(VietNamNet) - Chiều nay (30/12), Cục CSĐT tội phạm về kinh tế, Bộ Công an vừa thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Tô Phúc Hậu (SN 1979, ngụ tại quận 10, TP.HCM) vì có dấu hiệu làm thẻ ATM giả để lấy tiền từ máy rút tiền tự động.
Việc bắt khẩn cấp và khám xét nơi cư ngụ của Tô Phúc Hậu (thường trú tại 528/52/8 Điện Biên Phủ, phường 11, quận 10, TP.HCM) kéo dài từ 11h đến 16h 30' mới kết thúc. Công an tạm giữ một giàn máy vi tính, một xe máy hiệu SH, và nhiều tài liệu là tang vật liên quan.
Tô Phúc Hậu, nghi can làm thẻ ATM giả đang bị cơ quan điều tra áp giải. Ảnh: Phan Trần |
Tô Phúc Hậu bị bắt khi đang ở tại phòng 6, lầu 3, khu nhà trọ thuộc khách sạn Loan ở số 7 Lý Chính Thắng, phường 8, quận 3 cùng với 2 bạn gái. Tại đây, Công an đã phát hiện một số tang vật có liên quan đến việc làm thẻ ATM giả.
Theo lời một nhân viên khách sạn cho biết, Hậu thuê căn phòng ở Lý Chính Thắng từ ngày 29/3, với lý do nhà trong hẻm trên đường Điện Biên Phủ đang sửa chữa.
Sau khi tiến hành khám xét tại đây, Hậu được đưa về nơi đăng ký thường trú, và cơ quan điều tra đọc biên bản khám xét cũng như lệnh bắt khẩn cấp cho gia đình Hậu và đại diện chính quyền địa phương được biết.
Tô Phúc Hậu bị cảnh sát áp giải lên xe sau khi đọc lệnh bắt khẩn cấp. Ảnh: Phan Trần |
Tin ban đầu cho hay, Tô Phúc Hậu chính là người trực tiếp tham gia làm thẻ ATM giả để thực hiện hành vi lấy cắp tiền trong các tài khoản tại máy rút tiền tự động (máy ATM). Hậu từng là sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, nhưng chỉ học được 2 năm, sau đó bỏ học.
Trước đó, ngày 27/12, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế, Bộ Công an đã bắt khẩn cấp một số đối tượng liên quan đến vụ trộm cắp tiền từ thẻ ATM do Nguyễn Anh Tuấn (SN 1986, Chủ tịch HĐQT Công ty RC) cầm đầu. Từ đây, Cơ quan điều tra truy xét và phát hiện thêm vai trò liên quan của Hậu trong đường dây này.
Cơ quan điều tra đưa tang vật thu được tại nơi tạm trú của Hậu trên đường Lý Chính Thắng về Bộ Công an. Ảnh: Phan Trần |
Ngoài Nguyễn Anh Tuấn bị bắt, còn có Đào Khánh Hiệp (ngụ trên đường Láng, Hà Nội), Trịnh Hồ Lam (thường trú Hà Đông, Hà Tây), Nguyễn Minh Công (ngụ ở khu tập thể Trung Tự, Hà Nội) và Nguyễn Mạnh Linh (ngụ tại phường 13, quận 10).
Các tội phạm đã lập ra trang web giả của các công ty bán hàng qua mạng, đánh lừa để người mua hàng tiết lộ các thông tin trên thẻ ATM. Sau đó chúng dò tìm mật mã giao dịch của số thẻ tín dụng và tạo ra 1 chiếc thẻ ATM giả với những thông số thật để ra máy ATM rút tiền.
Nguyễn Anh Tuấn từng là sinh viên trường Đại học Bách khoa TP.HCM, nhưng từ 7/2005, Tuấn bỏ học ra Hà Nội làm việc tại Công ty cổ phần giải trí RC, chuyên kinh doanh các trò chơi giải trí và tổ chức biểu diễn nghệ thuật.
Chiếc SH, trị giá trên 8.000 USD của Hậu bị tạm giữ. Ảnh: Phan Trần |
Theo kết quả điều tra ban đầu, từ 4/2005, khi ở TP.HCM, Tuấn đã nhiều lần thực hiện các phi vụ làm thẻ ATM giả để rút tiền. Trong thời gian này, Tuấn trọ tại nhà Nguyễn Mạnh Linh ở phường 13, quận 10. Nhờ Linh có một máy in thẻ, nên cả 2 bắt đầu nảy ra ý định ăn cắp thông tin trên thẻ tín dụng, nhằm thực hịên hành vi trộm tiền qua máy ATM.
Trong vòng 2 tháng giữa năm 2005 Tuấn và Linh rút được 200 triệu đồng của một ngân hàng trong nước. Sau đó, Tuấn bỏ học ở TP.HCM, ra Hà Nội chơi và làm quen với các đối tượng ở Hà Nội tiếp tục thực hiện các phi vụ.
Tô Phúc Hậu lúc bị áp giải từ nhà ở Điện Biên Phủ ra xe về Tổng Cục Cảnh sát phía Nam. Ảnh: Phan Trần |
Đến tháng 9/2005, Tuấn về TP.HCM, phối hợp với Linh, tiếp tục in thẻ ATM giả để thực hiện hành vi phạm tội. Qua giới thiệu của Linh, Tuấn lại ra Hà Nội mua thêm một máy in và 10 thẻ trắng với giá 1.200 USD của một người tên Thanh. Từ đây, Tuấn tự làm thẻ ATM giả rồi rút tiền tại các máy ATM ở khu vực Bờ Hồ và Giảng Võ.
Tiếp đến tháng 10/2005, Tuấn mua thêm 500 thẻ trắng của Nguyễn Minh Công (ngụ tại Hà Nội), với giá ưu đãi, nhưng Tuấn phải chia cho Công 50% số tiền rút được từ máy tự động. Theo lời khai của Tuấn tại cơ quan điều tra, Tuấn thường làm giả thẻ ATM của một số ngân hàng nước ngoài, nên nạn nhân chủ yếu của Tuấn là người nước ngoài.
· Phan Công