,
221
1406
Dòng sự kiện
dongsukien
/xahoi/dongsukien/
494772
An Phú và nỗi đau da cam
1
Article
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
,

An Phú và nỗi đau da cam

Cập nhật lúc 07:47, Thứ Ba, 10/08/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) – Cách TP.HCM hơn 30 cây số là An Phú (Củ Chi –TP.HCM) một địa danh có nhiều nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam và nơi một thời được mệnh danh là “vùng trắng”.


“Vùng trắng” xưa

 

Bà Lê Thị Điệp và người con bị nhiễm chất dộc da cam, em Trần Anh Kiệt.

Những năm 1968 -1969, sau khi dồn dân vào ấp chiến lược và khu trù mật, quân đội Mỹ đã tiến hành phun chất độc khai hoang (chất diệt cỏ) nhằm biến nơi đây thành “vùng trắng”. Cũng như nhiều xã khác, ngoài những trận mưa bom khốc liệt, An Phú còn hứng chịu những trận mưa hóa chất này.

 

Nhớ lại thời điểm đó, ông Trần Văn Lối, 65 tuổi  sinh sống tại ấp Phú Bình, xã An Phú), kể: “Mỗi khi đi làm đồng, thấy mấy chiếc máy bay C130 bay ngang và phun xuống một thứ nước màu trắng đục làm ướt cả đầu, bà con cứ nghĩ là chất khai hoang thông thường, không gây ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể”. “Sau những tiếng nổ bùm... bùm khô khốc, khói trắng từ những thùng phuy lan đi rất nhanh, phạm vị kéo dài hàng mấy cây số. Xung quanh những chiếc thùng phuy này là những bịch nilông có chứa bên trong chất độc màu đỏ nằm vương vãi khắp nơi". Nói đến đây, giọng ông Lối như nghẹn lại: “Cũng may lúc đó có rất ít đàn bà và trẻ con, nếu không hậu quả bây giờ sẽ khó lường”. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ít ai nghĩ rằng, đây cũng là lúc thứ chất độc quái ác hành hạ những người thân trong gia đình họ.

 

Nỗi đau An Phú

 

Không cần phải đi đâu xa tìm kiếm, gia đình ông Lối đã là một trong hàng nghìn nạn nhân của chất độc da cam. Người con út của ông là em Trần Anh Kiệt (sinh năm 1982) ngay từ khi sinh ra không có được may mắn như bao đứa trẻ khác. “Mới sinh ra dù còn đỏ hỏn, song tay chân nó đã quặt quẹo, cột sống vẹo hẳn sang một bên. Gia đình đã tìm cách chạy chữa khắp nơi song vô vọng” - Bà Lê Thị Điệp, vợ ông Lối kể. Dứt lời, bà Điệp chạy vội vào nhà lấy chiếc xe lăn đẩy người con út của mình ra sân hóng mát.

 

Nhìn em Kiệt ngồi trên xe lăn với thân hình tiều tụy, tay và chân bị co quắp lại, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Trên khuôn mặt còn đầy nét ngây thơ ấy, dường như chỉ có đôi mắt của em là còn tinh anh và cảm nhận được mọi vật xung quanh. Khi nghe chúng tôi hỏi thăm, Kiệt chỉ ú ớ trong miệng, sau đó nở một nụ cười méo xệch ra vẻ mừng rỡ. Từ nhỏ đến giờ Kiệt chỉ biết có vậy. Ai nói gì cũng hiểu, song không thể trả lời được. Lâu lâu, em lại bị lên cơn, gồng cả mình với vẻ mặt hốt hoảng. “Thương con nhưng gia đình quá nghèo; vả lại nếu có tiền cũng không chữa trị được nên đành chịu” - Ông Lối nói.

 

Vợ chồng ông Lối dẫn chúng tôi đi thăm nơi ở của Kiệt hàng ngày. Đó là một chiếc giường gỗ ọp ẹp, được kê gần gian nhà bếp. Trên giường có một vài chiếc chiếu và rất nhiều chăn mền, trong đó nhiều cái đã ngai ngái mùi nước tiểu, xung quanh không có vật gì đáng giá ngoại trừ chiếc xe lăn gia đình thường dùng đẩy Kiệt đi chơi đây đó. 12 năm nay, mọi sinh hoạt của Kiệt chỉ diễn ra trên chiếc giường cũ kỹ đó, từ ăn uống, tiểu tiện. Thương thằng út thiệt thòi, nằm lâu một chỗ dễ bị lở lói, vợ chồng ông Lối cố gắng chăm sóc. Những đứa trẻ đồng trang lứa như Kiệt nay đã có vợ, có con. Ông Lối cho biết, cách nhà ông Lối không xa là ông Trần Văn Lặc, một người dân khác - cũng có một đứa con sinh cùng năm với Kiệt, song mới được vài tháng đã chết.

 

Bán ruộng, bán vườn để chăm sóc con

 

Rời căn nhà của Kiệt, chúng tôi đến thăm một nạn nhân khác của chất độc da cam ở ấp Phú Trung: anh Lê Văn Nẵng, 39 tuổi, con của ông Lê Văn Sái. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 đơn sơ là vợ chồng anh Võ Văn Ép và chị Nguyễn Thị Lý (cháu gọi ông Sái bằng chú). Vợ chồng ông Sái có 3 người con và anh Nẵng là con út. Ở ấp Phú Trung, có thể nói gia đình ông Sái là một gia đình bất hạnh nhất. Hai con đầu của vợ chồng ông Sái chết do bom đạn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Sau khi vợ mất, ông Sái ở vậy nuôi con và mới mất vào năm 2003. Do vậy, vợ chồng anh Ép phải thay phiên nhau chăm sóc anh Nẵng.

 

Cạnh căn nhà tình thương do xã cấp là chái bếp được dựng tạm bợ, vừa là nơi tráng bánh tráng vừa là nơi ở của anh Nẵng. Ở cái tuổi gần 40, song thoạt nhìn anh Nẵng chẳng khác nào một đứa trẻ. Khuôn mặt hệt những người bị hội chứng Down. Khi chúng tôi gọi tên, anh Nẵng vẫn ngồi yên, hai chân gác lên thành giường như người làm xiếc, cái đầu vùi vào giữa hai đùi…như chẳng nghe thấy gì. Khi chúng tôi đưa quà, khó khăn lắm Nẵng mới cầm được, bởi các ngón tay của bàn tay phải bị co quắp. Miệng anh Nẵng phát ra những tiềng gù gừ… hệt như một người đang thì thầm hát.

 

Bà con của Nẵng nói, từ lúc sinh ra đến giờ Nẵng vẫn không thay đổi gì, nghe nhưng không nói được; đi lại khó khăn song không bao giờ ngẩng mặt lên được; hễ đói thì la, chứ không quậy phá. Khi lũ gà từ ngoài vườn chạy vào bếp, nghịch ngợm nhảy cả lên đầu lên lưng, anh Nẵng cũng không buồn đuổi. Hồi còn sống, thương con nhưng không có nhiều tiền, ông Sái đã bán gần hết 4 công đất để chữa trị. Ông Sái mất, gánh nặng dồn hết lên vai vợ chồng anh Ép và chị Lý. “Thu nhập từ việc làm bánh tráng chỉ 10.000 đồng/ngày, nên tụi này cũng bữa đói bữa no. Song, thương anh Nẵng không có người thân săn sóc nên tụi em ráng chịu cực một chút” - Chị Lý bộc bạch.

 

Không chỉ có gia đình ông Lối, ông Sái, xã An Phú còn có nhiều gia đình khác, chẳng hạn như gia đình ông Trần Văn Sỹ cũng có hai con bị nhiễm chất độc da cam. Người con gái tên Trần Huỳnh Trinh bị động kinh từ nhỏ không thể đến trường được; người con út tên Trần Quốc Bình có hai bàn tay 6 ngón…Song, họ là chỉ hai trong số 20 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Thời kháng chiến chống Mỹ, vùng đất Thép Củ Chi phải hứng chịu hàng chục ngàn tấn bom đạn và chất độc khai hoang, chắc chắn số nạn nhân chất độc da cam không phải là ít.

 

Cần lắm tấm lòng những nhà hảo tâm!

 

Theo Hội Chữ Thập Đỏ huyện Củ Chi, hiện toàn huyện có 400 hộ có người bị nhiễm chất độc da cam, phần lớn là cựu chiến binh và dân thường. Do ngân sách eo hẹp nên phần lớn nguồn kinh phí hỗ trợ các hộ này có được qua việc vận động các mạnh thường quân và các doanh nghiệp trên địa bàn.

 

Dù đã nỗ lực hết mình, song huyện chỉ có thể trợ cấp được cho 45 hộ (bình quân từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/người/tháng). Ngay một xã nghèo như An Phú, dù đã “chạy hết cửa”, chỉ có một số ít nạn nhân được hưởng trợ cấp từ 48.000 đồng đến 84.000 đồng/người/tháng. Chị Phạm Ngọc Hoa, cán bộ chuyên trách Hội Chữ thập đỏ xã An Phú, nói: “Hầu hết gia đình có con bị nhiễm chất độc da cam đều có hoàn cảnh khó khăn. Cuộc sống gia đình đều phụ thuộc vào mảnh ruộng nên bữa đói, bữa no”.

 

Rời An Phú, tâm trạng chúng tôi không khỏi áy náy khi chưa giúp được gì cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc ở vùng đất này. Thương lắm An Phú ơi!

 

  • Ngọc Cường   

Nạn nhân chất độc da cam tại Bệnh viện Từ Dũ – TPHCM:

Đến năm 2003, phát hiện 307 trường hợp dị tật bẩm sinh, trong đó có 218 ca não úng thủy, 41 vô sọ, 22 thoát vị não-màng não, 15 thoát vị tủy-màng tủy, 7 đầu nhỏ…, chưa kể hàng ngàn ca thai trứng, ung thư nguyên bào nuôi, thai chết trong tử cung. Một nghiên cứu biện chứng tại Bệnh viện Từ Dũ (1983)  trên phụ nữ cho thấy trong số phụ nữ thai nghén bất thường có đến 64% đã bị rãi chất độc hóa học so với 12% phụ nữ thai nghén bình thường.

 

Một kết luận của nhóm P2 tại hội nghị quốc tế có 22 nước tham dự như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Hà Lan, Nhật, Nga, Tiệp Khắc, Úc… về hậu quả lâu dài của chất diệt cỏ và trụi lá đã được sử dụng tại VN trong thời gian chiến tranh đã khẳng định có 5 khuyết tật bẩm sinh thường thấy ở VN, nhưng hiếm gặp hoặc không có ở những nước khác, đó là: khuyết tật ống thần kinh, khuyết tật tay chân, khuyết tật các giác quan, song sinh dính, sứt môi/chẻ vòm hầu.

 

                                                               (Nguồn: Bệnh viện Từ Dũ)

 

 

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
Quảng cáo
,
,
,