(VietNamNet) - Trong thư riêng gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, GS. TSKH Đặng Hùng Võ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị ''cần kiên trì một giấy'' đối với chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà.
>>Toàn văn thư của ông Đặng Hùng Võ gửi Chủ tịch Quốc hội.
Theo ông, nếu không có gì trở ngại, nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được hoàn thành chủ yếu vào cuối năm 2005, phần còn lại sẽ triển khai và kết thúc vào năm 2006. Bảo đảm từ 1/1/2007, mọi giao dịch về đất đai được thực hiện trên cơ sở giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như quy định tại Nghị định 181/2004. ''Như vậy, việc cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành, việc thay đổi về loại giấy sẽ có tác động tâm lý rất lớn đối với người dân và nhà đầu tư'', ông nói rõ trong thư.
Ông Đặng Hùng Võ đưa 2 kiến nghị:
Thứ nhất, cần xử lý vấn đề cấp giấp chứng nhận đối với đất và tài sản trên đất theo một hệ thống thống nhất, tiếp tục những gì đã nhất trí khi thông qua Luật đất đai 2003, cái gì đúng thì tiếp tục duy trì, cái gì sai thì phải sửa. Cần giải quyết vấn đề tổng thể cho mọi tài sản gắn liền với đất trong Luật đăng ký bất động sản, không giải quyết riêng vấn đề nhà ở trong Luật nhà ở. Như vậy, Luật nhà ở chỉ cần quy định: ''Nhà ở được Nhà nước công nhận quyền sở hữu; quyền sở hữu đối với nhà ở được xác lập thông qua việc đăng ký theo quy định của Luật đăng ký bất động sản''.
Thứ hai, về giấy chứng nhận cần kiên trì quan điểm một giấy. Đề nghị xem xét 2 phương án: Một là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mọi loại tài sản gắn liền với đất được đăng ký xác lập quyền sở hữu trên giấy chứng nhận đó theo một trình tự thủ tục hành chính phù hợp có sự tham gia quản lý của cơ quan quản lý đất đai và các cơ quan quản lý tài sản gắn liền với đất ở địa phương. Hai là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (thay cho giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Đất được xác lập quyền sử dụng đồng thời với mọi tài sản gắn liền với đất theo một trình tự, thủ tục hành chính phù hợp, có sự tham gia quản lý của cơ quan quản lý đất đai và các cơ quan quản lý tài sản gắn liền với đất ở địa phương.
Ông Võ khẳng định, hai phương án này đều không xung đột với Luật đất đai và được xem xét trong quy trình Quốc hội cho ý kiến về Luật đăng ký bất động sản.
Ông Đặng Hùng Võ nói rõ, thư ông viết ''với tư cách hoàn toàn cá nhân một nhà khoa học, không liên quan gì đến cương vị quản lý (Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường), không có ý kiến của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường''.
Thảo luận về dự thảo Luật nhà ở ngày 6/8, ĐB Nguyễn Thị Vân Lan (Đà Nẵng) cho rằng cần thiết sửa điều 48 của Luật đất đai 2003. Theo bà, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ''ghi nhận'' tài sản trên đất như nhà ở nhưng ''ghi nhận'' không có nghĩa là ''công nhận'' quyền sở hữu. Do đó, bà đề nghị đổi từ ''ghi nhận'' thành ''công nhận'' quyền sở hữu.
Còn theo một số đại biểu khác, tên gọi ''giấy chứng nhận quyền sử dụng đất'', trong đó công nhận quyền sở hữu nhà ở là chưa ''chính danh''. Đại biểu đề nghị lấy tên gọi như Nghị định 60/1994 là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. |
-
Văn Tiến