(VietNamNet) - Nguyễn Đức Chi chiếm dụng hàng chục tỷ của nhà thầu, lừa đảo từ Trà Vinh ra tới Hà Nội, không tha cả quê hương...
>> Kỳ 1: Hành trình lừa đảo của “siêu lừa” Nguyễn Đức Chi
>> Kỳ 2: Vai trò của Bộ KH&ĐT trong vụ Nguyễn Đức Chi
>> Kỳ 3: Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa ưu ái cho Chi "lừa" ra sao?
Rusalka có nghĩa là "Nàng tiên cá", dự án 'hoành tráng" của "nhà đầu tư nước ngoài" Nguyễn Đức Chi về từ Liên bang Nga, toạ lạc ngay trên bãi biển Nha Trang, miền đất hứa của thiên đường du lịch. Vậy rồi, những mánh khoé làm ăn từ thuở lưu lạc "chợ trời" của Nguyễn Đức Chi đã giúp y "phát huy hiệu quả" kéo ít nhất 3 giám đốc vào tù.
Nguyễn Đức Chi trong ngày bị di lý từ Khánh Hoà ra Hà Nội. |
Vốn "dằn túi" của Nguyễn Đức Chi được xác định "vỏn vẹn" 1,8 triệu USD (chừng 28 tỷ đồng), Chi "hoắng" lên thành 15 triệu USD khi khai báo vốn đầu tư vào dự án Rusalka (trong đó vốn pháp định 4,5 triệu USD), rồi tiến hành "lừa đảo"
Nhà thầu ngập bùn
Tháng 1/2003, Nguyễn Đức Chi ký hợp đồng thuê Công ty trách nhiệm hữu hạn Á châu (Á châu) thi công một phần hạng mục san nền kè biển, tổng trị giá 14,3 tỷ đồng. Á châu đưa nhân công, phương tiện đến Rusalka "ăn dầm nằm dề" 2 tháng trời chờ Chi ứng tiền để thi công. Với lý do Hội đồng quản trị (HĐQT) "ở bên Nga" chưa chịu giải ngân, Chi "mồi" anh Hồ Minh Châu (GĐ Á châu) ký thanh lý hợp đồng trước.
Trong khi đó, cái được gọi là HĐQT của Công ty R.I.T gồm 3 công ty Elaitrox, DHL Cargo và Luzhniky DHL thì không có bất cứ công ty nào đầu tư vào Việt Nam. Để có được cái tư cách "đại diện uỷ quyền của các nhà đầu tư" này, Chi "vẽ" chữ ký của Onga và Xecgây (GĐ của DHL Cargo và Luzhniky DHL) vào trong các văn bản. Khám nơi Chi ở tại Nha Trang, CQĐT còn thu được 3 con dấu của 3 công ty này.
Để lừa được nhà nước Việt Nam cấp giấy phép đầu tư vào dự án Rusalka, Chi mua bán con dấu của 3 công ty này, giả mạo chữ ký để làm giả hồ sơ, báo cáo không trung thực về khả năm tài chính, chỉ đạo "đàn em" móc nối với các ngân hàng của Nga làm giả giấy xác nhận số dư tài khoản của 3 công ty nói trên...
Trở lại với Á châu. Sau khi GĐ công ty này đồng ý xuất hoá đơn GTGT cho Nguyễn Đức Chi theo khối lượng ghi trong hợp đồng, tiếp tục vẫn không được ứng tiền để thi công. Ngược lại, Chi dùng số hoá đơn này lập hồ sơ hoàn thuế, chiếm đoạt 700 triệu đồng tiền hoàn thuế.
Trong khi đó, số hoá đơn xuất cho Nguyễn Đức Chi, công ty Á châu đã nộp thuế tại Cục thuế Khánh Hoà. Chưa hết, đến tháng 4/2004, công ty Á châu cũng chỉ thực hiện được khối lượng xây dựng trị giá 494 triệu đồng tại Rusalka, nhưng đến nay vẫn bị R.I.T nợ 144 triệu đồng chưa "thèm" thanh toán.
Một nhà thầu khác "ngập" vào đống bùn R.I.T còn sâu hơn nữa là Công ty vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại (BMC)-Bộ Thương mại. Từ tháng 4-8/2003, Chi liên tục ký các biên nhận giao cho Hồ Đức Chính (Công ty BMC) số tiền 6,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế Chi chỉ giao 2,4 tỷ. Số tiền 4,4 tỷ còn lại Chi ký xác nhận riêng với anh Chính là chưa giao tiền.
Trong khi đó, Chi dùng toàn bộ các giấy biên nhận giao tiền (6,8 tỷ) nhập sổ sách kế toán, nâng khống số tiền đầu tư vào dự án.
Khá cẩn thận, công ty BMC đã yêu cầu Chủ đầu tư (công ty R.I.T) phải có "bảo lãnh thanh toán" của ngân hàng. Chẳng hạn, tại chứng thư bảo lãnh số 90830/2003/BLTT-NHQĐ (ngày 1/12/2003), Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội bảo lãnh trách nhiệm thanh toán cho R.I.T số tiền gần 15 tỷ đồng về việc "Xây lắp công trình Khu nghỉ mát Rusalka", thời gian hiệu lực của chứng thư là 10 tháng (từ 1/12/2003 - 30/10/2004).
Ngoài chứng thư bảo lãnh này, Ngân hàng Quân đội còn cấp cho R.I.T một chứng thư bảo lãnh khác đề ngày 13/1/2004. Trị giá của 2 chứng thư bảo lãnh lên tới 29 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến ngày Chi bị bắt, ngân hàng này chưa thực hiện thanh toán khoản tiền nào cho nhà thầu như theo cam kết trong chứng thư bảo lãnh.
Trong khi đó, đến nay, tổng số tiền công ty BMC bỏ ra để xây dựng dự án cho Nguyễn Đức Chi đã lên tới 60 tỷ đồng, nhưng không được thanh toán. BMC ngày càng "chìm" sâu vào đầm lầy "Nàng tiên cá" khi chỉ riêng số tiền lãi vay ngân hàng hiện đã tới 5 tỷ đồng.
Việc "Xây lắp công trình Khu nghỉ mát Rusalka" còn có tên một nhà thầu khác là Công ty TNHH Trường Sơn. Theo hợp đồng số 01-TS/HĐKT ký ngày 24/11/2003 ký giữa công ty này và R.I.T, thì số tiền trong chứng thư bảo lãnh mà R.I.T phải nộp là 7,8 tỷ đồng. Đến nay, số phận nhà thầu này trong "đầm lầy" Rusalka vẫn chưa được định đoạt...
Không tha cả quê hương
Nguyễn Đức Chi sinh năm 1969, đăng ký thường trú tại xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Lừa từ Trà Vinh, ra Hà Nội, vào Nha Trang, lên Đà Lạt, chưa đủ, Chi mò về tận Nghệ An "làm thịt" Chi nhánh công ty 424.
Đầu năm 2003, Chi quay sang lĩnh vực giày dép, gửi mẫu sang Trung Quốc sản xuất thử nhưng lại không có tiền nhập hàng về. Vậy là Nguyễn Ngọc Tuấn (Giám đốc chi nhánh công ty 424 Nghệ An) "hân hạnh" được Chi "chọn mặt gửi... âm mưu". Tuấn vay tiền của ngân hàng Quân đội nhập giày về cho Chi. Chi dùng sổ đỏ khu C dự án Rusalka để ký hợp đồng bảo lãnh bảm đảm thanh toán cho Tuấn. Tuy nhiên, trong hợp đồng mua bán giày với Chi nhánh công ty 424 Nghệ An, Chi dùng tư cách GĐ kinh doanh công ty "ma" Arabella để... ký.
Rốt cuộc, số giày nhập về trị giá 470. 315,38 USD, Chi chỉ trả cho Tuấn 143.100,89 USD. Số tiền còn lại 327.214,49 USD, Chi "quên luôn".
Đồng thời, ngân hàng Quân đội cũng bị "hố" to trong vụ chấp thuận cho Cho dùng 1 phần dự án Rusalka để ký bảo lãnh thanh toán mua bán giày dép này.
Trước "bài cùn" của Chi, Ngân hàng Quân đội cũng đành "đứng nhìn" vì không thể xử lý khu C dự án Rusalka để thu hồi nợ theo hợp đồng bảo lãnh đã ký, vì dự án này đang triển khai, theo ràng buộc của điều 7 giấy phép đầu tư thì "không được chuyển nhượng vốn trong khi triển khai xây dựng dự án".
Chưa hết, đối chiếu với điều 92 Nghị định 24/2000/NĐ-CP thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn được thế chấp giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại các tổ chức tín dụng phải "trả tiền thuê đất nhiều năm, nếu thời hạn thuê đất trả tiền còn lại ít nhất 5 năm". Trong khi đó, với Rusalka, Chi chưa trả một xu tiền thuê đất nào.
"Liên doanh" sa lầy
Trong những bài viết trước, chúng tôi đã đề cập đến nạn nhân của Nguyễn Đức Chi: Công ty lương thực Trà Vinh... Nhưng, đau nhất, phải kể đến công ty Lâm Viên (Lavico) - Bộ Quốc phòng.Với món nợ 5,281 triệu mua gạo của lương thực Trà Vinh, qua 2 hợp đồng mua bán với Nguyễn Thọ Trí, thông qua một công ty "ma" tên Arabella ở Mỹ, Chi quyết định dùng Rusalka để "đặt cửa" cuộc chơi lừa đảo tiếp theo.
Và Công ty Lâm Viên (Bộ Quốc phòng) đã trở thành nạn nhân.
Điều 7 giấy phép đầu tư dự án Rusalka cấp cho Nguyễn Đức Chi được Bộ KH&ĐT quy định rõ "không được phép chuyển nhượng vốn trong quá trình xây dựng dự án", nhưng khi bị hối nợ ráo riết vì "chạy làng" trong việc mua gạo của Công ty XNK& Lương thực Trà Vinh, Chi quay qua dùng "Nàng tiên cá" để gỡ gạc. "Ý tưởng" dùng "Nàng tiên cá" là miếng mồi nhử đã thành hình. "Lưới vây" được Chi xếp đặt sẵn vây bọc lấy Lavico, mà trực tiếp nạn nhân là Giám đốc công ty này, Trung tá Trần Nam.
Sau khi Nguyễn Đức Chi bị bắt không lâu, PV VietNamNet đã tìm cách liên lạc với ông Trần Nam để tìm hiểu thêm thông tin của người trong cuộc. Việc tiếp xúc không thành, nhưng rốt cuộc qua đồng nghiệp, chúng tôi cũng có được tư liệu liên quan đến cú lừa đảo ngoạn mục của Nguyễn Đức Chi đối với Lavico.
Theo đó, đến tháng 11/2003, Chi bán tài sản không phải của y tại Trung tâm giải trí Cosmos (168 Ngọc Khánh) cho Lâm Viên. Đây là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Học viện Lục quân Đà Lạt (Lâm Đồng). Việc mua bán này đến nay được xác định là từ năm 1999, Trung tâm giải trí này đã bị thua lỗ nặng. Sau đó, Chi bị Công ty điện tử Giảng Võ là đơn vị cho thuê nhà kiện ra toà đòi 1 triệu USD tiền nợ vì suốt 5 năm thuê nhà (1998-2003), Chi không trả được 1 đồng nào. Số vốn Chi khai thành lập Cosmos là 5,1 triệu USD.
Theo như giải thích của ông Trần Nam, thì đến tháng 11/2003, Rusalka đã gần như "đóng băng", dự án không thể tiếp tục thực hiện vì hết sạch vốn. Vậy là từ vụ mua bán Cosmos nêu trên, công với thông qua một số sự "bảo đảm" của các cơ quan chức năng, Lavico đã bị đưa vào tròng. Lavico đồng ý góp thêm 5,5 triệu USD vào Rusalka để tăng vốn pháp định của dự án này lên 10 triệu USD.
Trước đó, tháng 10/2003, Chi gửi công văn lên Bộ KH&ĐT xin chuyển dự án từ 100% vốn nước ngoài thành liên doanh. Chưa được Bộ KH&ĐT trả lời, thì sau hàng loạt các tiếp xúc song phương, đa phương, Lavico đã lần lượt "rót" vào Rusalka 48,5 tỷ đồng, trong đó có 43,5 tỷ đồng Lavico thay Chi trả nợ cho lương thực Trà Vinh.
Tổng cộng, đến tháng 6/2004, theo ông Trần Nam, Lavico đã chuyển 53,1 tỷ đồng đầu tư vào Rusalka (trong đó có 43,5 tỷ đồng trả cho lương thực Trà Vinh). Điều này được ông Nam giải thích rằng ông được 'đảm bảo" bởi việc rót vốn cho Chi có sự giám sát của CQCSĐT phía Nam (Bộ Công an). Chưa hết, điều tra viên cao cấp trực tiếp thụ lý vụ Rusalka thời điểm đó là Thiếu tá Nguyễn Văn Yên đã trực tiếp thuyết trình với lãnh đạo Học viện Lục quân về phương án, triển vọng của dự án Rusalka nếu Lavico rót vốn vào (?).
Theo như ông Nam giải thích, việc Lavico rót vốn vào Rusalka vì tin tưởng khả năng thành công của dự án, cũng như tin tưởng vào sổ sách kế toán thể hiện Chi đã đầu tư vào đây 2,8 triệu USD. Việc đẩy vốn vào chỉ như thủ tục "đặt cọc" trước khi mua nhà, trong khi chờ Bộ KH&ĐT cho phép dự án này được chuyển nhượng vốn trong thời gian xây dựng cơ bản (bỏ điều 7 giấy phép đầu tư).
Cuối cùng, chính ông Trần Nam gửi đơn tố cáo Nguyễn Đức Chi lừa đảo, sau khi phát hiện Chi "cắm" sổ đỏ của dự án vào ngân hàng, để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo của y.
Lật lại hồ sơ, không khỏi giật mình về những bước sa lầy của Lavico vào Rusalka. Thành lập từ tháng 7/1993, trong 13 năm hoạt động, Lavico luôn lãi trong lĩnh vực kinh doanh xây dựng cơ bản và bất động sản. Tuy nhiên, đến khi gặp Nguyễn Đức Chi, Lavico chính thức "sa lầy". Đến ngày 30/8/2004, chính ông Trần Nam đã phải ra một quyết định khó khăn: Đề nghị cán bộ công nhân viên công ty bỏ phiếu kín cho quyết định: Nên hay không cung cấp tài liệu tố cáo Nguyễn Đức Chi lừa đảo?
"Trước cơn nguy biến, ai trung thực thì người đó sẽ chiến thắng", ông Nam đã dẫn câu nói này của người cha trong dòng tin nhắn gửi Nguyễn Đức Chi ngày 11/3/2005. Và quyết định cuối cùng được chọn: Tố cáo. Nguyễn Đức Chi bị Cục cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (C15) "nhập kho" lúc 7h sáng ngày 25/6/2005 tại Tp. Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà).
Câu hỏi còn lại: Lavico lẫn Lương thực Trà Vinh không dễ bị "lừa" đến vậy, nếu không cảm thấy an toàn khi đầu tư. Vậy, trách nhiệm của các cơ quan: Bộ KH&ĐT, tỉnh Khánh Hoà, CQCSĐT phía Nam đến đâu trong vụ án này, công luận đang chờ kết luận từ CQĐT. Đặc biệt, càng đáng giật mình hơn khi nhìn thấy cuốn sổ đỏ đã được tỉnh Khánh Hoà đầy "ưu đãi" cấp cho nhà đầu tư nước ngoài Nguyễn Đức Chi.
-
Hà Trường - Phan Công
Kỳ cuối: Từ bài học Rusalka nhìn lại chiêu ăn đất của các đại gia