- Cuối cùng, vướng mắc về chậm chốt sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động đi đăng ký thất nghiệp cũng đã được BHXH “xuống nước” bằng việc ra hạn nợ cho chủ sử dụng lao động.
Bó tay với chủ sử dụng lao động nợ BHXH
Hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với việc triển khai bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là do chủ sử dụng lao động chậm chốt sổ cho người lao động, khiến người lao động thất nghiệp không đủ điều kiện hưởng BHTN.
Thực tế, có nhiều doanh nghiệp chậm đóng hoặc trốn đóng BHXH cho người lao động. Theo ông Kiều Văn Minh -Trưởng ban thu BHXH Việt
Để giải quyết tình trạng này, ông Minh cho biết nếu doanh nghiệp chậm đóng 1 tháng vẫn cho chốt sổ. Còn doanh nghiệp nợ BHXH từ 1 đến 3 tháng thì người sử dụng lao động phải cam kết với BHXH một tháng sau phải hoàn trả.
Tuy nhiên, thực tế khó khăn trong việc thực hiện chi trả BHTN không chỉ có lý do doanh nghiệp chậm hoặc trốn đóng BHTN mà còn do phía BHXH chậm trả sổ bảo hiểm xã hội khi người lao động tới khai báo thất nghiệp.
Theo nhận định của Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH), đây là nguyên nhân dẫn tới việc chậm chi trả tiền cho người lao động khi mất việc.
Trong khi nhiều địa phương vẫn còn “câu nệ” thủ tục hành chính này thì tỉnh Bình Dương lại có cách làm sáng tạo. Khi người lao động tới khai báo thất nghiệp, Bảo hiểm Bình Dương cấp cho “tờ rời” BHTN với đầy đủ thông tin để người lao động có thể tới các trung tâm giới thiệu việc làm hoàn tất hồ sơ.
Cả nước đã có hơn 3,5 ngàn lao động đến đăng ký thất nghiệp.
Chính nhờ cách làm này, Bình Dương đã kịp thời giải quyết khó khăn cho người mất việc. Trong số 655 người đến đăng ký thất nghiệp, có tới 306 người nộp hồ sơ hưởng, 243 người đang trình Giám đốc Sở ra quyết định hưởng.
Số người nộp hồ sơ hưởng và số người trình Giám đốc Sở ra quyết định hưởng BHTN của Bình Dương cho tới nay là cao nhất cả nước. Về tính pháp lý của việc làm này, ông Minh khẳng định hoàn toàn đúng quy trình thủ tục và hợp pháp.
Vẫn chờ quyết định
Tính tới thời điểm này, BHXH Việt Nam đã thu quỹ BHTN lên tới 3.066 tỷ đồng với 5,4 triệu người tham gia, vượt xa con số dự kiến ban đầu (khoảng 3 - 4 triệu người). Đối tượng tham gia đóng BHTN có cả đối tượng là những người làm ở đơn vị sự nghiệp, những người sắp về hưu.
Trả lời báo chí về việc đối tượng lao động làm việc trong khối sự nghiệp vốn được xem là ít rủi ro thất nghiệp nhưng vẫn đưa vào đối tượng đóng, ông Nguyễn Đại Đồng - Cục trưởng Cục Việc làm cho hay: "Mặc dù ít khả năng rủi ro thất nghiệp nhưng vẫn đưa khối hành chính sự nghiệp vào đối tượng tham gia BHTN là để... đảm bảo nguồn quỹ BHTN!".
“Ở nhiều nước, để đảm bảo nguồn quỹ BHTN, họ vẫn tăng lực lượng tham gia có rủi ro thấp, kể cả công chức nhà nước. Những người sắp nghỉ hưu cũng thuộc đối tượng đóng BHTN là để đảm bảo nguồn quỹ” - ông Đồng cho biết.
Theo báo cáo nhanh của các trung tâm giới thiệu việc làm trên cả nước, tính từ ngày 4/1 đến trưa 14/1/2010, đã có 3.515 lao động đến đăng ký thất nghiệp, trong đó 592 người hoàn thiện hồ sơ đề nghị được hưởng BHTN và mới chỉ có 298 người được Trung tâm xác định đủ điều kiện hưởng, mức hưởng, đang trình Giám đốc Sở LĐ-TB&XH ra Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Do vậy, hiện nay trên cả nước vẫn chưa có bất cứ trường hợp nào được nhận tiền BHTN.
Ông Đồng cho biết, sở dĩ chưa trường hợp nào nhận được khoản tiền này do việc làm các thủ tục chứng thực thất nghiệp có thời hạn bắt đầu thực hiện mới chỉ 10 ngày, trong khi thời gian hoàn tất thủ tục lên tới 22 ngày - nên chưa có truờng hợp nào được nhận tiền cũng là điều dễ hiểu.
-
Gia Văn