,
221
1341
Tin nổi bật
tinnoibat
/tinnoibat/
784802
Đề án 112 thất bại: Lãng phí hàng trăm tỉ đồng
1
Article
null
,

Đề án 112 thất bại: Lãng phí hàng trăm tỉ đồng

Cập nhật lúc 13:39, Thứ Năm, 13/04/2006 (GMT+7)
,

Đề án "Tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2005" - được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định 112 ngày 25/7/2001 - đã kết thúc. Nhìn lại kết quả của đề án này (Đề án 112), nhiều người không khỏi tiếc nuối khi một khoản ngân sách Nhà nước đã lãng phí mà không thu được kết quả nào như mục tiêu ban đầu.

"Không phần mềm nào ra hồn"

2 mục tiêu đáng chú ý nhất trong số 6 mục tiêu cụ thể của Đề án 112 là xây dựng một hệ thống các trung tâm tích hợp và phát triển một số phần mềm dùng chung. Trung tâm tích hợp bao gồm các trung tâm thông tin được điện toán hóa của các tỉnh, thành phố. Kinh phí xây dựng một trung tâm như vậy khoảng 4 tỉ đồng. Đến hết năm 2005, hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đều đã được chi tiền để mua máy móc, nối mạng.

Trung tâm đã có nhưng việc tích hợp thông tin thì chưa có địa phương nào làm được. Ngay cả TP.HCM cũng chưa thể làm được việc tích hợp thông tin của tất cả các quận huyện, ban ngành trên địa bàn phục vụ cho việc quản lý theo đề án. Số tiền hơn 200 tỉ đồng do ngân sách đầu tư cho mục tiêu này xem như ném qua cửa sổ.

Với mục tiêu phát triển một số phần mềm dùng chung, Ban điều hành Đề án 112 (BĐH 112) đã ký hợp đồng triển khai 3 phần mềm dùng chung cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ tháng 2.2005. Đó là phần mềm hệ thông tin tổng hợp kinh tế xã hội; hệ quản lý văn bản và hồ sơ công việc; trang thông tin điện tử phục vụ điều hành (web). Tính đến nay có 40 tỉnh, thành đã cài đặt cả 3 phần mềm dùng chung này với kinh phí hơn 180 tỉ đồng. Thế nhưng, một nửa các tỉnh thành đó xác nhận tỷ lệ vận hành được chỉ đạt từ 34 - 36%.

Một chuyên gia trong ngành CNTT nhận xét: "Không có phần mềm nào ra hồn". Tại TP.HCM, trước khi 3 phần mềm dùng chung được cài đặt, một số quận huyện và sở ngành đã sử dụng các trang điều hành tác nghiệp và quản lý văn bản với hơn 20 phần mềm khác nhau. Các trang điều hành này có ưu điểm là tích hợp được các phần mềm đã và sẽ triển khai vào một trang điều hành để quản lý tập trung. Trong khi đó, trang Thông tin điện tử phục vụ điều hành của BĐH 112 chỉ có khả năng liên kết (link) với các trang tin khác nhưng không có khả năng tích hợp các phần mềm ứng dụng.

Tháng 4/2005, Sở Bưu chính - Viễn thông (BCVT) TP.HCM đã liên tục gửi công văn cho Bộ BCVT về việc không thể sử dụng các phần mềm dùng chung này. Sở BCVT TP cho rằng phần mềm dùng chung của BĐH 112 do quá đơn giản nên không thể thay thế được phần mềm đang được sử dụng tại các đơn vị (Văn phòng UBND TP.HCM đang sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc do tổ chức UNDP tài trợ, sau khi triển khai thí điểm 6 tháng đã đáp ứng nhu cầu quản lý khối lượng văn bản, hồ sơ công việc rất lớn và phức tạp).

Công văn số 160 do Giám đốc Sở BCVT Lê Mạnh Hà ký, ghi rõ: "Phần mềm dùng chung của BĐH 112 chỉ thực hiện được chức năng điện tử hóa sổ công văn vào-ra. Chi phí triển khai cho mỗi phần mềm trên địa bàn thành phố là 2,1 tỉ đồng. Như vậy, việc triển khai các phần mềm dùng chung này rất tốn kém trong khi hiệu quả rất thấp". Do đó, Sở BCVT đã kiến nghị nên tạm ngừng triển khai diện rộng các phần mềm này tại TP.HCM mà chỉ triển khai thí điểm tại 1-2 đơn vị để xem xét, đánh giá lại. 

Ban điều hành yếu kém?

Trong Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính vào đầu tháng 4 vừa qua, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã thừa nhận việc triển khai Đề án 112 chưa mang lại hiệu quả cao do BĐH không có chuyên môn, chưa có cơ quan quản lý chuyên ngành. Còn nhớ trước đó, một dự án cùng tên cũng được triển khai trong giai đoạn 1996-1998 với kinh phí khoảng 150 tỉ đồng nhưng cũng không thu được kết quả gì.

Dường như bài học thất bại đó chưa được xem xét kỹ càng. Tiến sĩ Nguyễn Trọng - nguyên Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT - nhận xét: "Ngay từ đầu, khi sắp triển khai Đề án 112, tôi đã nói không nhìn thấy khả năng thành công của dự án do những ấu trĩ khi va chạm những vấn đề của hệ thống lớn không được phân tích nghiêm túc. Chúng ta có một ước mơ quá lớn mà lại không hiểu hết những khó khăn của nó. Đề án 112 vượt quá tầm trình độ hành chính của nước ta cũng như quá tầm của những người thực hiện nó. Khi triển khai một việc lớn mà không chuẩn bị kỹ về mọi mặt thì thất bại là chuyện tất yếu".

(Theo Thanh Niên)

Ý kiến của bạn về vấn đề này?

,
,