221
1681
Đối nội
doinoi
/chinhtri/doinoi/
688494
Đảng viên làm kinh tế có bị coi là bóc lột?
1
Article
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
Đảng viên làm kinh tế có bị coi là bóc lột?
,

(VietNamNet) - ''Thời điểm này chưa nên vội bàn về bóc lột hay là hữu khuynh, tả khuynh. Phải xem cái gì là biện chứng lúc này, cái gì làm lợi cho đất nước. Đó là phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, ổn định xã hội và chính trị. Hãy để thực tiễn chứng minh. Đừng nên quy định mấy trăm triệu đồng là bóc lột...''

PGS. TS. Lê Doãn Tá, nguyên Giám đốc Phân viện Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã nói như vậy khi tham gia Bàn tròn trực tuyến ''Đảng viên làm kinh tế tư nhân'' do VietNamNet vừa tổ chức. Tham gia Bàn tròn này còn có nhà văn hoá, học giả Trần Bạch Đằng, ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ nhiệm CLB Doanh nghiệp Việt kiều.

Ông Lê Doãn Tá quan niệm không phải bây giờ mới có chuyện đảng viên làm kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân có thể là kinh tế tiểu chủ, cá thể, trang trại... ta có rồi. Vấn đề bây giờ là đảng viên được làm kinh tế tư bản tư nhân, nên giới hạn ở chỗ đó. 

Tôi rất tán thành quan điểm của Hội nghị TW 12 khoá IX, mà một số nhà lãnh đạo như anh Nguyễn Khoa Điềm (Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá TW), cũng như anh Tạ Hữu Thanh (Phó Trưởng ban Kinh tế TW) nói. Tức là cho làm kinh tế tư nhân không hạn chế quy mô. Tôi cho là mới và tốt. Quần chúng rất mong muốn được chính thức hoá và đến Đại hội X được chấp nhận thông qua. Đó là ý nguyện của tôi.

Marx đã phân tích rằng, xoá bỏ bóc lột bằng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Nhưng phải thấy trong sự phát triển của lịch sử, sơ khai là chế độ công hữu nguyên thuỷ. Mà chế độ này kìm hãm sản xuất nên sau đó mới thay bằng chế độ tư hữu, trải qua từ chiếm hữu nô lệ đến phong kiến, đến tư bản. Chế độ tư hữu đã trở thành động lực của sự phát triển sản xuất, thúc đẩy nhân loại tiến bộ.

Trong điều kiện hiện nay ở các nước tư bản phát triển, không nói nước còn lạc hậu như ta, chế độ tư hữu vẫn thúc đẩy chế độ tư bản phát triển, đặc biệt là gắn với cuộc cách mạng khoa học công nghệ. 

Ở nước lạc hậu như Việt Nam, quan hệ sản xuất tư bản chưa phát triển, thì chế độ tư hữu vẫn còn thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Phải nhớ rằng những thử nghiệm làm công hữu ngay, nóng vội đã thất bại. Chúng ta không nên làm ngơ thực tế lịch sử ấy. Cho nên cần sử dụng chế độ tư hữu để thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Đây là cốt lõi làm cơ sở lý luận cho nền kinh tế nhiều thành phần... Đó là đường lối, quan điểm của Đảng, thay đổi, bác bỏ những thiếu sót trước kia.

Ai cũng biết, cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão. CNTT, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hoá, vật liệu mới… Bây giờ sản phẩm hàng hoá không chỉ là những đồ vật cụ thể mà ngay trí tuệ cũng là sản phẩm hàng hoá. Trong điều kiện toàn cầu hoá nền kinh tế và điều kiện xã hội mới như vậy, chúng ta phải kiên định những gì cần kiên định. Lý tưởng rõ ràng chúng ta phải kiên định. Nhưng quá trình thực hiện lý tưởng ấy phải rất rõ ràng.

 

Đảng đã căn cứ vào lý luận để đề ra chính sách kinh tế nhiều thành phần, trong đó thừa nhận kinh tế tư bản tư nhân là một thành phần kinh tế thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Thế thì những công dân do chính đảng ấy lãnh đạo phải có quyền được hưởng chính sách ấy. Đảng viên là công dân, phải có quyền hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước.

 

"Bất kể mèo trắng hay mèo đen, miễn bắt được chuột thì là mèo tốt"?

TBT Nguyễn Anh Tuấn đặt vấn đề có nhiều độc giả băn khoăn: Đảng viên khi làm kinh tế tư bản tư nhân, nghĩa là nắm tư liệu sản xuất, có được coi là bóc lột hay không?

Ông Lê Doãn Tá cho rằng còn nhiều câu hỏi so sánh 2 trường hợp, một là giám đốc doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, lương công nhân không trả được. Bên kia là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân làm ăn khấm khá, đóng thuế cho nhà nước, thu nhập ổn, đời sống công nhân đảm bảo.

Có quan niệm "bất kể mèo trằng hay mèo đen, miễn bắt được chuột thì là mèo tốt". Miễn đóng góp được cho đất nước thì đều là công dân tốt, đều là người có ích cho xã hội, bất kể về mặt lý luận là tư bản hay vô sản.

Nếu theo lý luận trên, thì ông giám đốc DNNN kia là con "mèo trắng", có thể là một người đảng viên "tốt" nhưng làm ăn thua lỗ, lương công nhân không trả được. Và giám đốc DN tư nhân kia ít nhất có 3 ưu điểm: đóng thuế cho nhà nước; phát triển lực lượng sản xuất, làm giàu cho bản thân và tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Nếu gọi ông ta là mèo đen thì con mèo trắng kia đáng cho vào hiệu ''tiểu hổ''. Không nên dùng ''mèo trắng'', mà hãy khuyến khích con ''mèo đen'' này.

Trong quá trình kinh doanh có lợi nhuận thì sẽ làm lợi cả 3 phía. Lợi cho nhà nước khi đóng góp ngân sách, lợi cho bản thân và lợi cho xã hội khi giải quyết vấn đề việc làm.

Tôi nghĩ trường hợp ấy rất có ích, nên phát triển, ủng hộ và tôn vinh. Còn phía “mèo trắng“ kia thì phải hạn chế, và nếu tham nhũng thì phải đưa ra toà dân sự để xử lý. Còn vấn đề bóc lột, ngày xưa, 8 công nhân đã bị xem là bóc lột, là tạo ra giá trị thặng dư. Hội đồng lý luận TW cũng thảo luận nhiều nhưng chưa quy định rõ.

Theo tôi, thời điểm này chưa nên vội bàn về bóc lột hay là hữu khuynh, tả khuynh. Phải xem cái gì là biện chứng lúc này, cái gì làm lợi cho đất nước. Đó là phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, ổn định xã hội và chính trị. Để thực tiễn chứng minh. Đừng nên quy định mấy trăm triệu đồng là bóc lột...

Nhất thiết phải khống chế sự độc quyền đi đến lũng đoạn

Ông Trần Bạch Đằng đồng ý với ông Lê Doãn Tá. Nếu hiểu theo khái niệm này, trạng thái không đồng đều, không thật công bằng là trạng thái chung của quá trình phát triển. Ta cần cố gắng làm cho mặt bằng đó giảm bớt sự cách biệt.

Tôi thấy ''mèo trắng, mèo đen'' là một cách nói của Trung Quốc trước đây, chứ không phải ta đặt ra một khái niệm như thế. Muốn hay không muốn vẫn phải có điều tiết để không trở thành tự phát quá lớn. Đi đến chỗ cá lớn, cá bé.

Cũng phải nhấn mạnh, quyền lực của chế độ, xét cho cùng là nâng cao mức sống của những người có thu nhập thấp nhất mà hiện nay là xoá đói giảm nghèo. Giảm nghèo là làm giàu cho hàng chục triệu người, công việc rất nặng nề đối với chế độ. Xong làm giàu bằng cách nào, nhất thiết phải khống chế sự độc quyền đi đến lũng đoạn. Khống chế làm giàu bất chính! Đó là phương hướng rõ ràng. Tôi đồng ý đối với thời đại chúng ta đã xét vấn đề linh động hơn và thấy tác động của nó vào xã hội đông đảo là vấn đề rất lớn.

Chuyện chúng ta đang đối mặt với sự phân biệt xã hội đáng báo động, phần lớn nảy sinh do lạm quyền, tức là lạm dụng quyền lực nhà nước của bộ phận này bộ phận khác, từ tay trắng vượt lên tỷ phú mà không kỹ năng, vốn liếng mà bằng tham ô. Đó là căn bệnh chúng ta cần chống lại.

Nhưng trong trường hợp này, thành phần những đảng viên được làm kinh tế tư nhân giữ vai trò khống chế lũng đoạn hầu như không có. Nói chung họ có làm tư bản tư nhân, tức có lấy một phần lao động của người khác để sử dụng trong quyền lợi của họ, điều đó có. Nhưng mức độ đó có phải là thứ làm cho xã hội băng hoại không? Tôi nhìn tất cả vấn đề rất bình tĩnh và cũng tính đến xu thế phát triển, đừng để trở thành một sự tự phát nguy hiểm.

TBT Nguyễn Anh Tuấn dẫn lời: Rõ ràng, chủ trương của chúng ta là Đảng đặt lợi ích của dân tộc lên trên, cho phép Đảng viên được làm kinh tế tư nhân ở nhiều quy mô khác nhau. Vậy chúng ta có thể kết nạp những nhà tư bản, những người làm kinh tế tư nhân giỏi mà đóng góp tốt, đi theo lý tưởng của Đảng, mong muốn góp sức mình không?

Ông Trần Bạch Đằng bày tỏ quan điểm: Phải xem anh ta có trung thành với lợi ích của đất nước, theo sự lãnh đạo của Đảng không? Anh ta có thấy rằng hướng đi lên CNXH của Đảng là đúng không? Nếu anh ta chấp nhận những cái đó, tại sao lại không kết nạp!

Ông Lê Doãn Tá nói thêm: Giả sử tư bản tư nhân mà đóng góp tốt cho Nhà nước thì nên kết nạp vào Đảng. Ví dụ, trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, hãng Mitsustar của VN đã ký với hãng Haier một hợp đồng lớn. Ông chủ của hãng này, ông Giang Thuỵ Dân, là một đảng viên, mà lại là Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản TQ. Ông đã vực dậy một xí nghiệp đang bên bờ phá sản năm 1984 thành một đại gia tầm cỡ quốc tế như hiện nay, doanh số 12 tỷ USD năm 2004. Đấy, hãy cứ làm cho dân khá hơn, đỡ khổ, đỡ nghèo đói, để chúng ta có vị thể xứng đáng trong khu vực và thế giới.

TBT Nguyễn Anh Tuấn đặt câu hỏi với ông Nguyễn Ngọc Mỹ: Với tư cách một doanh nghiệp, một doanh nhân đứng ngoài Đảng, anh có suy nghĩ gì khi nghe những học giả tiền bối, những nhà lý luận của Đảng như học giả Trần Bạch Đằng, PGS. Ông Lê Doãn Tá nói như vậy?

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ trả lời: Nghe qua GS Ông Lê Doãn Tá và học giả Ông Trần Bạch Đằng, sự thực có nhiều việc tôi chưa biết. Nhưng là một người luôn luôn nghĩ tới quyền lợi của dân tộc, tôi thấy có khâu tôi không phải là Đảng viên nhưng cũng đi theo hướng giống Đảng viên, làm gì có lợi cho quê hương, đất nước, làm doanh nghiệp để tạo dịch vụ, tạo nguồn lợi cho xã hội. Nhưng mỗi người nằm trong những hoàn cảnh khác nhau, tuổi tác khác nhau. Bây giờ có quyết định cho Đảng viên làm kinh tế tư nhân, tôi có cơ hội. Rất nhiều cho nhiều người cùng hướng làm lợi cho đất nước cũng có cơ may xin vào Đảng nhiều hơn.

  • VietNamNet

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,