- Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết, kết thúc năm 2009 cả nước có 75.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài, đạt 83% so với kế hoạch đề ra. Bước sang năm 2010, để thúc đẩy các chương trình đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài, các thị trường truyền thống vẫn được xem là khả thi nhất.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, mặc dù tình hình kinh tế có nhiều dấu hiệu khả quan, nhiều nước đã bắt đầu nhận lao động trở lại nhưng các thị trường truyền thống vẫn được coi là trọng tâm. Bởi khi nền kinh tế phục hồi, các thị trường này vẫn là nơi nhận lao động với số lượng lớn, trong đó có lao động Việt Nam như các thị trường Trung Đông, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản.
Theo ông Quỳnh, đối với thị trường Maylaysia, các doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng cần thẩm định các hợp đồng tốt, ít rủi ro.(Ảnh: LN) |
Ngoài yếu tố nhận nhiều lao động, theo ông Quỳnh đây còn là những nước không có những yêu cầu quá khắt khe, phù hợp với trình độ lao động của Việt Nam.
Thống kê cho thấy, năm 2009 Đài Loan là nước nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 21.667 lao động; Hàn Quốc 9.336 lao động; Lào có 9.070 lao động, Nhật Bản 5.456 tu nghiệp sinh và lao động; Li-bia 5.241 lao động; UEA 4.732 lao động… còn lại một số thị trường khác.
Tuy nhiên, để đưa lao động trở lại một số thị trường, ông Quỳnh cũng lưu ý, đối với một số thị trường, các doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng cần thẩm định các hợp đồng tốt, ít rủi ro. Đối với thị trường Trung Đông, Bộ LĐTB&XH tiếp tục chỉ đạo triển khai chương trình đưa 4.000 lao động sang làm nhân viên bảo vệ bởi đây là chương trình hợp tác giữa 2 nước. Nếu thực hiện tốt chương trình này sẽ là cơ sở để tiếp tục đưa nhiều lao động sang nước này làm việc.
Riêng đối với Đài Loan, đây vẫn là thị trường trọng điểm đang có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, khán hộ công trong các viện dưỡng lão. Tuy nhiên, hiện tại Đài Loan chưa nhận lại lao động trong lĩnh vực thuyền viên và giúp việc gia đình.
Như vậy, điểm lại các nước có nhiều khả năng nhận lao động Việt Nam sang làm việc vẫn là thị trường truyền thống. Bởi với những thị trường này, vừa nhận nhiều lao động, vừa là những thị trường phù hợp với kỹ năng, tay nghề của lao động Việt Nam.
Tuy nhiên, để khai thác và mở rộng thị trường cho lao động có kỹ thuật cao, Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo các doanh nghiệp từng bước thực hiện khai thác hợp đồng đưa lao động trình độ cao sang các nước như Úc, New-Di-lân, Canada, Phần Lan, Thụy Điển… Và năm 2010, có thể sẽ có nhiều lao động có cơ hội ra nước ngoài làm việc hơn, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
- Gia Văn