(VietNamNet) - Cho đến nay, cơ quan điều tra phát hiện Nguyễn Việt Tiến và Bùi Tiến Dũng gây thiệt hại cho Nhà nước ít nhất 37 tỷ đồng.
Trong quá trình điều tra làm rõ hành vi “Cố ý làm trái các quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng gây thiệt hại tài sản của Nhà nước” của Nguyễn Việt Tiến và Bùi Tiến Dũng, cơ quan điều tra (CQĐT) đã phát hiện một số sai phạm như quản lý xe ôtô và thất thoát trong xây dựng...
Chân dung Nguyễn Việt Tiến và Bùi Tiến Dũng. |
Trốn thuế
Theo đó, CQĐT đã làm rõ việc Nguyễn Việt Tiến và Bùi Tiến Dũng đã ký cho mượn 34 xe ôtô các loại, trong đó có 1 chiếc ôtô đã được "biếu".
Nhiều xe ôtô trong số đó, các bị can này đã cho mượn nhiều năm. Chiếc cho mượn lâu nhất vào năm 1995 và gần đây nhất vào năm 2005. Theo thống kê sơ bộ, hành vi này đã gây thiệt hại cho Nhà nước khoảng trên 10 tỷ đồng.
Bởi, cho đến nay, nhiều xe cho mượn gần như đã hỏng hoặc chất lượng đã “rớt”, chỉ còn 20-30%. Mặc dù kết quả giám định chất lượng 34 xe này chưa được CQĐT công bố, nhưng theo tướng Phạm Xuân Quắc cho biết thì ước tính thiệt hại "cũng tới hơn 10 tỷ đồng".
Về 7 xe ôtô tạm nhập tái xuất phục vụ công tác do Chính phủ đồng ý, nhưng sau khi hết hạn sử dụng phục vụ cho công việc, ông Tiến và ông Dũng không tái xuất, mà tiếp tục sử dụng và không đóng thuế theo quy định.
Mặc dù ngành thuế và hải quan đã nhiều lần thông báo trách nhiệm phải nộp 4,8 tỉ đồng thuế, nhưng 2 bị can này đã làm ngơ, không nộp, trốn thuế. Hành vi này đã gây thất thoát 4,8 tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước.
Không chỉ có thế, trong dự án cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh), Bùi Tiến Dũng và Phạm Tiến Dũng ép nhà thầu mua 3 xe ôtô đắt. Nhưng trong tờ trình, các bị can này đã đề xuất mua 4 xe ôtô phục vụ cho duy tu, bảo dưỡng, trong đó có 2 ôtô tải, 1 ôtô bán tải nhỏ và 1 ôtô tải có cầu.
Nhưng thực tế, Bùi Tiến Dũng chỉ đạo Phạm Tiến Dũng mua 3 ôtô đắt tiền, trong đó có 1 chiếc Mercedec, 1 Toyota Camry 3.0 và 1 chiếc Toyota Land Cruiser tổng trị giá trên 3,7 tỷ đồng.
Và 3 xe này cho đến nay vẫn chưa được sử dụng nhằm mục đích phục vụ duy tu bảo dưỡng cầu Bãi Cháy. Vì cho đến nay, cầu vẫn xây chưa xong, nhưng xe đã được mua. Số xe này đã cho một số cơ quan mượn. Cho đến khi vụ việc bị phát hiện, 3 xe này mới được thu hồi.
Riêng xe Mercedec đã từng được đưa cho Nguyễn Việt Tiến sử dụng khoảng 1 tháng, sau đó ông Tiến trả lại cho Bùi Tiến Dũng sử dụng cho đến khi bị bắt.
Lập chứng từ khống
Theo kết quả điều tra ban đầu, 3/5 gói thầu trong dự án tuyến đường Nội Bài (Hà Nội) - Cẩm Phả (Quảng Ninh), CQĐT đã phát hiện Phạm Tiến Dũng và các đối tượng liên quan trong PMU18 lập chứng từ khống để chiếm đoạt tài sản.
Dự án Nội Bài - Hòn Gai được chia nhỏ ra 5 gói thầu, gồm: gói thầu 1 từ Nội Bài đến thị xã Bắc Ninh, gói thầu 2 từ thị xã Bắc Ninh đến Chí Linh, gói thầu 3 là cầu Phả Lại, gói thầu 4 từ Chí Linh đi Bãi Cháy và gói thầu 5 là cầu Bãi Cháy.
Bước đầu, CQĐT đã làm rõ được 3,9 tỷ đồng ở gói thầu 2. Số tiền chiếm đoạt chỉ mới xác định ở phần hành chính phí, chứ chưa tính đến chất lượng công trình.
Cụ thể, các bị can đã làm giả giấy tờ thuê địa điểm lập các văn phòng Ban quản lý dự án. Tuy nhiên, nhiều địa điểm khi kiểm tra thực tế thì toàn là địa chỉ "ma".
Tại gói thầu 3 (cầu Phả Lại), ban đầu cơ quan điều tra làm rõ hành vi cố ý làm trái của Nguyễn Việt Tiến, thông qua việc đốc thúc công trình hoàn thành trước tiến độ 6 tháng. Vi phạm quy trình kỹ thuật, tạo ra 36 vết nứt trước ngày cắt băng khánh thành.
Riêng đoạn Nội Bài - thị xã Bắc Ninh, có dấu hiệu nâng khống giá công trình và thanh toán 2 lần. Kiểm toán Nhà nước đã kiểm tra, và yêu cầu xuất toán 49 tỷ đồng chỉ riêng đoạn đường này. Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Tiến trước khi bị bắt, trả lời báo chí vẫn cho rằng số tiền còn lại đang tiếp tục giải trình chỉ 5 -6 tỷ (?).
Cổng vào trang trại của Đỗ Kim Quý. Ảnh: TN |
Ngoài ra, Nguyễn Việt Tiến đã chi cho UBND xã Văn An (Chí Linh, tỉnh Hải Dương) 257 triệu đồng để làm chợ, đồng thời làm 7,5 km đường vào khu vực này.
Hiện, CQĐT đang tiếp tục điều tra có hay không nhờ khoản chi này, Nguyễn Việt Tiến, Phạm Tiến Dũng và ông Đỗ Kim Quý (Phó TGĐ PMU18) được ưu ái mua 17ha rừng tại địa phương này để làm trang trại.
Trong đó Nguyễn Việt Tiến chiếm 7ha, số còn lại Phạm Tiến Dũng và Đỗ Kim Quý chia đôi. Trên diện tích đó, các bị can đã triển khai xây dựng.
Về nguyên tắc, người mua, hoặc được giao nhận trông nom rừng phải là người địa phương, nhưng cả 3 cá nhân trên đều là người Hà Nội. Để mua được đất, 3 đối tượng này đã khai gian là người ở Văn An, Chí Linh (Hải Dương) để được mua và sử dụng. Kẻ môi giới cho vụ mua bán này là Lê Tiến Thông (GĐ Công ty Thái Bình, đã bị CQĐT triệu tập)
Hiện Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đang khẩn trương thu thập chứng cứ, tiếp tục làm rõ các hành vi “Cố ý làm trái các quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng gây thiệt hại tài sản của Nhà nước”, của Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng, Phạm Tiến Dũng...
- Phan Công - Hà Trường