(VietNamNet) - TAND huyện Gò Công Tây đã tuyên buộc TAND tỉnh Tiền Giang bồi thường cho ông Bùi Văn Mãnh 146,375 triệu đồng, bằng 1/10 yêu cầu của ông Mãnh.
Chiều nay, đại diện TAND tỉnh Tiền Giang đã không tranh cãi bất cứ vấn đề gì hay yêu cầu của ông Mãnh đưa ra. Thái độ của phía bị đơn là “bảo lưu quan điểm, không có ý kiến khác”. Việc đại diện TAND tỉnh Tiền Giang chuyển hẳn thái độ đã làm cho phiên tòa bớt đi căng thẳng và kết thúc sớm.
Cách tính của Tòa đã chuẩn xác?
Bào chữa miễn phí cho nguyên đơn Bùi Văn Mãnh, luật sư Nguyễn Xuân Mai thuộc Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ cho rằng, đa phần các yêu cầu nguyên đơn Bùi Văn Mãnh đưa ra là có cơ sở pháp lý xem xét bồi thường. Sở dĩ phiên tòa hôm nay diễn ra là từ việc sai phạm nghiêm trọng của TAND tỉnh Tiềng Giang đã buộc tội oan công dân Bùi Văn Mãnh.
Hậu quả của sai lầm ấy đã đẩy ông Mãnh vào con đường lao lý, bị giam oan 4 năm 2 tháng 20 ngày và 13 năm 5 ngày lao đao đợi chờ một quyết định đình chỉ vụ án lẽ ra đã có từ lâu. Việc ông Mãnh bị hàm oan, vợ ông bị truy nã đã đẩy gia đình ông vào cảnh khốn cùng, ly tán. Vợ ông phải trốn chui trốn nhủi; con cái bơ vơ không nơi nương tựa; nhà cửa, tài sản bị người ta chiếm hết. Thậm chí căn nhà ông người ta cũng dỡ đi, cái nền nhà biến thành sân đá gà!
Những thiệt hại mà gia đình ông Mãnh đã phải chịu còn lớn gấp vạn lần yêu cầu ông đặt ra tại phiên tòa này. Liệu phiên tòa này có làm vơi đi phần nào nỗi oan ức mà gia đình ông Mãnh phải gánh chịu bấy lâu!? Lẽ ra, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng có cái tâm để nhận thức được hậu quả của những sai lầm mà họ đã gây ra cho gia đình ông Mãnh để từ đó thiện chí khắc phục hậu quả thì nỗi oan của ông Mãnh không phải tái diễn đến phiên tòa này. Thế nhưng…!
Luật sư Mai đặc biệt nhấn mạnh đến cách tính “ăn gian” của TAND tỉnh Tiền Giang trong việc xem xét bồi thường ông Mãnh. Ông đơn cử trường hợp tính thiệt hại về tinh thần do bị khởi tố, giam oan của Tòa Tiền Giang. Theo quy định của Nghị quyết 388 thì việc bồi thường thiệt hại tinh thần được tính theo mức lương tối thiểu tại thời điểm xét xử. Hiện nay, lương tối thiểu được quy định là 320.000 đồng. Trong khi đó, TAND tỉnh Tiền Giang lại lấy mức lương tối thiểu cũ là 290.000 đồng để áp tính bồi thường. Cách vận dụng này của Tòa Tiền Giang đã gây thiệt hại không nhỏ cho người bị oan là ông Mãnh.
Luật sư Mai cho rằng tuy số tiền ông Mãnh đòi bồi thường có hơi cao nhưng chí ít TAND tỉnh Tiền Giang phải bồi thường cho ông Mãnh không dưới 300 triệu. Thế nhưng Tòa Tiền Giang chỉ đồng ý bồi thường chưa bằng nửa số này. Kết thúc phần bào chữa của mình, luật sư Mai nhấn mạnh “đừng để người bị oan tiếp tục bị oan ức”.
Vì tòa cấp dưới xử tòa cấp trên?!
Trần Ngọc Hạnh. |
Sau phần tranh luận giữa các bên, phát biểu của đại diện VKS tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên án. Theo bản án, HĐXX chỉ chấp nhận mức lương tối thiểu là 13.181 đồng/ngày, tương đương 290 ngàn đồng/tháng, không chấp nhận mức lương 320 ngàn như đề nghị của luật sư. Về cách tính bồi thường thiệt hại do bị tổn thất tinh thần, HĐXX xác định có hai khoản: Khoản thứ nhất là thời gian ông Mãnh bị tạm giam từ 21/9/1987 đến 10/12/1991; khoản thứ hai là thời gian từ ngày có quyết định giám đốc thẩm (20/3/1993) đến thời điểm được đình chỉ điều tra vào ngày 15/12/2003.
Theo HĐXX khoảng thời gian từ 10/12 (thời điểm án phúc thẩm tuyên ông không phạm tội) đến trước ngày có án giám đốc thẩm hủy án phúc thẩm không được xem xét bồi thường vì thời gian này ông không bị tổn hại gì về tinh thần(?). Hai khoản này, HĐXX chấp nhận cách tính của TAND tỉnh Tiền Giang là 112 triệu đồng. Đối với các khoản yêu cầu khác của ông Mãnh, HĐXX bác vì lý do không có tài liệu, chứng cứ chứng minh có thiệt hại hoặc không nằm trong qui định của Nghị quyết 388.
Về thu nhập thực tế bị mất, HĐXX ghi nhận sự tự nguyện của TAND tỉnh Tiền Giang bồi thường cho ông Mãnh là mỗi năm 270 ngày lao động, mỗi ngày trị giá 30 ngàn đồng, tổng số tiền là 34,5 triệu đồng. Tổng 3 khoản mà HĐXX buộc TAND tỉnh Tiền Giang bồi thường cho ông Mảnh là trên 146 triệu đồng. Một số tiền vừa đúng bằng số tiền theo đề xuất của TAND tỉnh Tiền Giang và chỉ bằng 1/10 yêu cầu của ông Mãnh.
Về việc xin lỗi công khai tại địa phương và đăng trên báo địa phương, trung ương, luật sư Nguyễn Xuân Mai cho rằng đây là việc lẽ ra TAND tỉnh Tiền Giang phải làm và làm thật sớm để thể hiện thiện chí của cơ quan này, nhưng tiếc rằng đến giờ phút này vẫn chưa được thực hiện. Vì vậy, luật sư Mai đề nghị HĐXX đưa nội dung này vào bản án để “nhắc nhở” TAND tỉnh tiền Giang có trách nhiệm thực hiện.
Trao đổi sau phiên tòa, ông Mãnh cho biết ông sẽ kháng cáo vì lý do các khoản bồi thường mà TAND huyện Gò Công Tây tuyên chấp nhận cho ông là quá thấp. Dư luận sau phiên tòa đã đặt vấn đề phải chăng cách tính của HĐXX là chưa chuẩn xác? Hay vì tòa cấp dưới xử tòa cấp trên nên số tiền không thể vượt quá mức đưa ra của cấp trên?
Một vấn đề phát sinh sau phiên tòa này khiến dư luận không khỏi băn khoăn xuất phát từ việc ông Mãnh kháng cáo là việc “ta lại xử ta”. Nếu ông Mãnh kháng cáo thì theo trình tự tố tụng phiên tòa phúc thẩm sắp tới sẽ xảy ra điều chưa từng xảy ra trong lịch sử tố tụng: TAND tỉnh Tiền Giang xử TAND tỉnh Tiền Giang. Điều này có nghĩa là cơ quan gây ra oan sai nay lại đi xử mình.
- Tấn Thuấn
(VietNamNet) - Ông Bùi Văn Mãnh cho rằng cho dù có bồi thường bao nhiêu tiền cũng không thể bù đắp thiệt hại mà ông và gia đình ông phải chịu bấy lâu.