221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
497070
Quá nhiều giấy phép trong lĩnh vực xuất bản!
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Quá nhiều giấy phép trong lĩnh vực xuất bản!
,

(VietNamNet) - Dự thảo Luật Xuất bản quy định 11 giấy phép trong lĩnh vực xuất bản, trong đó có những giấy phép con, điều này khó tránh khỏi cơ chế xin cho, gây phiền hà, nhũng nhiễu cho các nhà xuất bản và DN. Đây là ý kiến của một số đại biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách khi thảo luận về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi) sáng 9/8.

Giấy phép nhiều làm sống lại cơ chế xin - cho!

Các xuất bản phẩm sẽ được  quản lý chặt chẽ hơn.

Băn khoăn của bà Nguyễn Thị Bắc, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật là với quy định cấp giấy phép. 13 điều của dự thảo luật có quy định 11 loại giấy phép mà phần lớn do Bộ Văn hoá và Thông tin cấp, còn lại UBND tỉnh cấp 2 loại giấy phép. ''Có quá nhiều loại giấy phép là đi ngược lại chủ trương cải cách hành chính. Có cần thiết hay không khi cấp phép in còn phải có cấp phép in riêng cho từng xuất bản phẩm. Hay đã cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm nhưng vẫn phải có giấy phép nhập cho từng lô hàng. Theo tôi, loại giấy phép không cần thiết thì cần phải bãi bỏ!'', bà Bắc bức xúc.

Đồng tình với bà Bắc, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hồng (Thừa Thiên Huế) nhận định: ''Quá nhiều giấy phép làm sống lại cơ chế xin cho, gây phiền hà, nhũng nhiễu''. Đại biểu Phạm Ngọc Thiện (Bạc Liêu) hưởng ứng: ''Cấp phép không tránh khỏi cơ chế xin cho trong khi ''xin cho'' trong lĩnh vực xuất bản hiện nay có vấn đề. Tôi thấy cơ quan chủ quản có nhiều quyền nhưng thiếu các quy định trách nhiệm''.

Theo dự thảo luật, UBND cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền cấp phép xuất bản ấn phẩm lưu hành nội bộ và dành cho triển lãm, hội chợ ở địa phương. Đại biểu Hồng phát biểu: ''Thẩm quyền của UBND tỉnh có phù hợp với chủ trương phân cấp cho địa phương? Nếu nhà xuất bản ở xa mà ''chạy'' lên bộ xin 1 giấy phép sẽ rất khó khăn''.

"Cần cân nhắc thẩm quyền của chính quyền địa phương! Nếu giao được gì cho địa phương thì nên giao!'', bà Bắc góp ý.  Đại biểu Lê Kim Toàn (Bình Định) lại có đề xuất, cơ sở in tại địa phương thì nên để cho UBND tỉnh cấp giấy phép.

10 ngày không có ý kiến, kế hoạch xuất bản được chấp thuận?

Hiện nay, dự thảo luật vẫn còn để ngỏ 2 phương án xử lý đăng ký kế hoạch xuất bản. Theo phương án 1, nhà xuất bản phải đăng ký kế hoạch xuất bản với Bộ Văn hoá Thông tin, sau 10 ngày, nếu Bộ này không có ý kiến thì nhà xuất bản theo kế hoạch đăng ký mà thực hiện. Phương án 2 quy định, tác phẩm thuộc một số đề tài phải được Bộ này chấp thuận trước khi xuất bản và trong 10 ngày Bộ sẽ trả lời đăng ký kế hoạch xuất bản bằng văn bản.

Với chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, đại biểu Nguyễn Thị Bắc ủng hộ phương án 1 và đề nghị thay ''đăng ký'' bằng ''báo cáo kế hoạch xuất bản''. Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Xim (ĐB Hà Tây) lại tán thành phương án 2, với lý do quản lý chặt chẽ hoạt động xuất bản, tránh sai sót về nội dung và trùng lặp, lộn xộn về đề tài.

Ông Xim cho biết suy nghĩ rất nhiều về tính khả thi của thời hạn 10 ngày để Bộ Văn hoá Thông tin trả lời. ''Rất khó để Bộ Văn hoá Thông tin có thể đáp ứng được yêu cầu này. Nếu nhà xuất bản ở tận... mũi Cà Mau, thời gian đăng ký và chờ trả lời sẽ rất lâu! Ngay Tỉnh uỷ và UBND tỉnh cách nhau một hàng rào mà một công văn đi lại cũng mất 1 tuần. Hơn nữa, Bộ rất khó có điều kiện xem xét nội dung của tác phẩm, nhất là tác phẩm văn học. Không thể ngày một ngày hai phán xét được tính đúng sai của tác phẩm''. Theo ông Xim, cần năng thời gian trả lời đăng ký kế hoạch xuất bản lên 15 ngày.

về việc dự thảo Luật Xuất bản quy định ''Chính phủ không kiểm duyệt hoạt động xuất bản, trừ những trường hợp cần thiết'', bà Bắc nói thêm: ''Dự thảo đã có quy định cụ thể những nội dung cấm xuất bản. Do đó không nên có đuôi này! Nếu có cần quy định cụ thể những trường hợp nào là cần thiết!''.

DN được thành lập nhà xuất bản?

Vấn đề liên doanh, liên kết trong hoạt động xuất bản trong dự thảo vẫn để ngỏ 2 phương án. Phương án 1 quy định cụ thể, ''nhà xuất bản được liên kết với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, cá nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về in hoặc phát hành và tổ chức có tư cách pháp nhân để tổ chức bản thảo, in và phát hành''. Phương án 2 chỉ quy định chung là ''nhà xuất bản được liên kết với cá nhân và tổ chức để in và phát hành từng xuất bản phẩm''.

Đại biểu Hoàng Văn Xim tán thành phương án 1 vì theo ông, phương án này quy định rõ cụ thể đối tượng tham gia liên kết với nhà xuất bản cùng trách nhiệm của các bên tham gia. Cũng ủng hộ phương án 1, nhưng theo bà Bắc, cần bỏ từ ''liên đới'' mà tổ chức, cá nhân liên kết với nhà xuất bản phải tự chịu trách nhiệm trong phạm vi tham gia của mình đối với xuất bản phẩm liên kết.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, tư nhân tham gia xuất bản là phù hợp với xu thế hiện nay, xuất bản cũng là một ngành nghề kinh doanh. Do đó, cần khuyến khích tư nhân tham gia xuất bản với điều kiện nhà xuất bản phải làm đúng tôn chỉ mục đích, Nhà nước ''nắm'' giám đốc nhà xuất bản để quy trách nhiệm. Hơn nữa, xuất bản cũng bị điều chỉnh bởi cơ chế thị trường, không phải xuất bản phẩm nào cũng được độc giả chấp nhận mà phải hợp ''gu'' của họ.

Một vấn đề được các đại biểu thảo luận sôi nổi là nên hay không khi bổ nhiệm giám đốc, phó giám đốc nhà xuất bản phải thoả thuận với Bộ Văn hoá Thông tin. Bà Nguyễn Thị Bắc, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, phó giám đốc nhà xuất bản giúp việc cho giám đốc nhà xuất bản thì cần không cần thiết phải thoả thuận với Bộ Văn hoá Thông tin.

Đại biểu Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum) đề cập thẳng thắn hơn: ''Bổ nhiệm giám đốc nhà xuất bản không cần thoả thuận với Bộ Văn hoá Thông tin. Bởi vì nếu nội dung xuất bản phẩm có sai sót thì giám đốc nhà xuất bản chịu trách nhiệm chứ Bộ Văn hoá Thông tin đâu có chịu!''.

Sáng 10/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục thảo luận về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi). Dự kiến luật này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay.

  • Văn Tiến 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,