(VietNamNet) - Ngày 22/3, TAND tối cao tại TP Hà Nội mở phiên xử phúc thẩm vụ án Lã Thị Kim Oanh và đồng phạm. Ra trước vành móng ngựa lần này gồm tất cả 8 bị cáo đã có đơn kháng cáo sau phiên xử sơ thẩm cuối năm ngoái.
Liên quan đến vụ án này có một số quan chức của Bộ NN&PTNT gồm Nguyễn Quang Hà (nguyên Thứ trưởng thường trực), Nguyễn Thiện Luân (nguyên Thứ trưởng), Huỳnh Xuân Hoàng (nguyên Vụ trưởng) và Phan Văn Quán (nguyên Vụ trưởng). Những bị cáo này bị truy tố theo tội danh thiếu trách nhiệm trong quản lý Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra còn có 3 cán bộ của Công ty Tiếp thị đã tiếp tay cho những hành động phạm tội của Lã Thị Kim Oanh gồm Đỗ Đức Thuần (nguyên Kế toán trưởng), Nguyễn Chính Nghĩa (nguyên Trợ lý Giám đốc) và Phạm Tiến Bình (nguyên Phó Giám đốc).
Toà sơ thẩm đã tuyên phạt: Lã Thị Kim Oanh án tử hình vì tội "tham ô tài sản", 20 năm tù giam vì tội "cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hợp hình phạt chung là tử hình; Đỗ Đức Thuần 15 năm tù giam, Nguyễn Chính Nghĩa 10 năm tù giam, Phạm Tiến Bình 15 năm tù giam, cả 3 bị cáo này đã phạm tội "cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". TAND TP.Hà Nội cũng đã tuyên phạt Nguyễn Quang Hà và Nguyễn Thiện Luân mỗi bị cáo mức án 3 năm tù giam; Huỳnh Xuân Hoàng và Phan Văn Quán mỗi bị cáo mức án 4 năm tù giam, đây là những bị cáo phạm tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Lã Thị Kim Oanh phải bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn dân sự số tiền 101,77 tỷ đồng (làm tròn số) và 95,55 ngàn USD (làm tròn số). Các bị cáo khác thuộc Công ty Tiếp thị cũng phải liên đới bồi thường 4 tỷ đồng cho bị hại.
HĐXX cũng kiến nghị Cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ sự liên quan của một số đối tượng khác trong vụ án này. Được biết, trong đó có những cán bộ Ngân hàng, cán bộ Sở Địa chính - Nhà đất, cán bộ UBND TP.Hà Nội và cán bộ Cục Đầu tư Phát triển. Sau phiên toà sơ thẩm, cả 8 bị cáo trên đều có đơn kháng cáo kêu oan. Đáng chú ý, bị cáo Hà và bị cáo Luân đã có buổi đối chất trực tiếp với nguyên Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn và đương nhiệm Bộ trưởng Lê Huy Ngọ về một số vấn đề liên quan tới vụ án. Buổi đối chất này có sự chứng kiến của Cơ quan điều tra, VKSND.
Phiên toà phúc thẩm mở ngày 22/3 và dự kiến kéo dài hơn một tuần. Sẽ có 11 LS tham gia (thêm 2 LS so với phiên sơ thẩm). Số lượng nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan sẽ được mời hạn chế. 1 nguyên đơn dân sự là Tổng Công ty vật tư nông nghiệp VN. 12 nguyên đơn dân sự khác có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã không kháng cáo. LS Chu Khang vẫn sẽ bào chữa cho Lã Thị Kim Oanh và bị cáo này cũng đã có đơn đề nghị LS Nguyễn Trọng Tỵ (Chủ nhiệm Đoàn LS Hà Nội) bào chữa miễn phí vì theo như phía gia đình nói hiện hoàn cảnh rất khó khăn, không còn tài sản đáng kể gì. LS Tỵ nhận lời đồng ý và ông đã vào trại T16 - Bộ Công an gặp Lã Thị Kim Oanh hai lần (ngày 9 và 16/3), được biết sức khoẻ bị cáo này ổn định. Như vậy LS Tỵ sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hai bị cáo là Lã Thị Kim Oanh và Nguyễn Thiện Luân. 3 thẩm phán của HĐXX gồm ông Nguyễn Hùng Cường (chủ toạ), ông Vũ Mạnh Hùng và bà Đào Thị Nga. Được biết, giống như tại phiên sơ thẩm, các PV báo chí tham gia đưa tin sẽ được bố trí phòng riêng để theo dõi xét xử qua màn hình.
-
Tùng Duy