,
221
4701
60 năm BCVT
60nambcvt
/cntt/60nambcvt/
693838
Người bưu tá 20 năm gắn bó với núi rừng Tây Bắc
1
Article
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
,

Người bưu tá 20 năm gắn bó với núi rừng Tây Bắc

Cập nhật lúc 16:26, Thứ Hai, 15/08/2005 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Được tuyển dụng vào Ngành bưu điện vào năm 1986, người công nhân vận chuyển thư báo của Bưu điện huyện Quỳnh Nhai Lại Hồng Bình đã có gần 20 năm phục vụ chính mảnh đất quê hương mình.

Nói đến huyện Quỳnh Nhai của tỉnh miền núi Sơn La là nói đến một huyện nhỏ nằm dọc theo con sông Đà cách tỉnh lỵ tới 100km. Đường xá đi lại ở đây rất khó khăn, kinh tế xã hội cũng như đời sống của nhân dân còn nhiều hạn chế, vất vả. Mỗi năm, Quỳnh Nhai phải chịu tới 5 tháng mùa mưa, xe không vào được đến trung tâm huyện mà chỉ còn cách đi xuồng máy ngược sông Đà 24km. Không chỉ người dân, mà ngay cả đối với các cán bộ địa phương, phương tiện đi lại để về các xã vùng sâu cũng chủ yếu là đi bộ.

Niềm vui lớn nhất là được làm việc cho quê hương!

Sinh ra và lớn lên tại Quỳnh Nhai, khi công tác lại được giao thực hiện nhiệm vụ vận chuyển thư báo cũng ngay chính trên quê hương của mình, anh Bình cho biết, đó là niềm vui song cũng là trách nhiệm rất lớn của một người con của đất Quỳnh Nhai. Nhớ lại những ngày đầu mới vào ngành, anh được bố trí làm công nhân vận chuyển thư báo.

Soạn: AM 514649 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bưu tá Lại Hồng Bình phát biểu tại Hội nghị Thi đua lần II của Tổng công ty BCVT hôm 9/8 vừa qua. (Ảnh: TN).

Lúc bấy giờ, tổ của anh có 5 thành viên thay phiên nhau thực hiện nhiệm vụ trên các tuyến đường thư về các xã xa nhất của huyện là Cà Nàng, Pắc Ma, Pha Khinh, Mường Giôn, Chiềng Khay... Đi từ trung tâm huyện tới mỗi xã đó thời gian cả đi lẫn về bao giờ cũng phải mất tới nửa ngày. Những tuyến gian khổ nhất là Mường Giôn, Chiềng Khay có tới hơn 60 km đường rừng, những khi vận chuyển gặp cơn lũ về, những người bưu tá lại phải mất trọn vẹn một ngày trời ròng rã mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Mỗi tuần, anh Bình và đồng nghiệp phải thực hiện ba chuyến đi như vậy. Để hoàn thành nhiệm vụ, các anh phải cắt rừng đi tắt, vượt qua những con suối nước chảy xiết không kể ngày nắng, ngày mưa hay những ngày đông lạnh rét.

Là một người dân tộc thiểu số, trình độ văn hoá còn hạn chế song người bưu tá Lại Hồng Bình luôn ý thức trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù là khó khăn đến đâu vẫn phải luôn hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao nhất. 20 năm đảm nhận công tác bưu tá, không chỉ phải trải qua những khó khăn trở ngại do thiên nhiên đem lại, thử thách anh phải vượt qua còn là đảm bảo an toàn tài liệu, công văn, báo chí thư từ trong những ngày hoạt động truyền đạo của bọn phản động diễn ra tại xã Chiềng Khay.

Khó khăn lớn nhất là vượt qua chính mình!

Vào thời điểm đó, để tránh sự chú ý của bọn phản động, đồng thời phải đảm bảo an toàn bí mật, anh cùng đồng nghiệp của mình phải cải trang như những người dân tộc Thái bình thường khác, tài liệu thư báo mang theo được sắp xếp lại xuống đáy túi mang theo và để các vật dụng khác lên trên. Hồi đó, tư trang mang theo của mỗi người bưu tá là 2 tấm nilon được phát, một để cho người phòng khi mưa lũ, một dùng để gói tài liệu, công văn. Song do thường xuyên phải luồn rừng, lội suối nên nilon rất mau hỏng. Nhiều khi anh phải dùng luôn tấm nilon của mình để gói bọc tài liệu, công văn với suy nghĩ: mình có ướt thì sẽ khô ngay, nhưng nếu để tài liệu ướt thì sẽ hỏng hết.

Kỷ niệm làm anh nhớ nhất đó là một chuyến đi Chiềng Khay. Hôm đó trời mưa to, đang lội đến giữa con suối thì gặp lũ quét. Chưa kịp lội qua suối nên anh bị cuốn trôi, may mắn có người dân đi qua nên anh đã được cứu sống cùng với túi tài liệu công văn còn nguyên vẹn. Lúc đó, bụng vừa đói vừa bị rét, có nắm  cơm và gói thuốc phỏng cảm lạnh mà vợ anh chuẩn bị dành để đi đường đã bị hoà với nước suối. Đường đi còn dài, còn xa, anh đã cố ăn để có sức đi tiếp chặng còn lại.

Năm 1998, được lãnh đạo Bưu điện tỉnh hỗ trợ vốn, anh mua một con ngựa phục vụ cho công tác, việc đi lại cũng đỡ vất vả hơn. Vượt qua nhiều gian khổ khó khăn là vậy song cũng có lúc anh cũng thấy nản lòng với công việc, nhất là khi mái ấm của anh gặp khó khăn. Nhưng rồi với sự động viên, giúp đỡ của tập thể, của đồng nghiệp và gia đình, anh lại vượt qua chính mình, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

20 năm gắn bó với núi rừng, bưu tá Lại Hồng Bình chưa một ngày bỏ chuyến thư hay làm hư hỏng, thất lạc công văn, thư từ tài liệu. Anh hiểu rằng là một người dân tộc thiểu số, trình độ hiểu biết còn hạn chế nên đã không ngại tuổi cao, năm đó anh đã bước vào tuổi 45, mắt kém, đường xá xa xôi, khăn gói từ mảnh đất Tây Bắc về trường công nhân Bưu điện Hà Nam học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ. Anh đã tâm sự, “tôi tự hào được là người công nhân của ngành Bưu điện Việt Nam. Mặc dù trải qua gần 20 năm công tác, tôi đã đạt được một số thành tích nhất định, song so với bạn bè đồng nghiệp khác, bản thân tôi cần phải có sự cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa”.

Bản chất đáng quý của người bưu tá bưu điện thật đáng trân trọng. Ghi nhận những nỗ lực đó, anh đã vinh dự là một trong những đại biểu tiêu biểu nhất của ngành Bưu điện được báo cáo thành tích của mình tại đại hội thi đua lần thứ II của Tổng Công ty BCVT Việt Nam diễn ra hôm 9/8 vừa qua.

PV.

,

Tin khác

Tin khác của '60 năm BCVT'

,
,