– Các cơ quan chức năng TP.HCM có ý kiến trái chiều xung quanh vụ nhập khẩu 97 món cổ vật về Việt Nam.
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược...
Theo đó ngày 28/7, nguồn tin của VietNamNet cho hay, các cơ quan chức năng tại TP.HCM đang làm rõ tính pháp lý của một lô hàng cổ vật có giá trị, vừa được nhập khẩu về TP.
Hiện cơ quan chức năng đang làm rõ về vụ nhập khẩu lô hàng gồm 97 món đồ cổ có giá trị lớn. Ảnh: Đàm Đệ |
Theo thông tin ban đầu, lô hàng gồm 97 món cổ vật (được nhập khẩu về cảng ICD Phước Long, Q.9, TP.HCM) vào đầu tháng 7/2010 trong một container loại 20 feet. Theo tờ khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 4, chủ lô hàng nói trên là công ty TNHH Thương mại Hằng Phương (gọi tắt là công ty Hằng Phương, trụ sở số 37 đường Huỳnh Thúc Kháng, Q.1, TP.HCM).
Hai cơ quan là Cục Hải quan TP.HCM và Phòng kiểm tra Văn hóa Xuất nhập khẩu (Sở Văn hóa – Thể Thao và Du lịch TP.HCM) đã cùng kiểm tra lô hàng này. Tại thời điểm kiểm tra, phía công ty Hằng Phương không trưng ra được giấy tờ chứng minh về nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng.
Tuy nhiên, nếu căn cứ vào tờ khai Hải quan của công ty Hằng Phương, đây là lô hàng gồm 97 món đồ cổ như: bàn, ghế, bình, lọ, chum, tủ…nhập khẩu từ Anh quốc, là loại hàng nhập khẩu phi mậu dịch, được tính thuế nhập khẩu là 0%.
Tuy nhiên, kết luận của Phòng Kiểm tra văn hóa Xuất nhập khẩu xác định, các món cổ vật trên có niên đại từ thế kỷ 19, do Trung Quốc và Việt Nam sản xuất. Từ nhận định trên, ngày 8/7, Phòng Kiểm tra Văn hóa Xuất nhập khẩu có công văn gửi đến Cục Hải quan TP.HCM nói rõ, việc nhập khẩu lô hàng là vi phạm điều 45 luật Di sản Văn hóa, toàn bộ lô hàng có thể bị tịch thu.
Đến ngày 16/7, Cục Hải quan TP.HCM có công văn phúc đáp khẳng định “mặt hàng nhập khẩu đồ cổ có tuổi từ 100 năm trở lên không thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Văn hóa thông tin”.
Cũng trong công văn này, giải thích về việc lô hàng không hóa đơn chứng từ, phía Cục Hải quan TP.HCM cho rằng: “hàng nhập khẩu không phải là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia bị vận chuyển trái phép mà doanh nghiệp vận chuyển từ nước khác xuất khẩu về Việt Nam có khai báo với cơ quan Hải quan, nhưng do hàng nhập khẩu theo loại hình phi mậu dịch nên doanh nghiệp không có hợp đồng, hóa đơn…”.
Cần có...trọng tài !
Với những ý kiến như nói trên, phía Cục Hải quan TP.HCM đã đề nghị phía Phòng Kiểm tra Văn hóa Xuất nhập khẩu cung cấp thêm thông tin, trả lời câu hỏi: lô hàng nhập khẩu trên có được nhập khẩu hay không? Và dựa căn cứ pháp lý nào? (nếu không đồng ý cho nhập)
Theo một số chuyên gia nghiên cứu đồ cổ, chỉ cần 1 món cổ vật đã có giá vượt xa tổng giá trị của 97 món đồ cổ mà chủ lô hàng đã khai báo (?) Ảnh: Đàm Đệ |
Điều đáng nói là giá trị thực của lô hàng; khi đơn vị nhập là công ty Hằng Phương khai báo 97 món cổ vật có tổng giá trị khoảng 10.780 USD, thế nhưng theo nhận định chủ quan của một số chuyên gia nghiên cứu đồ cổ, chỉ cần 1 món trong lô hàng đã có giá trị vượt xa tổng giá trị của toàn bộ lô hàng (?)
Như vậy, để xác định nguồn gốc, tính pháp lý của lô hàng đồ cổ nói trên...theo một chuyên gia trong ngành văn hoá, chỉ có thể gửi văn bản đề nghị phía cơ quan chức trách của Anh quốc (nơi xuất xứ) nhờ thẩm định lại.
VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
-
Đàm Đệ