- Làm việc vất vả, ăn uống kham khổ, có tiền dành dụm mua được cái áo cũng không có dịp diện vì khi rảnh rỗi, phần lớn công nhân nữ chỉ quanh quẩn trong phòng trọ. Người thì ngủ vùi để lấy sức làm tiếp, kẻ tụ tập tán gẫu. Nơi họ ở, chiếc tivi không có để xem, muốn ra đường thì lại ngại bởi chiếc xe đạp đã quá cọc cạch... Đời sống tinh thần của nữ công nhân được ví chẳng khác gì "bát canh nước lã" họ vẫn được công ty cho ăn hàng ngày.
Nhớ cái tivi ở nhà
Nhiều công nhân vô TP.HCM làm công nhân làm cả năm trời mà chỉ quanh quẩn nhà trọ, công ty, cùng lắm là ra tới... chợ. Những lúc họ quyết tâm đi chơi cho biết đây biết đó thì nhìn lại chỉ có mỗi cái xe đạp cũ đã long sòng sọc.
Mỗi buổi chiều, hàng trăm ngàn công nhân ùa ra khỏi công ty, lâu lâu mới gặp chiếc xe máy, còn lại toàn xe đạp và người đi bộ. "Với công nhân nghèo, xe máy vẫn còn là thứ xa xỉ", Hoa bảo.
“Đôi lúc cũng muốn đi chơi đây đó cho biết, nhưng toàn người đi xe đạp, thậm chí đi bộ vì nhà trọ gần công ty. Vậy là nghĩ tới nghĩ lui, ở nhà cho xong!” - H.T.Hoa, công nhân KCN Amata, Đồng Nai bộc bạch.
Không phải công nhân nữ nào cũng có xe đạp để đi lại.
Ảnh minh hoạ: T.P
Đảo mắt quanh phòng trọ của Hoa, vật đáng giá nhất là chiếc tivi. “Phải đập một cái thật mạnh mới lên!” - Hoa cười cười hướng dẫn.
Thế nhưng, nhiều khi đập mãi tivi cũng không lên hình được, cả phòng Hoa đành phải qua phòng cuối dãy nhà trọ của một đôi vợ chồng mới cưới xem nhờ.
“Người ta mới cưới, sang coi nhờ tivi hoài cũng kỳ. Cả phòng lại kéo nhau về nhà ngồi chơi không chờ đến giờ đi ngủ. Những lúc đó, lại nhớ cái tivi ở nhà” - Hiền, bạn cùng phòng Hoa kể với giọng buồn.
Loanh quanh rồi lại… về phòng
Làm việc vất vả, ăn uống kham khổ, đời sống tinh thần của công nhân cũng rất bó hẹp. Nhiều công nhân vào miền Nam làm cả 2 năm trời nhưng chưa một lần đi xa khỏi dãy phòng trọ, không biết khu du lịch, khu vui chơi giải trí nào bởi cả năm ra ngoài 1 lần thì về quê. Không có tivi thì trò giải trí duy nhất của họ là tán gẫu với bạn cùng phòng, cùng dãy nhà trọ hoặc… ngủ vùi.
9h tối chủ nhật, P.T.Thiệp, công nhân KCX Linh Trung 1, TP.HCM nằm một mình trong phòng, không ti vi, sách báo… Cô bảo, cứ nằm vậy nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác, khi nào buồn ngủ thì ngủ.
Không phải mình Thiệp, hầu hết những buổi tối (không tăng ca) của công nhân các KCN, KCX chỉ là đi vòng vòng quanh dãy phòng trọ, ngồi phòng này tám vài câu, chỗ kia hỏi thăm vài chuyện rồi về phòng, hết ngày.
Với đồng lương ít ỏi, công nhân đi chợ phải đắn đo từng chút một. Ảnh: Thái Phương |
Đồng lương vốn ít ỏi, lại luôn tâm niệm phải dành tiền gởi về nhà khiến hầu hết công nhân ăn uống rất đạm bạc. Nhìn họ đi chợ, xách bọc này bọc kia nhiều đùm đề nhưng bên trong toàn dưa leo, rau củ, khoai lang…
Thậm chí, cơm nguội luôn là món ăn sáng vừa tiện vừa lợi của công nhân. Thiệp giải thích, tối chịu khó đổ gạo nhiều một chút, nấu đồ ăn dư ra, sáng ăn cơm nguội cho nhanh. Muốn đổi món thì chiên cơm lên, ngon chán lại chắc bụng…
"Cuộc sống công nhân tẻ nhạt vậy thôi" - Hoa tâm sự. Thế nên, không ít lần để “thay đổi không khí”, đám bạn trong phòng Hoa nghĩ ra đủ cách “biến tấu” nỗi khổ của mình. Chẳng hạn, cơm với rau chán thì nghĩ rau mình đang ăn là đùi gà, thịt heo, cá bống kho tiêu… “Muốn ăn món gì thì nghĩ tới món đó, sẽ ngon hơn mà vẫn no bụng”, cô bạn cười.
"Còn nếu ngủ dưới đất nền nhà thấp, ẩm ướt đau lưng quá, áp dụng giải pháp “giấc mơ đẹp”. Nghĩa là mỗi lần ngủ cứ mơ mình đang nằm trong chăn ấm, nệm êm với giường chiếu đầy đủ. Đêm nào cũng mơ như thế thì sẽ giúp mình ngủ rất ngon đúng không?, Mai, bạn Hoa lém lỉnh đùa.
Nỗ lực... mơ
Cuộc sống cơ cực đời công nhân đem lại cho họ bao nỗi đắng cay, tủi phiền nhưng công nhân nữ không chỉ mơ về những "bữa ăn tưởng tượng".
Mới học hết lớp 9, Nguyễn Lê Hoàng Trang, quê Quảng Ngãi (hiện là công nhân may công ty W.C, KCN Amata, Đồng Nai) không thể tiếp tục việc học do hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Dù cực khổ nhưng Trang vẫn quyết tâm đi học bằng mọi giá. Ảnh: Thái Phương |
Tìm hướng đi cho mình, Trang khăn gói vào TP.HCM tìm việc làm, kiếm tiền gởi về quê. 15 tuổi, chưa đủ tuổi lao động xin vào công ty, Trang đành nhận bất cứ vệc gì người khác thuê “miễn là lương thiện và có tiền”. Từ phụ bán bánh bao, bán chè, phụ bán cửa hàng cho đến làm may gia công tại các cơ sở tư nhân… Cô bạn không nhớ mình đã trải qua bao nhiêu công việc “phụ” những ngày mới vào.
“Số tiền lớn đầu tiên mình kiếm được là 700.000 đồng, đưa về cho ngoại và 2 đứa em hết… 600.000 đồng!” - Trang thật thà. “Cũng may phụ bán hàng nên mình được ăn ở miễn phí, lại không tiêu xài gì nên dư được chừng đó”.
Vật lộn ở đất Sài Gòn để mưu sinh hơn 2 năm nhưng chưa khi nào Trang ngừng ước mơ được đi học. Đủ tuổi lao động, Trang xin làm công nhân để tiếp tục theo đuổi việc học. Cô quả quyết, không thể thoát nghèo nếu thất học, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng mình quyết đi làm để kiếm tiền trang trải cho việc học.
Vậy là lại bắt đầu hành trình mới, ngày làm công nhân, tối đi học bổ túc, hàng tháng vẫn gởi tiền về quê đều đặn trong khoản lương công nhân còi cọc.
Mỗi lần công ty bắt tăng ca, Trang hết năn nỉ chị chuyền trưởng rồi lại quay sang cứng rắn “chị cứ chửi em rồi cho em về đi học!”. Nhiều lúc bị áp lực công việc, bài vở, Trang bật khóc ngay tại công ty nhưng “chỉ dám tìm chỗ nào đó khóc to một mình chứ không dám cho ai thấy”.
Không có hoàn cảnh đặc biệt như Trang nhưng nhiều công nhân nữ ở các KCN, KCX cũng đang miệt mài vừa học vừa làm với ước mơ thoát khỏi cảnh… đời công nhân.
“Một năm trời sống đời công nhân khiến mình hiểu ra sự thiệt thòi, thua thiệt vì không có bằng cấp và bắt đầu… tiếc thời gian chơi bời vừa qua. Đôi lúc làm mệt, tăng ca triền miên rồi lại bị… mình muốn khóc nhưng đành kìm lại” - Nguyễn Thị Thủy, 21 tuổi, quê Thái Bình, công nhân KCX Linh Trung 1 bộc bạch.
Nhiều người tâm sự. chính cuộc sống công nhân cực khổ khiến họ nhận ra “chỉ học mới có cơ hội đổi đời, thoát nghèo”. Và nếu phải chọn bỏ học hay bỏ làm, ai cũng khẳng định: Bỏ làm thì không thể vì tiền đâu để sống, còn bỏ học lại càng không được vì học là con đường duy nhất để vươn lên. Thế nên chọn cả hai.
-
Thái Phương