(VietNamNet) - Đại biểu QH TP.HCM ngày 7/5 lại có ý kiến như vậy khi tham gia thảo luận về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi). Các đại biểu còn góp ý về Luật cạnh tranh, Điện lực, Bảo vệ rừng, An ninh Quốc gia... để tổng hợp ý kiến trình Quốc hội trong kỳ họp lần thứ 5 sắp tới.
Cơ quan nào chịu trách nhiệm xác định thị phần?
Tại khoản b, điểm 1, điều 10 dự thảo Luật Cạnh tranh lần thứ 9 qui định “Doanh nghiệp có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan được coi là có vị trí thống lĩnh, cần phải được kiểm soát”.
Theo nhận định của Bộ Thương mại: “Cạnh tranh được coi là một trong những qui luật chủ yếu của nền kinh tế thị trường, là động lực để phát triển kinh tế. Không có cạnh tranh và hạn chế cạnh tranh sẽ dẫn tới độc quyền. Tuy nhiên, cũng có trường hợp để loại bỏ đối thủ, chiếm lĩnh thị trường, đã có công ty mang hàng trăm tấn sản phẩm để biếu không hoặc bán phá giá. Do đó, không một doanh nghiệp nào trong nước có đủ tiềm lực kinh tế để duy trì hoạt động sản xuất bình thường”.
Thế nên, theo Bộ Thương mại: Nhà nước cần phải quản lý được quá trình dẫn đến việc hình thành thống lĩnh thị trường, dành vị trí độc quyền để duy trì môi trường kinh doanh mang tính cạnh tranh lành mạnh.
Tuy nhiên, đa số các đại biểu TP.HCM khi góp ý dự luật này, một mặt rất tán đồng cần sớm đưa Luật Cạnh tranh đi vào cuộc sống để thiết lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh, cũng như chống bán hàng đa cấp, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Mặt khác, các đại biểu cũng lo ngại về việc cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm đối với độ chính xác khi xác định thị phần của doanh nghiệp trên thị trường.
Ông Huỳnh Thành Lập, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đưa ra ý kiến: Khi đưa dự luật này đưa ra góp ý tại Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố, nhiều ý kiến băn khoăn ai sẽ là người xác định thị phần của doanh nghiệp, bởi xác vấn đề này hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, nếu người tiêu dùng bị thiệt hại do cạnh tranh không lành mạnh thì cơ quan nào sẽ xử lý và xử lý ra sao? Trong dự thảo luật chưa thể hiện rõ những nội dung này".
Chưa nên “mở” khâu xuất bản cho tư nhân
Không nên để tư nhân tham gia khâu tổ chức bản thảo, xuất bản sách. |
Dự án luật xuất bản sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản được các đại biểu quan tâm, thảo luận rất sôi nổi. Bà Phạm Phương Thảo, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy cho rằng: Đây là một hoạt động kinh doanh đặc thù, do vậy việc quản lý cũng phải đặc thù. Bộ luật này ra đời từ năm 1993, đến nay đã hơn 10 năm, một số quy định còn mang tính nguyên tắc chung, rất khó thực hiện trong thực tiễn. Cụ thể, trong tờ trình Quốc hội, Chính phủ đề nghị hai phương án khi cho phép cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động xuất bản ấn phẩm.
Thứ nhất, chỉ “mở” hai lĩnh vực in ấn và phát hành. Thứ hai, “mở” luôn cả lĩnh vực xuất bản, dưới hình thức cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vốn vốn vào tổ chức bản thảo. Ngay lập tức, ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Sở Tư pháp có ý kiến: “Với mặt bằng dân trí của cả nước hiện nay, chưa đủ độ “chín” để tự đánh giá chất lượng tác phẩm. Do vậy, không nên để tổ chức, cá nhân tham gia vào khâu xuất bản". “Nhà nước chưa thể “buông” được việc xuất bản, tổ chức bản thảo trong thời điểm hiện nay”, ông Chính nhấn mạnh.
Nhiều đại biểu nhất trí cao với ý kiến của ông Chính và cũng cảnh báo: Thực tế, hiện nay, tư nhân đã tham gia trực tiếp vào cả ba lĩnh vực, xuất bản, in ấn và phát hành ấn phẩm, vượt quá phạm vi phạm vi cho phép của Luật Xuất bản. Phần lớn, sách có nội dung vi phạm các qui định về xuất bản, gây ảnh hưởng tiêu cực trong xã hội là sách liên kết với tư nhân. Nguyên nhân theo các đại biểu là do ý thức chính trị, trách nhiệm xã hội của nhiều cá nhân tham gia liên doanh xuất bản không cao, họ luôn đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết.
Trong khi đó, tại phiên họp thứ 18 vừa qua của UBTVQH, hầu hết các ý kiến đều tỏ ra mong muốn có một thị trường xuất bản phẩm lành mạnh, được xây dựng trên cơ sở các quy định, chế tài chặt chẽ của nhà nước. Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã phát biểu: Đành rằng phân cấp quản lý trong xuất bản nhưng cũng nên chỉ nắm cái cần nắm thôi. Chúng ta đảm bảo sự lãnh đạo của Nhà nước trong hoạt động xuất bản những cũng cần phải có sự đổi mới. Nước ngoài họ cũng kiểm soát được nội dung trong khi vẫn cho tư nhân làm xuất bản. Tôi nghĩ bởi họ làm chặt hơn ta, có chế tài cụ thể hơn ta...
Về ba dự án Luật Điện lực, An ninh Quốc gia và Bảo Vệ rừng, các đại biểu Quốc hội TP.HCM nhất trí cao với điều khoản trong dự thảo và mong muốn các bộ luật này sẽ sớm đi vào cuộc sống.
-
Đỗ Trần Toàn