Lòng vòng, quanh co, né tránh trách nhiệm nhưng rồi các bị cáo từng một thời “hét ra lửa” trong ngành dầu khí cũng có những phút đối diện với lương tâm và ngộ ra lý do tại sao họ phải đối diện với vành móng ngựa để trả giá cho những việc làm sai trái. Cốt lõi của mọi sự đều xuất phát từ việc họ không vượt qua nổi lòng tham vốn có trong 2 nửa Con - Người vốn tồn tại trong mỗi người.
Bộ ba Dưong Quốc Hà - Nguyễn Quang Thường - Trần Quang |
Quang - Giao phản cung
Sáng nay, phiên tòa xét xử vụ tham nhũng trong ngành dầu khí Việt Nam tiếp tục với phần xét hỏi của các luật sư. Gần trọn buổi làm việc sáng nay là phần của luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quang Thường, Phó Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ dầu khí Việt Nam - PTSC) xét hỏi bị cáo Trần Quang, Trần Văn Giao, Dương Quốc Hà…
Trả lời các câu hỏi của luật sư, bị cáo Trần Quang thanh minh mình chưa bao giờ làm giả con dấu của Viện CoRall. Về chi phí kê khai Quang nói đã chi cho các chuyên gia Nga sang làm việc ở dự án Block 140 chỗ và sửa chữa giàn Ballast hết 115.000 USD. Về việc tại cuộc gặp tay 3 Thường - Hà - Quang tại khách sạn Sofitel Plaza có bàn bạc việc nâng giá thầu từ 15,5 triệu USD lên 17,2 triệu USD để rút khoản chênh lệch chia nhau, Quang khai không có việc này. Theo Quang, khi có cuộc gặp này thì dự án Block 140 chỗ đã trúng thầu và đang được trình Chính phủ phên duyệt.
Về việc đưa tiền cho Nguyễn Quang Thường, Quang xác nhận lại lời khai là đã đưa cho Thường 40.000 USD. Sau đó thấy áy náy nên bị cáo đã biếu thêm cho anh Thường 3 lần nữa là 50.000 USD nữa vào những dịp lễ Tết.
Về chất lượng công trình Block 140 chỗ, Quang cho biết công trình này thi công đạt chất lượng khá tốt và điều này đã được phía Nga đánh giá rất cao, thậm chí chất lượng công trình này còn tốt hơn những công trình đã thi công trước đây. Còn việc cung cấp thiết bị cho dự án của InterPet chỉ được thực hiện sau khi Viện Corall - Ukraina không hiệu quả.
Về gói thầu sửa chữa Ballast, luật sư Hoài hỏi Quang tại sao khi tham gia đấu thầu dự án này lại không lấy tư cách Xưởng Điện lạnh PTSC mà lấy danh nghĩa của Corall? Bị cáo Quang trả lời do Xưởng của bị cáo không kham nổi toàn bộ dự án, có những hạng mục PTSC không làm được nên phải lấy danh nghĩa của Corall để khi trúng thầu có thể gọi thêm những nhà thầu phụ.
Trả lời câu hỏi của luật sư về việc Công ty InterPet Corall Việt Nam được thành lập trên sơ sở đề nghị của ai? Trần Văn Giao đáp là phía Corall. Ai cấp con dấu cho I.C.V, luật sư Hoài hỏi? Quang trả lời là do Ban quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp (theo quy định việc cấp, quản lý con dấu do cơ quan công an thực hiện) !?
Dương Quốc Hà bật khóc
Đến lượt bị cáo Dương Quốc Hà được luật sư mời thẩm vấn. “Xuất phát từ nhu cầu thế nào mà liên doanh đề xuất dự án Block 140 chỗ, luật sư Hoài đặt vấn đề? Bị cáo Dương Quốc Hà cho biết đây là 1 trong 3 công trình nằm trong tổ hợp công nghệ ở vòm Nam mỏ Bạch Hổ đã được Chính phủ phê duyệt. Gói thầu Block 140 chỗ giá dự toán ban đầu khoản 27 triệu USD.
Khuôn khổ pháp lý của Hợp đồng chìa khoá trao tay là thế nào, luật sư Hoài hỏi tiếp? Bị cáo Hà đáp là nhà thầu lo từ khâu thiết kế, thi công cho đến việc bảo dưỡng, bảo trì công trình. Yêu cầu cao nhất trong phương thức đấu thầu này là chất lượng và tiến độ thi công phải được đảm bảo. Trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư (PSV) xác định phía PTSC là đối tượng chính thực thi dự án, là đối tác chính còn Corall chỉ làm phần việc nhỏ là thiết kế và giám sát thi công. Bị cáo Hà thừa nhận trong dự án Block 140 chỗ, chủ đầu tư là PTSC có thiếu sót, thiếu chặt chẽ khi hợp đồng thầu chỉ có 1 mình PTSC ký mà không có Corall.
“Ông đánh giá về công trình Block 140 chỗ như thế nào”, luật sư hỏi? Đánh giá của Hội đồng nghiệm thu chúng tôi là công trình đạt chất lượng và chất lượng khá, Hà đáp. Vậy trong dự án này liên doanh Vietsovpetro (PSV) có thiệt hại gì không, luật sư Hoài hỏi? Hà trả lời không thiệt hại gì mà có lời nữa. Cụ thể là sau khi có dự án Block 140, PSV tiết kiệm được 2 triệu USD/năm thuê mướn chỗ ở cho cán bộ CNV làm việc trực tiếp tại giàn khoan.
Trong khi trả lời các câu hỏi của luật sư về việc chia chác trong vụ “áp phe” nâng giá thầu trong dự án Block 140 chỗ, Dương Quốc Hà đã bật khóc. Trong trạng thái xúc động, bị cáo Hà nói lúc Nguyễn Quang Thường đề cập đến việc thưởng và khi nhận được số tiền thưởng 430.000 USD bị cáo rất bất ngờ không nghĩ rằng tiền thưởng lại lớn vậy. Suy xét lại bị cáo linh tính có điều gì không bình thường trong vụ thưởng này nên định từ chối trả lại tiền. Tuy nhiên, quá trình đấu tranh tư tưởng bị cáo đã không vượt qua nổi lòng tham nên mới đối diện với vành móng ngựa hôm nay.
Cũng trần tình, thành thật xét lại lòng mình, bị cáo Cao Duy Chính trước đó đã thừa nhận “làm người ai mà thấy tiền không tham! Bị cáo cũng nằm trong số đó, nhưng nếu bị cáo tỉnh táo, dừng lại đúng lúc thì mọi chuyện đã đổi thay!”.
Là một cán bộ có năng lực, được đào tạo bài bản, tu nghiệp ở nước ngoài, từng tham gia làm việc trực tiếp với những chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí; là người đam mê nghiên cứu kỹ thuật, tương lai của Chính đang rộng mở. Cùng vị trí công việc của Chính ở các liên doanh có vốn nước ngoài mức lương cơ bản trên 1.200 USD (lương Giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ cơ khí hàng hải - PTSC của Chính rất khiêm nhường: 3 triệu đồng/tháng), thế nhưng chuyện cơm, áo, gạo, tiền thường nhật đã đẩy Chính đến chỗ tự hủy hoại chính tương lai của mình chỉ vì không qua nổi lòng tham.
Phiên tòa tiếp tục với phần các luật sư tham gia thẩm vấn.
- Gia Khang