221
454
Pháp luật
phapluat
/xahoi/phapluat/
507244
Hậu án Vườn điều: Đề nghị xử lý 3 luật sư
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Hậu án Vườn điều: Đề nghị xử lý 3 luật sư
,

Các bị cáo trong vụ án Vườn điều trước vành móng ngựa tại phiên xử ngày 27/7/2004.

(VietNamNet) - Các cơ quan nội chính tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản kiến nghị các cơ quan trung ương xử lý ba luật sư tham gia bào chữa trong vụ án vườn điều.

Bản án sơ thẩm đã tuyên đối với các bị cáo trong vụ án:

1. Nguyễn Thị Lâm, (mẹ ruột thủ phạm chính Nguyễn Thị Nhung)  7 năm tù.
2. Nguyễn Văn Sơn (bé) 6 năm tù.
3. Nguyễn Văn Tiền  6 năm tù.
4. Nguyễn Thị Tiến  5 năm tù
5. Huỳnh Văn Nén (em rể thị Nhung): 5 năm tù.
Do Nén đang thụ án tù chung thân về tội giết người (vụ án giết bà Bông ở Tân Minh, huyện Hàm Tân) trước đây nên Tòa tổng hợp hình phạt chung thân đối với Nén.

Ngày 27/7/2004, TAND tỉnh Bình Thuận đã mở phiên tòa xét xử công khai vụ án Nguyễn Thị Lâm - cùng đồng bọn can tội “giết người” xảy ra tại Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận (vụ án Vườn điều).

Theo dự kiến phiên tòa này sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 27/7-29/7/2004. Thế nhưng,  phiên tòa đã phải kéo dài 9 ngày và ngày 6/8/2004 mới tuyên án. Tham gia bào chữa theo yêu cầu của các bị cáo trong vụ án này có các luật sư Phạm Hồng Hải thuộc Đoàn luật sư TP Hải Phòng; Trần Vũ Hải và Bùi Đức Trường thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Luật sư phát ngôn tùy tiện, bừa bãi

Sau khi phiên tòa kết thúc, nhiều vấn đề xoay quanh phiên tòa này đã buộc các ngành nội chính tỉnh Bình Thuận phải ngồi lại xem xét, đánh giá, trong đó có những vấn đề liên quan đến 3 vị luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa. Kết quả của cuộc họp liên ngành tòa án, viện kiểm sát và Công an tỉnh Bình Thuận là văn bản gửi đến Đoàn luật sư TP Hà Nội, Đoàn luật sư  TP Hải Phòng, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp TP Hà Nội, Sở Tư pháp TP Hải Phòng kiến nghị xử lý 3 luật sư trên về việc vi phạm nguyên tắc hành nghề luật sư trong quá trình bào chữa cho các bị cáo trong vụ án vườn điều.

Nội dung văn bản này nêu: “Trong bài bào chữa của mình, các luật sư đã lập luận và dùng những lời lẽ mang tính kích động, làm cho dư luận hiểu sai về các cơ quan tiến hành tố tụng và hoài nghi về quá trình xét xử của Tòa án. Các luật sư đã lợi dụng dân chủ trong tranh tụng để lồng vào những ý kiến cá nhân với dụng ý xúc phạm đến uy tín của cơ quan tiến hành tố tụng, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của điều tra viên, người làm chứng và người bị hại…”  

Bản kiến nghị còn nêu rõ: Trong bài bào chữa, LS Phạm Hồng Hải còn tự “đánh bóng thương hiệu” bằng việc giới thiệu mình đã từng bào chữa cho Phạm Sĩ Chiến, một bị cáo trong vụ án Năm Cam. Tuy đã qua 2 cấp xét xử nhưng luật sư vẫn khẳng định Phạm Sĩ Chiến không phạm tội mà vẫn bị người ta kết tội. Đồng thời để chứng minh cho luận điểm “sở dĩ các bị cáo phải khai nhận tội trong quá trình điều tra là do bị điều tra viên đánh đập, bức cung, nhục hình…”.

Luật sư còn viện dẫn một câu nói của Nguyễn Thập Nhất (bị cáo trong vụ án Năm Cam) rằng: “bất cứ ai cứ vào trại Tiền Giang là phải ký” và luật sư khẳng định: “sau phiên tòa này sẽ có nhiều người làm đơn yêu cầu bồi thường vì cơ quan điều tra đã bắt oan sai người vô tội, vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự”. Luật sư còn dùng những lời lẽ nhục mạ: “điều tra viên Cao Văn Hùng yếu về nghiệp vụ, kém về đạo đức nhưng cáo già về thủ đoạn” . Nguyên điều tra viên Cao Văn Hùng đã có đơn khởi kiện 3 luật sư bào chữa trong vụ án này ra trước cơ quan luật pháp tỉnh Bình Thuận.

Bản kiến nghị cũng cho rằng trong phần bào chữa của mình, LS Trần Vũ Hải đã phát biểu nhiều lời lẽ thể hiện sự chủ quan, mang tính chất kích động như: nhân dân địa phương không tin vào các cơ quan tiến hành tố tụng ở Bình Thuận… Để bác bỏ kết quả điều tra, luật sư còn kết luận: “Cơ quan điều tra đã dựng lên một kịch bản có sẵn để ép cung các bị cáo”, đồng thời luật sư đã dùng các từ ngữ, lời lẽ mang tính miệt thị các cơ quan tiến hành tố tụng như: “Một đứa trẻ lên 3 chưa biết đọc cũng thấy được điều vô lý trong cáo trạng”. Để bác bỏ kết quả truy tìm vật chứng của cơ quan điều tra, luật sư nói: “Đào lên được một miếng sắt gỉ thì các anh sướng quá”.

Để bảo vệ thân chủ của mình, LS Phạm Hồng Hải và Trần Vũ Hải cũng đã có những lời lẽ xúc phạm đến người bị hại, nhân chứng như: “Chị Mỹ (nạn nhân đã chết) lớn tuổi, già, xấu. Trong khi đó Trần Văn Sáng (thân chủ của luật sư) thì trẻ, đẹp trai nên không có cuộc hẹn hò này”. Đồng thời các luật sư khẳng định: “Nhân chứng Nguyễn Thị Kim Lan mới thực là người xấu”. Trong văn bản cũng nêu hành vi thiếu tôn trọng Hội đồng xét xử như trong khi đại diện Viện Kiểm sát đang phát biểu thì luật sư cắt ngang, chủ tọa yêu cầu luật sư ngồi xuống thì luật sư không chấp hành…

Từ những tình tiết trên, để thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, bảo đảm dân chủ trong tranh tụng trước phiên tòa. Nhằm khắc phục vi phạm và chấn chỉnh việc phát biểu không đúng đắn của luật sư. TAND, VKSND, Công an tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị các cơ quan chủ quản của 3 luật sư Phạm Hồng Hải, Trần Vũ Hải và Bùi Đức Trường xem xét và xử lý theo thẩm quyền.

Cũng trong một báo cáo khác của Công an tỉnh Bình Thuận đánh giá quá trình xét xử vụ án này, đã nêu ý kiến của công tố viên về những sai phạm của các luật sư như: LS đã vi phạm điều 58 BLHS (2003) như đưa ra những nhận xét không có căn cứ; LS vi phạm điều 5 quy tắc mẫu của luật sư quy định về văn hóa, lối sống, hành nghề; Luật sư vi phạm điều 14 quy chế mẫu về đạo đức nghề luật sư; vi phạm điều 15 quy định luật sư không được làm như: vu khống cho các cơ quan tố tụng dựng kịch bản, phát biểu nhằm nói xấu hạ uy tín cơ quan tố tụng, lời lẽ không có văn hóa…

Các luật sư đã có dấu hiệu phạm tội vu khống?

Nguyên điều tra viên Cao Văn Hùng tại phiên tòa ngày 27/7/2004.

Trước đó, ngày 5/8/2004 nguyên điều tra viên Cao Văn Hùng đã có đơn gửi các cơ quan chức năng, tố cáo luật sư có hành vi phạm tội vu khống và làm nhục người khác. Trong đơn tố cáo dày 6 trang A4, ông Cao Văn Hùng đã viết: “trong thời gian diễn ra phiên tòa, 3 luật sư Phạm Hồng Hải, Trần Vũ Hải, Trần Đức Trường liên tục có những lời lẽ, cử chỉ, hành động làm nhục, đồng thời tố cáo cá nhân tôi đã thực hiện hành vi “làm sai lệch hồ sơ vụ án” và họ đã có đơn đề nghị các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận khởi tố vụ án và bị can đối với cá nhân tôi…”

Sau khi phân tích 8 vấn đề mà các luật sư nêu ra, ông Cao Văn Hùng khẳng định: “8 vấn đề mà luật sư dùng làm căn cứ buộc tội tôi là không đúng sự thật. Nhưng do muốn che giấu tội lỗi cho thân chủ của mình, các luật sư đã lợi dụng những thiếu sót về thủ tục tố tụng rồi phân tích đánh giá không khách quan về vụ án, qua đó các luật sư cố tình tung ra tài liệu, chứng cứ không đúng sự thật, rồi gán ghép cho tôi thực hiện hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án và đề nghị khởi tố tôi… trong lúc phiên tòa chưa kết thúc và cũng chưa có một kết luận chính thức nào của cơ quan chức năng”. Trong đơn, ông Cao Văn Hùng còn tố cáo các luật sư “xúc phạm đời tư của nhiều nhân chứng khác, xúc phạm đến nhân dân và các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận như nhân dân tỉnh Bình Thuận không tin vào các cơ quan tố tụng Bình Thuận”.

Ông Hùng cho rằng các hành vi của 3 luật sư trên đã gây ra dư luận cực kỳ xấu xa về ông, làm cho vợ, con ông rất hoang mang lo sợ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và tinh thần của ông và gia đình. Con cái ông đến trường bị bạn bè xa lánh, vợ ông bị nhiều người nói mỉa mai, khinh miệt… Cá nhân ông đi ra đường bị nhiều người xôn xao, bàn tán, gây nhiều khó khăn trong đi lại làm ăn. Ông Hùng cảm thấy lòng tự trọng, uy tín danh dự nhân phẩm của ông đã bị xâm phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống, hành hạ tinh thần cho gia đình và cá nhân ông trước mắt cũng như lâu dài…”

Từ những viện dẫn nêu trên, ông Cao Văn Hùng đã đề nghị các cơ quan tố tụng tại Bình Thuận xem xét khởi tố về hành vi vu khống và làm nhục người khác của các luật sư… buộc bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần cho gia đình ông.

Tại phiên tòa, trong phần tranh tụng, đại diện VKS đã nêu ra những sai phạm của các luật sư tham gia bào chữa. Theo VKS, các luật sư đã sử dụng những ngôn từ gây sốc, có tính chất mỉa mai, thách đố, có ý đồ kích động, thậm chí là quảng cáo “thương hiệu” như đưa ra các thông tin từng bào chữa cho Phạm Sĩ Chiến trong vụ án Năm Cam. Đại diện VKS cũng cho rằng luật sư đã vi phạm quy tắc về đạo đức nghề nghiệp trong ứng xử, không tuân thủ sự điều hành của chủ tọa phiên tòa, thể hiện ở chỗ, có lần phát biểu cắt ngang lời của đại diện VKS và không chịu ngồi xuống khi chủ tọa yêu cầu…

Đại diện VKS cũng khẳng định, luật sư đã xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của nguyên điều tra viên Cao Văn Hùng, khi cho rằng Cao Văn Hùng là một điều tra viên yếu năng lực, kém đạo đức, nhưng cực kỳ thủ đoạn và gian manh. Đại diện VKS đặt vấn đề tại sao các luật sư chỉ tin lời khai của các bị cáo tại tòa mà không tin vào kết quả điều tra trong 6 năm của các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận? Như vậy là áp đặt, vu khống…

  • Tấn Thuấn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,