221
454
Pháp luật
phapluat
/xahoi/phapluat/
875760
Thanh tra Chính phủ hoàn tất kết luận đường vành đai III
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
Thanh tra Chính phủ hoàn tất kết luận đường vành đai III
,
5 năm tắc một chỗ này... Ảnh chụp đường vành đai III đoạn gần ra Khuất Duy Tiến tháng 12/2006.

(VietNamNet) - Ì ạch giải phóng mặt bằng, tùy tiện đền bù, sai quy chế đấu thầu, lệch lạc thiết kế... và nhiều tỉ đồng đã chi nhanh một cách khó lý giải. Đó là những gì toát lên từ nội dung Kết luận thanh tra Dự án đường vành đai III Hà Nội vừa được Thanh tra Chính phủ hoàn tất.

5 năm chưa giải phóng xong 1.379 hộ dân!

Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đường vành đai III bị Thanh tra Chính phủ nhận định là ''chậm'', dù các cơ sở pháp lý ban đầu để chuẩn bị cho công tác này rất kịp thời. Tính đến 30/8/2006, còn 1.379 hộ chưa được thực hiện đền bù, hỗ trợ xong - trong đó, quận Thanh Xuân còn khoảng 1.200 hộ, quận Cầu Giấy 150 hộ, huyện Thanh Trì 29 hộ.

Nguyên nhân được xác định do: việc thiết kế nút giao Thanh Xuân tuy theo đúng chỉ giới đường đỏ do Viện Quy hoạch TP Hà Nội lập, nhưng lại có hình dạng không cân đối (phía Hà Nội lớn hơn) khiến 430 hộ dân nơi đây khiếu kiện kéo dài, chưa thể GPMB được; quá trình giải quyết khiếu nại của các cấp liên quan đến chỉ giới GPMB cũng chậm, thậm chí không thực hiện theo thông báo của UBND TP Hà Nội và Bộ GT-VT cho phép tồn tại 28 hộ dân khu tập thể ĐH An ninh - nên đến tận tháng 6/2006 mới GPMB xong 28 hộ này, gây chậm tiến độ nghiêm trọng.

Chậm GPMB dẫn đến tiến độ thi công chậm. Mà hợp đồng thi công xây dựng theo hình thức có điều chỉnh giá. UBND TP Hà Nội cũng bị kết luận là chậm ban hành các chính sách bồi thường, hỗ trợ: mãi tới tháng 12/2003 mới phê duyệt giá điều chỉnh để lên phương án tại quận Cầu Giấy, cuối 2003 mới có giá tại khu vực nút giao Láng Hạ - Thanh Xuân... Chính sách bồi thường, hỗ trợ được điều chỉnh nhiều lần với mức hỗ trợ quy định ngày càng cao hơn. Như vậy, việc chậm GPMB đã làm tăng kinh phí bất hợp lý và là một trong những nguyên nhân làm tăng tổng mức đầu tư dự án.

Biết bao văn bản, giấy mực, công sức... với nỗ lực cho một ''vành đai III'' thông thoáng!

Bên cạnh đó, tình trạng tự chia tách thửa, tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mua bán trao tay sau khi có quyết định thu hồi đất và xây dựng nhà ở, lấn chiếm đất công... xảy ra nhiều nhưng chính quyền địa phương chưa kịp thời ngăn chặn và xử lý triệt để. Ví dụ: Ở phường Hạ Đình, năm 2003 điều tra chỉ có 127 hộ nhưng đến nay lại thành 172 hộ! Ở phường Mai Dịch có hộ bà Nguyễn Thị Liệp được tách thành 8 hộ (trong đó công an khu vực xác nhận 7 hộ không ăn ở ổn định tại tổ 37 phường này) nhưng tất cả đều được giải quyết mua nhà, đất tái định cư - bị Thanh tra Chính phủ kết luận ''việc giải quyết bán nhà, đất tái định cư cho các hộ dân trên thiếu chính xác''!

Khó hiểu hơn, tại quận Cầu Giấy, 11 thửa đất đã được xác nhận nguồn gốc là đất thổ cư - theo Thanh tra Chính phủ là ''thiếu căn cứ'' vì theo sổ mục kê năm 1986, có 10 thửa trong số đó không ghi rõ nguồn gốc đất và 1 thửa còn lại ghi là đất hoang do Hợp tác xã quản lý. Địa chính phường cũng không có tài liệu chứng minh năm 1994 là đất thổ cư. Nhưng năm 2003, cả 11 thửa đất này được lên phương án đền bù 100% đất ở, tổng diện tích 1.200,8m2 với số tiền gần 12 tỉ đồng (cho 17 hộ dân). Trong đó, hộ ông Nguyễn Văn Phóng được đền bù 1.516.515.000 đồng cho 136,6m2 (chính là thửa ghi ''đất hoang do Hợp tác xã quản lý'' nêu trên)!

Chủ đầu tư phải thu hồi hơn 47 tỉ đồng trả lại vốn dự án!

Thanh tra Chính phủ phát hiện, năm 2002-2003, theo quyết định của Bộ GT-VT, Ban quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long) đã ký 2 hợp đồng với các công ty kinh doanh và công ty phát triển nhà ở Hà Nội để mua nhà phục vụ tái định cư. Sau đó, hợp đồng không hề được thực hiện. Thế nhưng, PMU Thăng Long đã chuyển cho các công ty này hơn 47 tỉ đồng (tiền đã được chuyển vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính Hà Nội). Đến thời điểm thanh tra tháng 7/2006, hợp đồng giữa các bên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm để thu tiền trả lại dự án.

Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chủ đầu tư phải có trách nhiệm thu hơn 47 tỉ đồng này, trả lại vốn dự án đường vành đai III.

Cùng với đó, Thanh tra Chính phủ phát hiện Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đưa thêm vào tổng dự toán 3 khoản mục: trang thiết bị văn phòng cho Ban điều hành dự án của chủ đầu tư và tư vấn; hệ thống thông tin liên lạc, phương tiện đi lại cho Ban điều hành và kỹ sư tư vấn... với tổng số tiền1.498.300.000 đồng. Thực tế, Tổng liên doanh 18 đã trúng thầu và được thanh toán 3 khoản mục trên là 2.432.297.213 đồng. Việc đưa thêm vào tổng dự toán và quyết toán 3 khoản mục kia là không đúng Thông tư 09/2000/TT-BXD của Bộ Xây dựng, làm tăng chi phí dự án.

Nghiêm trọng hơn, trong thiết kế tổng dự toán, tư vấn TEDI, chủ đầu tư đã không đặt ra yêu cầu thí nghiệm nén tĩnh đối với cọc khoan nhồi và cọc ép. Theo tiêu chuẩn xây dựng, trong thi công cọc khoan nhồi và cọc ép bắt buộc phải thí nghiệm nén tĩnh để xác định tính chính xác sức chịu tải của cọc. Qua kiểm tra ở đơn vị thi công, Thanh tra Chính phủ phát hiện các nhà thầu thi công cũng không thực hiện thí nghiệm nén tĩnh đối với cọc khoan nhồi và cọc ép.

Theo Kết luận Thanh tra, Bộ GT-VT cần chỉ đạo tư vấn TEDI, PMU Thăng Long bổ sung kịp thời việc thí nghiệm nén tĩnh cọc khoan nhồi và cọc ép ở những hạng mục chưa thi công, tổ chức kiểm định, đánh giá chất lượng những hạng mục đã thi công mà chưa có thí nghiệm nén tĩnh và có biện pháp xử lý ngay nếu ảnh hưởng chất lượng công trình!

Hạch toán chi phí của công trình khác vào công trình đường vành đai III(?!)

Đáng chú ý, Tổng Công ty liên doanh xây dựng 18 sau khi ký hợp đồng với PMU Thăng Long đã giao nhiệm vụ thi công các phần việc chính cho các đơn vị thành viên trong liên doanh và giữ lại tỉ lệ % tuỳ theo khối lượng và thanh quyết toán khi hoàn thành công trình. Song, khi xác minh 7 đơn vị thi công (4 đơn vị thuộc Tổng 1 và 3 đơn vị thuộc Tổng 8) phát hiện sai phạm tập trung vào 4 dạng: xuất dùng vật tư thiếu so với thiết kế kỹ thuật nhưng vẫn quyết toán đủ 420,77 triệu đồng; sử dụng vật tư không đúng với hợp đồng nhưng vẫn quyết toán như hợp đồng gây chênh lệch 526,43 triệu đồng; quyết toán chi phí vật liệu vượt định mức kỹ thuật theo quy định 1.176,078 triệu đồng; hạch toán chi phí của công trình khác vào công trình đường vành đai III số tiền 2.356 triệu đồng...

Việc ''Hạch toán chi phí của công trình khác vào công trình đường vành đai III'' bị Thanh tra Chính phủ phát hiện xảy ra với nhiều đơn vị khác nhau khi trực tiếp thi công dự án đường vành đai III này. Cụ thể: Công ty công trình giao thông 136 hạch toán ''nhầm'' từ công trình khác vào công trình này 218,142 triệu đồng; Công ty công trình giao thông 118 hạch toán ''nhầm'' từ công trình khác sang công trình này 1.171,810 triệu đồng; Công ty Sản xuất, XNK và đầu tư (MINCO) hạch toán ''nhầm'' từ đâu sang đây 810,772 triệu đồng; Công ty LD công trình Hữu Nghị hạch toán ''nhầm'' từ công trình khác sang dự án vành đai III là 155,491 triệu đồng(?!).

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế cần xử lý như: chi 168 triệu đồng mua bàn ghế, chi 195 triệu đồng thưởng tiến độ GPMB cho dân không đúng quy định (về nguyên tắc phải xuất toán khỏi chi phí dự án)... và nhiều sai phạm khác. Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh quản lý, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý về kinh tế rất cụ thể - trong đó có trách nhiệm của Bộ GT-VT và UBND TP Hà Nội.

  • Hoàng Huy

>>Đề nghị bồi thường Bourbon Thăng Long 3 tỉ đồng là sai!
>>Văn bản thiếu-thừa chữ, nhiều ngành "choáng''!

>>Đối thoại với dân thắc mắc về đất đường vành đai 3

>>Hà Nội triển khai nhanh dự án đường vành đai III

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,