(VietNamNet) - Dự thảo Luật Cạnh tranh lần đầu tiên được trình UBTVQH vào sáng nay. Với tư cách chủ trì xây dựng luật này, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển quả quyết: "Luật sẽ điều tiết mặt trái của cạnh tranh bằng cách kiểm soát quá trình dẫn đến vị trí thống lĩnh thị trường, độc quyền của DN và cấm hành vi cạnh tranh không lành mạnh".
Không còn cảnh "chỉ được mua xi măng của tỉnh nhà''!?
Bức xúc về việc chưa có chế tài đối với "hành vi lạm dụng ưu thế của các DN chi phối thị trường", Bộ trưởng Trương Đình Tuyển lớn tiếng phát biểu: "Các DN độc quyền mua thì ấn định giá mua thấp, nhất là với trường hợp thu mua nông sản của nông dân. Cũng vì độc quyền nên họ bán ra với giá cao tuỳ thích hay kìm giữ giá để thu siêu lợi nhuận, thậm chí họ có thể bán giá thấp hơn giá vốn để loại trừ đối thủ cạnh tranh".
Ông nói thêm: "Tôi thấy tình trạng áp đặt các điều kiện ràng buộc một cách rất vô lý trong kinh doanh như ép mua, ép bán, mua kèm, bán kèm những sản phẩm, dịch vụ không cần thiết vẫn diễn ra giữa các nhà máy chế biến, công ty thu mua với người nông dân đã bị báo chí lên tiến nhiều lần nhưng vẫn không xử lý được..."
Bộ trưởng còn tỏ ra bức xúc khi đề cập đến tình trạng phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt giữa DNNN và DN tư nhân, cũng như sự can thiệp "ngang xương" của cơ quan quản lý nhà nước vào hoạt động kinh doanh: "Do quyền lợi địa phương, một số cơ quan nhà nước bằng các mệnh lệnh hành chính của mình đã can thiệp vào hoạt động kinh doanh của các DN, tạo lợi thế cho một hay một số DN. Tình trạng này làm xuất hiện những rào cản thương mại ngay trên thị trường nội địa theo cách chỉ được mua xi măng của tỉnh nhà trong xây dựng. Gần đây lại có trường hợp sở giáo dục của một tỉnh yêu cầu các trường phổ thông trên địa bàn mình chỉ được mua bút bi của một DN!".
Không chỉ cố gắng tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các DN trong nước, theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, Luật Cạnh tranh còn hướng tới điều chỉnh những "thủ đoạn" nhằm tạo lập vị trí độc quyền của các công ty đa quốc gia tại VN nhằm triệt tiêu các DN nội địa hoạt động trong cùng một lĩnh vực. Ông nói: "Luật này sẽ kiểm soát những mặt trái của cạnh tranh bằng 2 biện pháp: kiểm soát quá trình dẫn đến vị trí thống lĩnh, độc quyền của DN và cấm những hành vi cạnh tranh không lành mạnh".
Luật phải "quản" cả cơ quan nhà nước liên quan đến cạnh tranh
Mặc dù thấy dự thảo Luật Cạnh tranh còn "là lạ, tây tây" - theo lời bà Nguyễn Thị Hoài Thu và nhiều thành viên UBTVQH, đa số đại biểu tham gia góp ý kiến đã nhất trí cao với những quy định rất mạnh dạn của luật.
Ngoài những quy định về thoả thuận hạn chế cạnh tranh, thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, dự luật còn quy định về những trường hợp DN được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường, có vị trí độc quyền và những hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, độc quyền bị cấm...
Cụ thể, dự luật quy định một DN có thị phần trên thị trường liên quan từ 30% trở lên sẽ bị coi là có vị trí thống lĩnh; 2 DN có thị phần từ 50% trở lên, 3 DN có thị phần từ 65% trở lên; 4 DN có thị phần từ 75% trở lên sẽ bị coi là nhóm DN có vị trí thống lĩnh. Vị trí độc quyền được coi là một trường hợp của vị trí thống lĩnh khi không có DN nào cạnh tranh với DN được coi là có vị trí độc quyền.
Luật Cạnh tranh quy định, chỉ khi một DN, nhóm DN có vị trí thống lĩnh hay độc quyền thực hiện cách hành vi lạm dụng để cạnh tranh thì DN đó mới vi phạm. Những hành vi lạm dụng bị cấm như: bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ dưới chi phí sản xuất nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh; áp đặt giá mua, bán bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng; hạn chế sản xuất, phân phối, giới hạn thị trường, cản trở phát triển làm thiệt hại khách hàng; ngăn cản việc tham gia thị trường của các đối thủ cạnh tranh mới; đơn phương thay đổi, huỷ bỏ hợp đồng giao kết không có lý do chính đáng...
Theo Bộ trưởng Thương mại, trừ một số trường hợp được xét miễn trừ (do cơ quan quản lý cạnh tranh hoặc Thủ tướng Chính phủ xét), luật này sẽ áp dụng cho tất cả DN trên thị trường, kể cả DN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước để đảm bảo thực hiện độc quyền nhà nước trong lĩnh vực cần thiết nhưng không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền DN.
Bày tỏ sự tán đồng cao với hướng đi của dự luật, thay mặt Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên thẳng thắn góp ý thêm: "Luật chưa điều chỉnh đối với cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến cạnh tranh. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, dù không tiến hành các hoạt động kinh doanh song các quyết định của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt của cơ quan quản lý cạnh tranh có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình cạnh tranh giữa các DN, có thể làm hạn chế cạnh tranh hoặc dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Do vậy, việc áp dụng luật này với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến cạnh tranh là cần thiết, đảm bảo tính minh bạch và môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng nên làm rõ khái niệm cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh cũng như yêu cầu ban soạn thảo đưa ra "chuẩn" quy định thế nào là "lành mạnh". Dự luật này sẽ được đưa ra xin ý kiến tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khoá XI.
9 hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại dự thảo Luật Cạnh tranh: |
- Giả mạo chỉ dẫn thương mại - Xâm phạm bí mật kinh doanh - Mua chuộc, dụ dỗ, ép buộc trong kinh doanh - Gièm pha DN khác - Gây rối hoạt động kinh doanh của DN khác - Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh - Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh - Phân biệt đối xử trong hiệp hội - Bán hàng đa cấp bất chính |
-
L.Anh