221
454
Pháp luật
phapluat
/xahoi/phapluat/
201592
"Giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân phải bắt đầu từ gốc"
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
'Giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân phải bắt đầu từ gốc'
,

(VietNamNet) - Trong khi các cơ quan công quyền luôn phải đau đầu trước tình trạng KNTC trong dân, nhiều vụ thậm chí phải bó tay, thì sự "vào cuộc" của Hội Nông dân (HND) Việt Nam lại tỏ ra hết sức hiệu quả. PCT thường trực Trung ương HND Việt Nam, bà Hoàng Diệu Tuyết đã trả lời phỏng vấn VietNamNet về vấn đề này.

Bà Hoàng Diệu Tuyết (giữa) tại ĐH Nông dân Việt Nam toàn quốc lần IV

- KNTC vốn là chuyện nhạy cảm, phức tạp và nan giải mà lâu nay, các cơ quan công quyền không mấy hứng thú giải quyết. Vậy tại sao HND Việt Nam lại muốn "nhảy" vào lĩnh vực "nước sôi lửa bỏng" này, thưa bà?

- Là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của giai cấp nông dân nên khi nhận thấy các quyền và lợi ích chính đáng đó chưa được giải quyết, thậm chí nhiều khi còn bị xâm phạm, HND quyết định đề đạt với Chính phủ để được góp phần tham gia giải quyết.  Một lý do nữa khiến Hội ND Việt Nam muốn "vào cuộc" là từ trước đến nay, có rất nhiều vụ KNTC trong dân kéo dài chỉ vì bất đồng quan điểm, quyền lợi trong cách giải quyết vấn đề của các cơ quan công quyền, nói một cách khác, các cơ quan hành pháp của chúng ta thường dựa trên luật chung để giải quyết vấn đề theo hướng chủ quan nên hiệu quả đạt được rất hạn chế. Không ai hiểu tâm tư, nguyện vọng của nông dân bằng Hội Nông dân, vì thế chúng tôi "xắn tay" tham gia với quan điểm: giải quyết KNTC của nông dân phải bắt đầu từ gốc.

- Bà có thể cho biết một số thành quả nhất định mà Hội ND các cấp đã đạt được sau hai năm thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là thời gian gần đây nhất - năm 2003? 

- Theo báo cáo chưa đầy đủ thì chỉ tính riêng năm 2003, HND các cơ sở đã tham gia hoà giải thành công hơn 38.642 vụ, điển hình là các tỉnh, thành như Kiên Giang (hoà giải thành công 671/707 vụ), Bạc Liêu (515/568 vụ), Cần Thơ (226/261 vụ), Bến Tre 226 vụ, trong đó có những vụ cán bộ Hội phải kiên trì đi lại, vận động thuyết phục các bên tới 7 lần mới hoà giải thành công mâu thuẫn giữa nông dân. Xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang là một ví dụ.

Là điểm nóng của các vụ khiếu kiện kéo dài trong nhiều năm (hàng ngàn hộ thường xuyên kéo lên TP. Hồ Chí Minh ăn chực, nằm chờ để kiện), xã An Cư có tới 99% dân số là người Khơ Me, vẫn giữ những tập tục, luật tục riêng của dân tộc họ. Sở dĩ nông dân ở đây khiếu kiện nhiều năm là vì không chấp thuận với phương án hỗ trợ 40 triệu đồng/ha đất theo quyết định của Chính Phủ. Lý do mà họ đưa ra là trên mảnh đất của dòng tộc luôn có họ hàng, anh em đến luân phiên canh tác, ít nhất là 3 hộ gia đình. Nếu đền bù như vậy, vẫn còn thiếu "hai suất" không biết sinh sống thế nào khi mất đất. 

Thế nhưng, đến khi cán bộ HND đến tận nơi thuyết phục, phân tích, giảng luật pháp cho nông dân và đề xuất hướng phối hợp với chính quyền để giải quyết, đã có tới 1/3 hộ xin tình nguyện rút đơn khiếu kiện. 

- Không nắm trong tay quyền lực sẵn có như bộ máy công quyền, khả năng tài chính lại rất eo hẹp, đội ngũ nhân lực trình độ có hạn... vậy làm cách nào để HND có thể hoà giải thành công các vụ khiếu kiện nói trên, trong khi rất nhiều vụ khiếu kiện phức tạp, đến chính quyền các cấp còn phải "chào thua"? 

- Thế mạnh của Hội ND không phải là ở quyền lực hay vấn đề tài chính mà là ở chỗ gần dân, hiểu dân, nói dân tin, làm dân phục. Sở dĩ xảy ra nhiều vụ khiếu kiện kéo dài ở cơ sở là do chính quyền sở tại chỉ đứng gia giải quyết khi mâu thuẫn, xung đột đã lên đến đỉnh điểm, hoặc nếu có giải quyết cũng chỉ dùng luật chung mà áp đặt cho nhiều tình huống, khiến dân không phục, mất dần lòng tin.

Rút kinh nghiệm từ cách làm "truyền thống" trên, mỗi một lần tham gia giải quyết KNTC, HND chúng tôi thường bắt đầu bằng việc tiếp cận dân, khích lệ họ nói lên tâm tư, nguyện vọng cũng như những bức xúc của mình, nguyên nhân dẫn tới khiếu kiện để từ đó tìm cách giải quyết thấu tình đạt lý nhất. Với những hộ do không hiểu pháp luật, thấy người ta kiện mình cũng muốn kiện, chúng tôi giải thích, động viên, khuyên răn để họ từ bỏ việc làm sai trái có thể dẫn đến vi phạm pháp luật. Còn với những trường hợp bị xâm phạm quyền lợi, sau khi tiếp nhận hồ sơ, Hội đưa ra lịch hẹn ngày mời họ lên giải quyết. 

Ngay sau đó, những phản ánh, bức xúc cụ thể của dân sẽ được Hội tập hợp, suy xét mức độ nặng nhẹ để trình lên chính quyền địa phương, đồng thời, tham mưu đề xuất phương hướng giải quyết sao cho hợp tình, hợp lý, trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng và lợi ích hợp pháp của dân theo đúng pháp luật hiện hành. Với những vụ việc phức tạp, Hội đề xuất thành lập BCĐ liên ngành cùng tham gia giải quyết, tuỳ theo chức năng, quyền hạn cụ thể. Những vấn đề khiếu nại, tố cáo do mâu thuẫn, tranh chấp giữa các hộ dân, Hội thường đứng ta tổ chức các buổi hoà giải tập thể để mọi hội viên có thể tham gia, góp ý, cùng đề xuất phương án giải quyết. 

Hội còn tận dụng uy tín của một số cá nhân trong làng xã như lực lượng cựu chiến binh, bộ đội xuất ngũ, người già, những người sống có uy tín trong vùng làm CTV đắc lực vận động bà con giải quyết mọi vấn đề bằng con đường thương lượng, đối thoại thay vì khiếu nại, tố cáo.

- Để làm được điều đó, theo bà, HND đã phải đương đầu với những khó khăn lớn nào?

- Tất nhiên là sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Trước đây, khi Thủ tuớng vừa ra Chỉ thị "tạo điều kiện cho Hội ND các cấp tham gia giải quyết KNTC", chúng tôi đã gặp phải sự kỳ thị của không ít cấp ngành liên quan cũng như chính quyền địa phương sở tại. Đó cũng là lý do trong năm đầu tiên triển khai, chúng tôi chỉ nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ của khoảng 20 tỉnh, thành trong cả nước, sang năm thứ hai, khi chứng kiến hiệu quả lớn từ cách làm giản dị của các cấp HND, chỉ còn 27 tỉnh đứng ngoài cuộc. Đến nay thì tất cả đều đã vui vẻ chấp thuận và hợp tác nhiệt tình. Về kinh phí cũng vậy. Năm đầu tiên Hội tham gia giải quyết KNTC của nông dân, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính trợ cấp 600 triệu đồng ngân sách, năm thứ hai tăng lên 700 triệu và nay, năm 2004 là 900 triệu. Tuy số tiền này chưa đáp ứng được 1/3 nhu cầu thực chi cho việc nhân rộng mô hình hiệu quả, in ấn, biên soạn tài liệu pháp lý theo cách thức rút gọn các bộ luật, biên dịch ra nhiều thứ tiếng dân tộc như H'Mông, Càtu, Ê đê, Khơ Me, đào tạo nguồn nhân lực ... song như vậy cũng đã chứng tỏ, những việc làm thiết thực của Hội trong thời gian qua trong quá trình tham gia giải quyết KNTC của nông dân đã được Đảng và Nhà nước cùng các cấp, các ngành tin tưởng, thấy đó làm những hành động mang lại hiệu quả thiết thực.

- Thưa bà, thời gian tới, Hội dự định sẽ triển khai, nhân rộng mô hình giải quyết KNTC cấp cơ sở như thế nào và điểm nóng tiếp theo cần giải quyết sẽ là những đâu?

- Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung đào tạo nguồn cán bộ Hội cơ sở (cả đội ngũ chuyên trách lẫn kiêm nhiệm), ngoài ra chúng tôi cũng sẽ tận dụng thêm nguồn lực CTV có uy tín tại địa phương để vận động hội viên. Hiện tại, lực lượng cán bộ HND các cấp mới chỉ có khoảng 2,5 vạn người, quá mỏng so với con số 13 triệu hộ nông nghiệp và 65 triệu nông dân trong cả nước với hàng triệu vụ KNTC nóng bỏng. Ngoài ra, trong năm 2004, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình giải quyết KNTC tại 13 tỉnh thành nữa như Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắc Nông, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Hà Tiên, Tây Ninh, Tuyên Quang, Thanh Hoá...

Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng nữa là chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp biên soạn các cuốn sách pháp lý dưới dạng hỏi - đáp ngắn gọn về những vấn đề liên quan đến đời sống, quyền lợi thiết thân của nông dân, giúp họ nâng cao nhận thức về luật pháp để tránh phạm luật. Theo tôi, hiện nay vấn đề trợ giúp pháp lý cho nông dân vẫn chưa được chính quyền các cấp coi trọng đúng mức. Đây cũng là một trong những nguyên nhân nảy sinh tình trạng khiếu kiện và tranh chấp kéo dài trong dân. 

- Xin cảm ơn bà!

  • Nguyệt Minh (thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,