221
12025
Tin Nhanh
tinnhanh
/tinnhanh/
1312658
Người nước ngoài nói về Đại lễ 1000 năm
0
Article
null
Người nước ngoài nói về Đại lễ 1000 năm
,

-10/10/10 không chỉ là một con số đẹp, mà khi nhân chúng với nhau còn tạo nên con số 1.000. Ngoài ý nghĩa quốc gia, đây cũng là dịp để thúc đẩy du lịch và khơi gợi tinh thần yêu nước.

Ngay những ngày đầu diễn ra Đại lễ, các phóng viên nhiều tờ báo lớn của nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam và có những bài viết về Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Hãng tin Tân Hoa của Trung Quốc viết: "Đại lễ 10 ngày bắt đầu từ ngày 1/10 với hàng trăm hoạt động kỷ niệm bao gồm diễu binh, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật và trình diễn pháo hoa tối 10/10.

"Sự kiện này có ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống chính trị và xã hội ở thủ đô Việt Nam. Nó thể hiện sinh lực của Hà Nội, thủ đô lịch sử nghìn năm văn hiến, khuyến khích người dân Việt Nam chung tay xây dựng thủ đô nói riêng và cả nước nói chung".

Báo Daily Dispatch Online của Nam Phi đưa tin về sự kiện Cụ Rùa Hồ Gươm nổi lên mặt nước hôm 1/10: Một cụ rùa được sùng kính cư ngụ tại một hồ ở trung tâm Hà Nội đã có lần xuất hiện hiếm hoi vào đúng ngày thành phố này khai mạc Đại lễ Nghìn năm. Cụ Rùa khỏe mạnh đã nổi lên trước lúc 9h sáng, sau khi Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị mở đầu lễ hội bằng một bài diễn văn từ một bục đài đối diện với hồ.

Bài báo viết thêm: Đại lễ này bao gồm các buổi biểu diễn văn hóa yêu nước, triển lãm và bắn pháo hoa, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 10/10. Cách đây 1.000 năm, Vua Lý Thái Tổ đã dời đô về Thăng Long sau khi ông nhìn thấy một con rồng vàng bay lên từ sông Hồng.

Nhân dịp này, tạp chí nghệ thuật Magenta đã đăng bài phỏng vấn nhiếp ảnh gia Canada Greg Girard về Hà Nội và cũng sẽ xuất bản bộ ảnh của ông về Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.

Trên tờ New York Times phản ánh, Hà Nội sẽ kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà nội vào Chủ nhật, 10/10 với một cuộc diễu hành quy mô lớn, các buổi hòa nhạc và đường phố trang hoàng lộng lẫy. Cuộc sống thủ đô như chậm lại để mừng sự kiện trọng đại này.

Các nghệ sĩ biểu diễn trong buổi khai mạc Đại lễ hôm 1/10. (Ảnh:Reuters)

Cô sinh viên Thúy đang bán những miếng dán má hình trái tim màu đỏ với ngôi sao vàng ở chính giữa quanh hồ Hoàn Kiếm ở trung tâm thủ đô. Gần chỗ Thúy đứng, trên tường của bưu điện trung tâm Bờ Hồ, là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tấm băng rôn lớn: “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Hà Nội ngày nay đã phát triển nhanh hơn, to đẹp hơn, với dân số hơn 6 triệu người. Những lá cờ đỏ sao vàng, băng rôn tràn ngập các con phố khi Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm lịch sử.

“Tôi rất tin tưởng rằng mọi thứ xảy ra trong khu vực trung tâm thủ đô là rất tốt. Đó là lý do tại sao tôi thấy thoải mái khi đi dạo quanh khu vực này”, Lawrie Wilson, một nhà quy hoạch đô thị Australia đã sang công tác tại Việt Nam kể từ đầu những năm 1990, nói.

Tối thứ 5 vừa rồi, các nhà chức trách đã cấm xe cộ đi vào một số tuyến phố khi hàng nghìn người đã tham gia buổi tổng diễn tập cho lễ diễu hành tại quảng trường Ba Đình vào Chủ nhật tới. Những người tham gia diễu hành đại diện cho các tầng lớp trong xã hội gồm công nhân, viên chức, sinh viên, nhà báo, bác sĩ, các cộng đồng thiểu số, kiều bào.

Các nhà sư, các nữ tu theo dòng Thiên Chúa giáo và những người Hồi giáo đội mũ chỏm diễu hành theo một nhóm, tay cầm các lá cờ Đảng có hình chiếc búa và lưỡi liềm. Các cựu chiến binh Việt Nam với những hàng huy chương trên ngực cũng tham gia diễu hành.

Cờ đỏ sao vàng trên những con phố của Hà Nội. (Ảnh: New York Times)

Cụ Vũ Trọng Thuần, 80 tuổi, một cựu chiến binh từng phục vụ trong quân y, trong bộ đồng phục đi dạo trên các con phố được trang hoàng lộng lẫy của Hà Nội cùng các cháu.

Cụ Thuần cho biết cụ thấy tự hào vì đã tham gia bảo vệ thành phố trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhưng cụ cũng hoài cổ về một Hà Nội xưa. “Tôi nhớ rạp chiếu phim cũ, kem Tràng Tiền, chợ Đồng Xuân cũ”. Cụ Thuần cũng nhớ âm thanh tiếng xe điện cổ của Hà Nội và nhớ đi bắt châu chấu hồi còn nhỏ.

Tờ Bbloomberg cũng đưa tin, Hà Nội sẽ đón mừng 1.000 năm tuổi vào cuối tuần này và đây sẽ là dịp để chứng tỏ sự phát triển kinh tế của đất nước sau nhiều thập niên chiến tranh.

Một cuộc diễu hành với khoảng 31.000 người tham gia sẽ được tổ chức vào sáng 10/10 tại Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập năm 1945. Hôm qua, chính quyền thành phố Hà Nội đã hủy bắn pháo hoa tại 29 điểm như đã định để dành tiền hỗ trợ các nạn nhân của trận lũ tại miền Trung.

“Hà Nội đang trên đường trở thành một thành phố hiện đại toàn diện”, Peter Ryder, tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Indochina Capital, người đã sống tại Hà Nội kể từ năm 1992, nhận xét.

Đối với 6,5 triệu dân của Hà Nội, chất lượng của cuộc sống đã tăng lên đáng kể trong 2 thập kỷ qua, với nhiều thương hiệu lớn của thế giới đã tới Việt Nam. Công ty PricewaterhouseCoopers từng nhận định Hà nội có thể trở thành thành phố có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất thế giới trong những năm 2008-2025.

Sự phục hưng kinh tế của Việt Nam đã giúp mang lại các dự án lớn cho Hà Nội. Năm 2007, tập đoàn Keangnam của Hàn Quốc đã xây dựng tòa nhà cao nhất Việt Nam, dự kiến cao 70 tầng. Trung tâm Hội nghị Quốc gia cũng được xây dựng tại Mỹ Đình để phục vụ cho các hội nghị toàn cầu như các hội nghị của ASEAN vừa qua.

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng hơn 5 lần trong 15 năm qua lên mức 1.068 USD, theo số liệu của Quỹ tiền tệ IMF. Năm 1993, Việt Nam là quốc gia nghèo thứ 5 thế giới xét theo phương diện thu nhập đầu người, sau Mozambique, Tanzania, EthiopiaSierra Leone. Nhưng đến năm 2009, Việt Nam xếp trên 36 nước.

Giờ đây, Hà Nội đang sắp kỷ niệm sinh nhật 1.000 tuổi. Vào năm 1010, vua Lý Thái Tổ, người sáng lập vương triều Lý, đã rời thủ đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Hà Nội. Các hoạt động trong lễ kỷ niệm bao gồm việc khánh thành con đường gốm sứ dài gần 4km, được Guinness công nhận là con đường gốm sứ lớn nhất thế giới.

Còn Christian Science Monitor đưa tin, Hà Nội lấy ngày 10/10 là ngày chính thức cử hành Đại lễ quốc gia với cuộc diễu binh, diễu hành quy mô cấp nhà nước. 10/10/10 không chỉ là một con số đẹp, mà khi nhân chúng với nhau còn tạo nên con số 1.000.

Ngoài ý nghĩa quốc gia, đây cũng là dịp để thúc đẩy du lịch và khơi gợi tinh thần yêu nước.

Tuần này, khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long đã chính thức mở cửa đón du khách. Tọa lạc ở trung tâm Hà Nội, di tích được phát lộ năm 2002 trong quá trình xây dựng tòa nhà quốc hội mới. Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long cũng đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới hồi năm nay.

  • Tú Thanh (tổng hợp từ Dân trí, New York Times, Christian Science Monitor, Daily Dispatch Online, Bbloomberg...)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,