221
7682
Pháp đình
phapdinh
/xahoi/phapdinh/
1294243
Bi kịch phía sau vụ án "nghịch tử giết cha"
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Bi kịch phía sau vụ án 'nghịch tử giết cha'
,

- “Dù cha bị cáo có thế nào thì đó cũng là cha của bị cáo. Giết người đã không thể tha thứ được, giết cha càng không thể tha thứ. Bị cáo không thể đang tâm giết chết cha mình như thế. Tội ác của bị cáo trời không dung, đất không tha…”

TIN LIÊN QUAN

Lời luận tội của vị đại diện Viện kiểm sát văng vẳng chốn công đường như lưỡi dao cắt lòng người dự khán. Tội ác giết cha của kẻ đứng trước vành móng ngựa không thể dung tha nhưng bi kịch phía sau vụ án mới thật sự làm người ta nhói lòng. Tất cả đều khởi nguồn từ rượu, từ đòn roi của bạo lực gia đình suốt thời thơ ấu.

Nghịch tử

Phiên tòa xét xử vụ án giết người hôm ấy được mở vào lúc trời đã gần trưa. Ở hàng ghế trên cùng dành cho đại diện người bị hại là người đàn bà, một già, một trung niên ngồi chết lặng từ lúc nào. Nỗi đau như nuốt ngược, không ai khóc, không ai nói, họ lầm lũi tựa vào nhau.

Rồi Phan Minh Mẫn (20 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) cũng được dẫn giải ra trước vành móng ngựa với đôi tay còng chặt. Mẫn là bị cáo trong vụ án, là kẻ đã giết chết chồng và con của hai người đàn bà ấy nhưng Mẫn cũng cùng dòng máu với họ. Ba người- ba thế hệ hội ngộ giữa chốn pháp đình, người còn lại đã vĩnh viễn. Đó chính là cha ruột của Mẫn.

Không khí phiên tòa như chùng xuống trong giây phút. Bị cáo khẽ ngước mắt nhìn mẹ và bà nội rồi vội vã quay đi. Bà cụ già nua, mái đầu bạc trắng đưa bàn tay cố với về phía thằng cháu đích tôn rồi buông thõng tuyệt vọng.

Sau phần công bố cáo trạng của Viện kiểm sát, Mẫn đứng cúi đầu nhỏ nhẹ trả lời từng câu hỏi của Hội đồng xét xử (HĐXX).

“Bị cáo quan hệ như thế nào với ông P.X.M.?” – “Dạ, là con ruột”. “Trong cuộc sống hàng ngày bị cáo thấy cha bị cáo là người như thế nào?” – …“Dạ, cha bị cáo hay say xỉn đánh mẹ và anh em bị cáo, hay đập phá đồ đạc trong nhà”- Mẫn khẽ trả lời sau một hồi im lặng. Cha bị cáo làm nghề gì?” – “Dạ, là tài xế”. “Bình thường ông M. có đi làm không?” – “Thưa, cha bị cáo thường xuyên say xỉn nên dần dần người ta không thuê nữa…”.

Phần thẩm vấn trôi qua. Những gì người dự khán nhận ra rõ nhất từ lời khai của bị cáo trẻ là nỗi ám ảnh từ cơn thịnh nộ của cha với những đòn roi không hẹn trước của ông dành cho mẹ con bị cáo.

Ở góc phòng, hai người đàn bà ngồi như tượng đá trước từng lời khai đứt lòng của con trẻ...

Tối 9/11/2009, Mẫn ở trường về thì gặp cha đang nằm ngủ lay lắt trên nền nhà tại phòng khách. Ông đang say. Nhìn cha, Mẫn lại nhớ tới trận đòn ông dội xuống mẹ và anh em Mẫn cách đó 2 ngày. Bao ám ảnh, bao hờn giận găm trong lòng từ bấy lâu như bùng lên…

Mẫn nghĩ đến tội ác tàn độc bằng cách tước đoạt mạng sống của chính người đã sinh ra mình bằng điện. Bị cáo đi mua dây điện, ổ điện về. Một đầu cắm vào ổ điện trong buồng, đầu còn lại dí vào người cha cho đến chết.

“Bị cáo đi mua những gì, tiệm bán đồ điện cách nhà bị cáo bao xa?” – “ Dạ, cách khoảng 500m, bị cáo đi mua một ổ cắm điện, một phích cắm có nối sẵn một đoạn dây”. “Rồi bị cáo làm gì?” – “Bị cáo tuốt vỏ dây diện vo lại rồi một đầu cắm vào ổ điện, đầu kia dí vào người cha”.

“Bị cáo là sinh viên năm mấy? Chuyên ngành gì?” – “Dạ, năm 2, ngành sửa chữa ôtô”. “Bị cáo đã dí điện vào nhiều vị trí trên người cha mình, có vị trí lâu tới 5 phút. Tại sao bị cáo có thể làm vậy?”. Im lặng.

Nghich-tu-giet-cha-dung-ngh.jpg
Phan Minh Mẫn trước vành móng ngựa.

Vị chủ tọa nhận định: bị cáo đã dí điện vào nhiều vị trí trên người cha. Sau khi dí điện, thấy cha nằm bất tỉnh bị cáo còn đứng cuộn dây điện lại và đi ra sân định mang đi phi tang thì gặp mẹ và em về. Điều này cho thấy thái độ của bị cáo rất bình tĩnh.

Tuổi thơ không bình yên

Mẫn cho biết, một tuần cha thường say 5 – 6 lần. Mỗi lần say, ông đánh chửi mẹ con Mẫn hoặc đập phá đồ đạc trong nhà. Tuổi thơ của anh em Mẫn là những ngày dài sống trong nỗi lo lắng, phập phồng với những chịu đựng cùng cực của mẹ và những trận đòn nối tiếp của cha.

Dù khó khăn, tủi nhục, nặng với nỗi lo cơm áo gạo tiền nhưng mẹ Mẫn vẫn động viên con học hành. Bị cáo cũng được đi học và trở thành sinh viên một trường cao đẳng nghề tại TP.HCM. Từ đó, bao hi vọng, bao tình yêu thương được người mẹ dồn hết cho con trẻ. Bà càng vững vàng cam chịu những tủi cực dồn nén từ chồng. Với Mẫn, càng ngày cha càng xa lạ như người dưng trong gia đình.

Được mời lên thẩm vấn, bà nội Mẫn lọm khọm lê bước. Nỗi đau quá lớn khiến đôi tai bà như ù đi. Chủ tọa phải nhắc lại câu hỏi đến 3 lần.

“Con tôi nó tệ quá. Con dâu tôi khổ cực suốt gần 20 năm rồi. Con dâu tôi phải đi làm thuê về nuôi nó, chạy vạy nuôi con mà nó cứ say là đánh đập. Tôi rầy con tôi nó không nghe. Tôi sinh được con nhưng không sinh được tánh. Tôi thương dâu tôi khổ quá nên nhiều lần bảo dâu là thôi đi, đừng ở với nó nữa nhưng vì con nên dâu lại chịu đựng. Cháu tôi nó lớn lên nó hiểu được mọi chuyện nhưng cháu bồng bột quá, tôi xin tòa giảm án cho cháu để nó được trở về trả nợ cho mẹ nó…”. Nghe những giãi bày của bà cụ, cả phòng xử như chết lặng.

Quay sang nhìn bị cáo, vị Hội thẩm nhân dân trầm giọng: “Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, đó cũng là cha của bị cáo. Trong gia đình, đạo lý con người không cho phép bị cáo hành xử như vậy. Bị cáo cũng có ăn, có học, sao có thể đang tâm giết cha mình?” – “Dạ, bị cáo có tội, bị cáo đã gây ra tội ác”- Mẫn khóc, đầu cúi rạp, hai bàn tay đan chặt vào nhau.

Vị đại diện Viện kiểm sát nhấn thêm: Khi bị cáo nói “Mẹ đừng báo công an nhé, con vừa chích điện cha rồi” chính mẹ bị cáo đã phải thốt lên “Sao mày làm vậy? Ông ấy là cha mày mà” nên hành vi của bị cáo không thể tha thứ. Dại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình dành cho Mẫn.

Nghe con bị tuyên án tử, mẹ Mẫn ôm mặt khóc rưng rức. Đứa con trai duy nhất từng là niềm tự hào của bà giờ là tên nghịch tử phải đối diện án chết.

Tòa nhận định hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng; người bị hại đang ngủ không có bất cứ hành động gì kích động đến bị cáo; hành vi phạm tội của bị cáo rất dã man, không còn luân thường đạo lý, không có khả năng giáo dục, cải tạo…Tòa đã tuyên phạt Phan Minh Mẫn mức án tử hình.

Tiếng hét thất thanh của hai người đàn bà vang lên trong nỗi đau đớn tột cùng. Một người mất chồng giờ lại mất con, một người đã mất con giờ mất thêm đứa cháu. Họ vật vã nơi góc khán phòng khiến nhiều người không cầm được nước mắt.

  • Mai Phượng
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,