- Bốn đốt hầm dìm Thủ Thiêm nặng 100.000 tấn sẽ được lai dắt và dìm xuống sông Sài Gòn từ ngày 7/3/2010. TP.HCM đang “chạy nước rút” chuẩn bị việc dìm hầm lớn nhất Đông Nam Á này.
Theo kế hoạch, từ 7h sáng ngày 7/3 đốt hầm dìm đầu tiên bắt đầu được lai dắt từ bể đúc (Nhơn Trạch, Đồng Nai) về khu vực hầm Thủ Thiêm trên sông Sài Gòn, quận 1 dài 22km. Những ngày này, các công đoạn cuối cùng cho ngày lai dắt và đánh chìm hầm đang “chạy nước nước”.
Ngày 2/3, lãnh đạo UBND TP.HCM đã chủ trì cuộc họp với Sở GTVT, BQL DA Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước cùng các đơn vị liên quan về phương án đưa đốt hầm dìm số 1 về sông Sài Gòn.
Hầm dìm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn, thuộc dự án Đại lộ Đông Tây có tổng chiều dài 1.490m gồm 3 đoạn: phần hầm dẫn phía bờ Q.1 dài 585m, phần hầm dẫn phía bờ Thủ Thiêm, Q.2 dài 535m và 370m hầm dìm dưới đáy sông Sài Gòn. Phần hầm dìm dưới đáy sông gồm 6 làn xe là công đoạn quan trọng nhất của gói thầu này. Mỗi đốt hầm dài 96m, cao 9m, rộng 33m, nặng 25.000 tấn. Dự kiến khi hoàn thành hầm dìm Thủ Thiêm sẽ là hầm vượt sông dài nhất Đông Nam Á. |
Đến nay, theo BQL Dự án mọi công tác chuẩn bị cho việc lai dắt và dìm đốt hầm số 1 đã tiến hành xong. Cụ thể, công tác kiểm tra chất lượng bên trong các đốt hầm, lắp đặt thiết bị phục vụ lai dắt và đánh chìm, kéo đốt hầm ra khỏi bể đúc... đã hoàn thành.
Hiện nhà thầu đang thực hiện nạo vét đáy sông bằng tàu, bơm hút bùn đến độ sâu -9m (sẽ hoàn thành vào 5/3), tiếp tục thực hiện quá trình quan trắc chất lượng bên trong các đốt hầm và kiểm tra chất lượng bên ngoài các đốt hầm…
“Việc lai dắt di chuyển các đốt hầm từ bể đúc Nhơn Trạch (Đồng Nai) về thi công lắp đặt đúng vị trí quy định trong hồ sơ thiết kế phải tuyệt đối an toàn và đúng tiến độ. BQL DA và các đơn vị liên quan cần đảm bảo cho công đoạn quan trọng nhất của dự án hầm dìm vượt sông này được thực hiện tốt” - chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Tài trong cuộc họp về tình hình chuẩn bị thực hiện công tác lai dắt, lắp đặt các đốt hầm.
36 tiếng đồng hồ dìm đốt hầm đầu tiên
Theo phương án lai dắt, đánh chìm đốt hầm đầu tiên, trên mặt bằng bố trí đoàn lai dắt dự kiến sẽ có 4 tàu kéo chính, 1 tàu kéo dự bị, 2 tàu đẩy cảnh giới và 5 canô cao tốc hành trình từ bể đúc đến hầm dìm để dẫn đường và cảnh giới. Theo đó, từng đốt hầm sẽ được móc vào 4 chiếc tàu sao cho 2 chiếc đi đầu kéo và 2 chiếc đi phía sau giữ đốt hầm đi đúng hướng, không bị sóng nước đánh dạt sang hai bên.
Trước khi lai dắt, đốt hầm sẽ được bịt kín hai đầu bằng thép rồi bơm nước vào bên trong sao cho đốt hầm nổi lên trên mặt nước khoảng 0,3m, còn đáy hầm cách lòng sông chừng 1m.
Bốn đốt hầm dìm hiện ngập trong nước, chuẩn bị được lai dắt và dìm xuống sông Sài Gòn. Ảnh: CTV |
Dự kiến thời gian lai dắt một đốt hầm từ bể đúc hầm về vị trí dìm hầm là 6 tiếng đồng hồ. Tiếp theo, việc dìm và lắp đặt các đốt hầm mất khoảng 36 tiếng. Trong đó, quá trình dìm hầm kéo dài từ 10 đến 13 tiếng đồng hồ sẽ bơm nước vào các bồn chứa để tạo cân bằng cho đốt hầm, hạ từ từ đốt hầm vào đúng vị trí dưới lòng sông, ráp mối nối kín nước đầu tiên…. Quá trình dìm đốt hầm được thực hiện thông qua việc điều khiển hệ thống bơm nước, tời kéo… cùng với các thợ lặn chuyên nghiệp thay phiên nhau làm việc liên tục dưới đáy sông.
Từ khi lai dắt đến lúc đốt hầm đầu tiên dìm thành công, mọi hoạt động lưu thông tàu biển và các phương tiện thủy nội địa khác quanh khu vực hầm dìm sẽ tạm ngưng hoạt động nhằm đảm bảo an toàn cho công tác đánh chìm. Trên mỗi đốt hầm có một tháp định vị, cũng là tháp thông gió nơi công nhân ra vào làm việc, kiểm tra hầm. Khi lắp đặt xong đốt hầm, tháp thông gió này sẽ được đổ bêtông bịt kín lại.
Ngoài phương án lai dắt, đánh chìm hầm, các tình huống sự cố có thể xảy ra trong quá trình triển khai cũng được BQL DA lường trước, đảm bảo quá trình dìm hầm được thành công. Song song đó, mọi công tác phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an ninh trật tự, thông tin liên lạc… cũng được lên phương án đầy đủ nhằm phục vụ cho công tác dìm hầm Thủ Thiêm.
Cùng ngày 2/3, Xí nghiệp Bảo đảm an toàn hàng hải 202 thông báo từ 7h - 12h ngày 7/3, cấm luồng theo hình thức cuốn chiếu từ vị trí bể đúc đốt hầm (khu vực bờ sông Nhà Bè, đối diện phà Bình Khánh) đến vị trí dìm hầm trên sông Sài Gòn… Đồng thời, cấm các tàu biển và phương tiện thủy nội địa khác tránh, vượt, đi vào khu vực lai kéo đốt hầm. Sau đó, bắt đầu từ 12h ngày 7/3 đến 24h ngày 8/3 tạm ngưng lưu thông đối với các tàu biển và phương tiện thủy nội địa khác nhau khu vực Mỹ Cảnh, thượng lưu Nhà Rồng (khu vực thi công dìm hầm). |
-
Thái Phương