221
454
Pháp luật
phapluat
/xahoi/phapluat/
462012
Vụ án hơn 10 năm về trước: Nỗi oan tày trời!
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Bài 1:
Vụ án hơn 10 năm về trước: Nỗi oan tày trời!
,

Ông Nguyễn Trường Giang tại căn chòi heo hút vùng Đồng Tháp Mười và những lá đơn khiếu nại oan sai.

(VietNamNet) – “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” vậy mà cả một gia đình đã phải vào tù và 2 người trong số họ đã ngồi tù oan hơn 2.000 ngày chỉ vì sự vu khống trắng trợn của Công an huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp và cũng là đối tác làm ăn của họ.

 

Cả gia đình cùng vào tù

 

Vào những năm 80, không chỉ các cơ quan hành chính mà ngay cả một số cơ quan bảo vệ pháp luật lúc đó cũng thành lập công ty, xí nghiệp để làm ăn kinh tế. Xí nghiệp Chế biến hàng nông sản xuất khẩu Cao Lãnh (XNCBNSXK Cao Lãnh), trực thuộc công an huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp ra đời cuối năm 1987 trong hoàn cảnh đó. Giám đốc xí nghiệp là ông Đỗ Văn Hưng, đồng thời cũng là Phó trưởng công an huyện Cao Lãnh.

 

Chỉ trong thời gian ngắn hoạt động, do thiếu năng lực quản lý, xí nghiệp này đã đổ nợ, thiếu trước hụt sau, thâm thụt ngân quỹ hơn 200 triệu đồng. Trước tình thế này, ông Phó trưởng công an huyện kiêm giám đốc Đỗ Văn Hưng đã chỉ đạo cấp dưới bán tư cách pháp nhân, kêu gọi hợp tác làm ăn với tư thương bên ngoài. Trong “tầm ngắm” của Công an Cao Lãnh lúc này là gia đình vợ chồng ông Nguyễn Trường Giang và bà Lê Thị Kim Tuyến ngụ ở xã Mỹ Tân, Cao Lãnh, Đồng Tháp. Bởi đây là gia đình giàu có nhất nhì ở Cao Lãnh và họ đang là những tư thương ăn nên làm ra.

 

Chuyện hợp tác làm ăn giữa gia đình ông Giang và XNCBNSXK Cao Lãnh được hình thành. Theo thỏa thuận, vợ chồng ông Giang, bà Tuyến góp vốn hơn 400 triệu đồng và Ông Giang được bổ nhiệm làm Phó phòng kế hoạch phụ trách công tác khai thác nguồn hàng, thu gom hàng hóa ở các tỉnh cho xí nghiệp. Làm ăn hợp tác với nhau được một thời gian, 2 bên có phát sinh một số mâu thuẫn mà chủ yếu là việc nhập nhằng tiền bạc của phía XNCBNSXK Cao Lãnh. Lẽ ra, XNCBNSXK Cao Lãnh còn nợ vợ chồng ông Giang – Tuyến gần 40 triệu đồng tiền hàng thì họ lại tráo trở, phù phép biến trắng thay đen.

 

Theo quyết toán của Công an huyện Cao Lãnh thì trong quá trình làm ăn, vợ chồng ông Giang - Tuyến đã chiếm đoạt của đơn vị này khoảng 300 triệu đồng. Do vậy, Công an huyện Cao Lãnh đã ra lệnh bắt tạm giam vợ chồng ông Giang – Tuyến cùng mẹ và em ruột bà Tuyến là bà Võ Thị Kim Anh và cô Lê Thị Tuyết Loan để “khủng bố tinh thần” nhằm truy thu tài sản. Tại Công an huyện Cao Lãnh, vợ chồng ông Giang – Tuyến bị dồn vào thế chân tường không còn đường thoát nên đành chấp nhận ký liều vào giấy nhận nợ XNCBNSXK Cao Lãnh 300 triệu đồng. Họ cứ ngỡ "của đi thay người" sẽ thoát tù tội. Gia sản, ruộng vườn và vay mượn trả nợ “oan khiên” để được tự do. Thế nhưng, họ đã nhầm tưởng, sau khi ký nhận nợ khống vợ chồng ông Giang – Tuyến vẫn tiếp tục bị giữ lại để “thi hành án”. Trong khi đó, tài sản, giấy tờ nhà, đất… của vợ chồng Giang – Tuyến cũng như của bố mẹ họ đều bị tịch thu chờ xử lý công nợ.

 

Bà Lê Thị Tuyết Loan.

Đi vay có người áp giải

 

Từ tờ xác nhận nợ của vợ chồng ông Giang – Tuyến, Công an huyện Cao Lãnh đã ép vợ chồng ông Tuyến phải trả nợ ngay bằng cách áp giải 2 vợ chồng ông đi nhiều nơi vay tiền. Đầu tiên, Công an huyện Cao Lãnh áp giải vợ chồng Giang – Tuyến đến tín dụng Sa Đéc và kế đến là tín dụng Đồng Tháp vay được 50 triệu đồng. Vợ chồng ông Giang - Tuyến chỉ việc đứng tên các khế ước vay, thực hiện các thủ tục giao dịch còn số tiền vay được khi đưa ra khỏi quỹ tín dụng đã có cán bộ công an Cao Lãnh nhận thay chuyển cho XNCBNSXK Cao Lãnh.

 

Khi không còn vay được tiền ở khu vực Cao Lãnh (Đồng Tháp), Công an huyện Cao Lãnh đã quyết định áp giải vợ chồng ông Giang lên TP.HCM vay tiền trả nợ. Không vay được tiền, công an huyện Cao Lãnh yêu cầu vợ chồng ông Giang – Tuyến liên hệ với chị vợ là Lê Thị Tuyết Loan để bà Loan dùng mối quan hệ của mình vay tiền trả cho vợ chồng ông Giang – Tuyến. Do có mối quan hệ từ trước với Phạm Tấn Ngân là Trạm trưởng Trạm 2 (Công ty Thương mại Sài Gòn) nên bà Loan đã đồng ý liên hệ giúp. Vợ chồng ông Giang - Tuyến cùng công an Cao Lãnh sau đó đã có buổi làm việc với Trạm 2 (Công ty Thương mại Sài Gòn) và đã đề nghị được mua 60 tấn đường, trị giá 177,5 triệu đồng theo phương thức trả chậm trong 3 ngày. Sau khi lô hàng 60 tấn đường được giao, ông Đỗ Văn Hưng, Phó giám đốc XNCBNSXK Cao Lãnh đã lấy lô hàng này coi như cấn trừ nợ với vợ chồng Giang – Tuyến và đem bán được 143 triệu đồng.

 

Ông Nguyễn Trường Giang bên căn chòi lá.

Sự vu khống trắng trợn

 

Sau khi lấy hàng đem bán, ban lãnh đạo XNCBNSXK Cao Lãnh giở trò thâm độc hại người bằng việc thông báo cho phía Công ty Thương mại Tổng hợp TP.HCM rằng bà Loan, ông Giang và bà Tuyến có ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản Công ty và xúi Công ty tố cáo vụ việc đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM. Và họ đã mắc bẫy, vợ chồng ông Giang – Tuyến và bà Loan bị Công ty Thương mại Sài Gòn tố giác họ với Công an TP.HCM về hành vi lừa đảo.

 

Sau khi thụ lý vụ án, Công an TP.HCM đã có công văn yêu cầu Công an huyện Cao Lãnh xác minh nhận việc vợ chồng ông Giang - Tuyến mua lô hàng 60 tấn đường của Trạm 2 (Công ty Thương mại Sài Gòn). Để thoái thác trách nhiệm của mình, công an huyện Cao Lãnh đã đổ vấy cho vợ chồng ông Giang - Tuyến. Họ khẳng định, không hề biết gì về 60 tấn đường mà ông Giang – Tuyến và bà Loan và mua của Công ty Thương mại Sài Gòn. Công an huyện Cao Lãnh còn có văn bản gửi công an TP.HCM cho rằng, vợ chồng ông Giang - Tuyến và bà Loan đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản Xã hội chủ nghĩa.

 

Đầu năm 1990, Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố vụ án khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Trường Giang, Lê Thị Tuyết Loan (chị ruột Tuyến) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản Xã hội chủ nghĩa. Cùng bị khởi tố bắt giam với vợ chồng ông Giang – Tuyến là Phan Tấn Ngân, Trạm trưởng Trạm 2 (Công ty Thương mại Sài Gòn). Riêng bà Tuyến đã nhanh chân bỏ trốn nên được tách ra xử lý sau khi nào bắt được.

 

Ngày 15/4/1991, TAND TP.HCM đưa vụ án ra xét xử theo trình tự sơ thẩm và tuyên phạt ông Giang 10 năm tù, bà Loan 7 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN; ông Ngân 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “thiếu trách nhiệm...”.

 

Bản án sơ thẩm đã bị tất cả các bị cáo kháng cáo kêu oan. Ngày 22/8/1991, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm vụ án này và đã tuyên y án sơ thẩm.

 

 

Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra

Các trường hợp được bồi thường thiệt hại

1. Người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự hủy bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

2. Người bị tạm giam mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự hủy bỏ quyết định tạm giam vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội.

3. Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, đã bị kết án tử hình mà có bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội.

4. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án ngoài các trường hợp nêu trên mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội.

Những người thuộc các trường hợp kể trên nếu có tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu mà bị thiệt hại cũng được bồi thường.

(Trích Điều 1 và 2 Nghị Quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11)

 

  • Tấn Thuấn

 Bài 2: Thêm một lần oan

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,