- "Việc dừng, chưa thi công để điều chỉnh thiết kế là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng hầm cơ giới Kim Liên bị ngập ngày 20/7, do nước tràn vào hầm" - nhận định của Giám đốc Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội Nguyễn Sỹ Bảo.
Ông Bảo cho biết, theo phương án thiết kế đã được phê duyệt, đường ra vào hầm Kim Liên và đường gom hai bên hầm đã thi công xong đến cao độ h=6.11. Hai bên đường gom và đường dẫn sẽ được nâng cao đều đến đỉnh đường phân thủy ngăn nước mặt, được tính toán bằng cao độ đỉnh ray đường sắt là +7.18.
"Như vậy, đoạn đường này sẽ cao hơn nhà dân hai bên là 0.8m. Để giải quyết tồn tại này, phương án điều chỉnh đã được thống nhất, trình UBND TP và Thành phố đã chấp thuận từ ngày 1/6/2009. Theo đó, cao độ đường gom hai bên hầm được giữ như hiện trạng và vuốt dần lên cao độ +6.5 của đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, phần đỉnh phân thủy chỉ được thi công tại đường dẫn ra vào trong hầm. Phần tường chắn đất được kéo dài thêm 140m về phía đường Đào Duy Anh" - ông Nguyễn Sỹ Bảo cho hay.
Hầm cơ giới nút giao Kim Liên vừa thông đã ngập (Ảnh: N.T). |
Sau khi được chấp thuận, tư vấn đã có phương án thiết kế điều chỉnh, nhà thầu thì hoàn thiện thiết kế bản vẽ thi công - đó chính là lý do hầm thì đã "hòm hòm" mà đoạn đường cuối Đào Duy Anh vẫn đang dang dở...
Thế nhưng, phương án được chấp thuận tưởng đã "êm", gần đây lại có ý kiến phát hiện vẫn còn nhược điểm: Phần tường chắn đất bằng bê-tông cốt thép kéo dài 140m và kiến trúc chưa đảm bảo mỹ quan đô thị (phần tường chắn đất dài và cong này tại đỉnh phân thủy trong đường dẫn cao hơn mặt đường gom hai bên hầm khoảng 2m).
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, để thoát nước, chống tràn nhưng vẫn đảm bảo mỹ quan - các sở, ban, ngành Thủ đô lại "chụm đầu" đưa ra 2 phương án: Một là, điều chỉnh giảm bán kính đường cong lồi nhằm khắc phục đỉnh phân thủy từ cao độ +7.18 (như thiết kế ban đầu được duyệt) xuống còn +6.84; Hai là, bỏ thiết kế tường chắn, thay vào đó xây rãnh thu nước trước cửa ra vào hầm đoạn cuối Đào Duy Anh.
Tuy nhiên, tư vấn cho rằng 2 phương án trên đều có vấn đề. Phương án 1 không ngăn được nước tràn vào hầm khi mưa cường độ lớn tại vị trí cửa hầm phía Đào Duy Anh. Phương án 2 không đảm bảo việc thu nước chảy xuống hầm vì điểm thu nước trước cửa hầm vẫn thấp hơn rất nhiều so với cao độ lưu vực xung quanh hầm.
Tóm lại, cả 2 phương án này chưa đảm bảo yêu cầu ngăn nước tràn vào hầm cũng như mỹ quan tường chắn. Thế là, lại thêm 2 phương án khác được tư vấn đưa ra, và đặc biệt là 2 phương án cuối cùng này đều có ý "trở về điểm xuất phát". Cụ thể, cùng đề xuất "giữ nguyên đường cong mặt đường ra vào hầm chính theo thiết kế được duyệt".
Trung tuần tháng 8/2009, sau khi nhóm họp, các sở, ban, ngành Thành phố Hà Nội cùng cơ quan thẩm định thiết kế đã thống nhất lựa chọn phương án thứ nhất trong 2 phương án "muộn mằn" nhất (kể trên). Theo đó, tường chắn đất bê-tông cốt thép sẽ được kéo dài đến điểm tiếp giáp đường Đào Duy Anh cũ, với cao độ không đổi là +1.105 so với đường dẫn hai bên hầm. Phần vồng lên nhằm đảm bảo giao thông trong hầm đi ra tại đỉnh phân thủy được cấu tạo lan can bằng thép.
Hiện, các đơn vị đang chờ quyết định cuối cùng từ UBND TP Hà Nội để bắt tay vào triển khai.
-
Hoàng Huy