin cảm ơn ông!
-
Hoàng Huy (thực hiện)
>>Hà Nội: Chưa xử lý nhà sai phép, không phép
>>Bộ Xây dựng: Xử lý dứt điểm các công trình sai phép!
>>Hà Nội: Cắt điện nước các công trình xây dựng sai phép
>>"Chặt đầu" tòa nhà Skyline Tower bên hồ Trúc Bạch?
>>2006: Gần 1/4 tổng số công trình xây dựng là không phép
Ý kiến của bạn về vấn đề này?