221
454
Pháp luật
phapluat
/xahoi/phapluat/
233016
Nhức nhối nạn... buôn người
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Nhức nhối nạn... buôn người
,

(VietNamNet) - Hơn 1.750 phụ nữ, trẻ em Việt Nam bị lừa bán ra nước ngoài. Không ít trong số đó trở thành nô lệ tình dục. Đó là kết quả điều tra mới nhất của Cục Cảnh sát Hình sự, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an về thực trạng phụ nữ, trẻ em bị lừa bán ra nước ngoài trong 2 năm ở 16 tỉnh, thành phố.

 

Người bán người

 

Từ đầu năm 1998 đến nay, cơ quan công an đã phát hiện, triệt phá gần 700 vụ mua bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài, bắt hơn 1.200 đối tượng tổ chức và tham gia “buôn người”, làm rõ gần 1.700 nạn nhân. 870 người đã được cứu, đưa về nước đoàn tụ với gia đình. Nhưng xót xa thay, vẫn còn hàng trăm phụ nữ, trẻ em đang bị chà đạp cả về thể xác lẫn tinh thần nơi xứ người…

 

Đã có hơn 1.750 phụ nữ, trẻ em bị lừa bán ra nước ngoài. Ảnh: Thái Công.

Theo thông tin điều tra từ C14, bọn tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em thường liên kết chặt chẽ với nhau, tạo thành những đường dây có tổ chức. Chúng dụ dỗ những phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để đưa ra nước ngoài. Phương thức phổ biến nhất của những đối tượng chuyên mua bán phụ nữ, trẻ em thường dùng là: Một người Việt Nam móc nối với một số đối tượng là người nước ngoài, hoặc là người Việt sinh sống, làm ăn ở nước ngoài (chủ yếu là ở Trung Quốc và Campuchia), tạo thành đường dây hoạt động buôn bán phụ nữ trẻ em.

 

Sau khi đưa qua biên giới bằng nhiều ngả đường, họ bị bán, và “sang tay” qua nhiều ông chủ, trải qua nhiều quốc gia, rồi bị đẩy vào những ổ chứa mại dâm, hoặc bị đưa sâu vào trong lãnh thổ, bán cho những người có nhu cầu lấy vợ, hay cần người giúp việc. Đê tiện hơn, một số kẻ còn dùng nhiều thủ đoạn đẩy phụ nữ, trẻ em hoặc gia đình họ vào con đường sa ngã, bị lệ thuộc, sau đó khống chế, cưỡng ép làm theo ý chúng.

 

Những địa điểm nóng nhất, thường xuyên diễn ra các “phi vụ buôn người” tập trung tại 14 tỉnh có biên giới giáp với Trung Quốc và Campuchia như: Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Phước… Những địa phương này, có địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn, tạo điều kiện cho những kẻ “buôn người” đưa người qua biên giới trái phép, mà lực lượng biên phòng và công an rất khó kiểm soát.

 

Phải xóa cái nghèo, cái dốt!

 

Nạn nhân của những đường dây “buôn người” này thường tập trung ở nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, các tỉnh giáp biên giới. Những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, gặp cảnh “éo le” về tình cảm, thiếu hiểu biết xã hội, nhẹ dạ cả tin thường là đối tượng bị chúng dụ dỗ. Với những lời hứa hẹn, giúp đỡ một việc làm ổn định, thu nhập cao, hoặc lấy một người chồng nước ngoài khá giả, những cô gái nghèo, nhẹ dạ đã bị lừa đưa sang đất khách quê người. Cũng có những có gái trẻ, thích hưởng thụ, bị dụ dỗ đi du lịch, tham quan… và rơi vào cảnh ngộ bị… bán. Đau đớn hơn, có những nạn nhân bị chính những người thân của mình lừa gạt đem đi bán…

 

Mặc dù trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế rất quan tâm đến quyền

Những phụ nữ có hoàn cảnh nghèo khó, thiếu hiểu biết luôn là đối tượng của bọn "buôn người". Ảnh: Thái Công.

phụ nữ, trẻ em. Các công ước quốc tế cũng như hệ thống pháp luật, chính sách… ở nước ta được ban bố và thi hành, nhưng tình hình “buôn người” vẫn chưa có chiều hướng giảm, thậm chí ngày càng phức tạp.

 

Theo kết quả nghiên cứu về thực trạng phụ nữ, trẻ em bị lừa bán ra nước ngoài do Bộ Công an hợp tác với tổ chức UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc) thực hiện, nguyên nhân chủ yếu để dẫn đến tình trạng trên ngày càng tăng là do đời sống kinh tế còn nghèo nàn, trình độ dân trí, sự hiểu biết còn thấp.

 

Trong số trên 1.750 nạn nhân của những vụ “buôn người”, có hơn một nửa là người mù chữ hoặc chỉ dừng lại ở cấp tiểu học. Nghề nghiệp của các nạn nhân trước khi bị lừa bán ra nước ngoài chủ yếu là làm ruộng và thất nghiệp. Những khó khăn trong cuộc sống, hạn chế về trình độ nhận thức đã “đẩy” họ trở thành “miếng mồi” ngon cho những tên “buôn người”.

 

Trước thực tế đó, song song với việc tăng cường công tác đấu tranh chống loại tội phạm nguy hiểm này. Nhất thiết, chúng ta phải đẩy mạnh thực hiện các chương trình kinh tế, xã hội, giáo dục nhằm nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến buôn bán phụ nữ, trẻ em. Chỉ khi nào xóa sạch cái nghèo, cái dốt, sự thiếu hiểu biết… chúng ta mới tạo ra được những “kháng thể” cho người dân có khả năng “đề kháng”, chống lại những “virus… buôn người”. Và với hệ thống pháp lý chặt chẽ, mức án thật nặng thì mới có thể ngăn ngừa và trừng trị thích đáng loại tội phạm vô nhân tính này.

 

  • Phan Công
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,