221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1276772
Dương Thụ viết nhạc để được yêu thương
1
Article
null
Ngày Hòa giải và Yêu thương:
Dương Thụ viết nhạc để được yêu thương
,

-Viết nhạc để được tỏ tình, để được yêu thương? Với tôi đúng là như thế. Đó là lý do duy nhất mà tôi có thể cảm nhận được qua những sáng tác của mình.

TIN LIÊN QUAN

LTS. "Những bài hát đã từng sống trong hàng vạn trái tim người Việt, dù ở thời nào, miền nào, phong cách âm nhạc nào, dù có khác nhau đến mấy về nội dung nhưng nó đều chung nhau ở chữ tình, đó là tình cảm dân tộc, tình quê hương, tình yêu, nó chắc chắn sẽ vượt lên trên thù hận để hòa giải yêu thương..." Đó là chia sẻ của nhạc sĩ Dương Thụ khi ông nhận lời tham gia diễn đàn Câu chuyện thứ Bảy về Ngày Hòa giải và Yêu thương.

Xin các bạn hãy gửi câu chuyện của mình cho chúng tôi theo địa chỉ: hoagiaiyeuthuong@vietnamnet.vn

1.

Mô tả ảnh.
Nhạc sĩ Dương Thụ. Ảnh: Lê Tám

Tại sao tôi lại viết nhạc? Vì giấc mộng trở thành nhạc sĩ? Vì muốn chứng tỏ năng khiếu đặc biệt, muốn khoe tài? Hay vì một điều gì khác nữa? Để trả lời câu hỏi này thì phải trở lại với những sáng tác có ý nghĩa mở đầu.

Có lẽ bài hát mở đầu cho sự nghiệp âm nhạc của tôi là Bài hát ru mùa xuân của hơn bốn mươi năm trước. Nhưng sáng tác đầu tay lại là một bản tình ca rất ngô nghê được viết năm 15 tuổi. Lúc ấy tôi còn rất trẻ, học lớp cuối cấp 2, bỗng dưng đâm mê mẩn một cô cùng lớp, nhưng chỉ là mê thầm, nhớ vụng. Cái bỗng dưng ấy sinh ra cái bỗng dưng khác: một đêm bỗng dưng ôm đàn ti tỉ hát những câu đầu tiên của một bài hát đầu tiên cho một quá trình mình chưa thể ý thức được. Bài hát ê a trong một đêm thì thành, có dạng một lời “tán tỉnh” tỏ tình. Hai câu mở đầu giọng thứ mà lời ca giống như hai câu thơ tứ tuyệt:

Đôi mắt em đen giống hạt huyền
In cả mây trời trong mắt em...

Với bây giờ nó là những câu hát lãng mạn rẻ tiền, nhưng lúc ấy khi viết tôi xúc động lắm. Tôi muốn ngay sáng hôm ấy ôm đàn hát cho nàng nghe (tất nhiên là muốn thôi vì ngay cả lúc giáp mặt ngoài đường tôi cũng giật thót mình và tìm cách lẩn trốn).

Vậy tôi viết nhạc khởi thủy là để tỏ tình? Đúng vậy! Sau nửa thế kỷ viết lách bằng nhiều bài tỏ tình khác (chỉ có điều cái tình mới này nó rộng hơn, trừu tượng hơn) tôi mới cầm chắc được câu trả lời này.

Bài hát ru mùa xuân là một câu chuyện khác. Tôi sống xa mẹ. Thời thơ ấu ở với vú em, chỉ mơ được mẹ bế. Đến tuổi học bậc tiểu học, ít được mẹ gần gũi. Sau 1954, do hoàn cảnh xã hội thay đổi, tôi không được sống gần mẹ, rồi phải tự kiếm sống. Sống lam lũ vất vả, không có ai che chở, không có chỗ nào để dựa dẫm, không có quyền được ốm, không có quyền được nghỉ ngơi và không có quyền được chơi như những bạn cùng tuổi vì nếu ốm, nếu lười biếng mải chơi thì sẽ ra sao đây? Tự nhiên bị lôi cuốn bởi những berceuse (hát ru, một thể tài của thanh nhạc cổ điển) của Mozart, Schubert, Dvorak, Tchaikovsky. Tôi biết mình khao khát cái gì.

Bài hát ru mùa xuân mở đầu cho một loạt những bài hát ru khác được tập hợp trong một album chưa được xuất bản có tên Những bài hát ru của tôi gồm 13 bài. Khi viết thì chẳng nghĩ gì, nhưng có người hỏi tại sao lại viết nhiều bài hát ru như thế, một câu hỏi thật nghiêm túc buộc tôi phải nghĩ. Và tôi đã đi tìm câu trả lời. Có lẽ tôi viết để ru mình, để chìm đắm trong những giấc mơ yêu thương, dịu dàng điều mà trong cuộc đời thật tôi không có.

Viết nhạc để được tỏ tình, để được yêu thương? Với tôi đúng là như thế. Đó là lý do duy nhất mà tôi có thể cảm nhận được qua những sáng tác của mình.
Có lẽ nhu cầu yêu thương là nhu cầu lớn nhất không phải chỉ của tôi, của bạn mà là của tất cả. Nếu không có nó, chắc hẳn loài người đã bị tiêu diệt lâu rồi.

2.
Thù hận, phủ định nhau, cùng với đó là sự chia cắt đã tàn phá đất nước này trong nhiều thế kỷ. Cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước thắng lợi đã chấm dứt vĩnh viễn sự chia cắt đau đớn do ngoại bang gây ra, chính nghĩa đã thắng bạo tàn, nhưng lòng người chưa dễ bề hàn gắn.

Khi tôi viết kịch bản và biên tập cho chương trình Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam (chương trình này diễn ra trong ba đêm tại Nhà Hát Lớn Hà Nội vào cuối tháng 4 năm 1994 do tôi làm tổng đạo diễn) tôi ý thức được rằng đã đến lúc chúng ta nên về “ngồi bên nhau để hát tình ca” bởi âm nhạc chính là sự hòa giải tốt nhất. Ngoài những thành tựu nổi bật của âm nhạc Cách mạng, tôi đã chọn đưa vào những tuyệt phẩm của âm nhạc tiền chiến, nhạc lãng mạn trong vùng tạm chiếm (ta thường gọi là nhạc vàng), nhạc bình dân Sài Gòn trước 1975 (ta thường gọi là nhạc sến), nhạc Việt thời hậu chiến (gồm cả nhạc trong nước và nhạc hải ngọai).

Những bài hát đã từng sống trong hàng vạn trái tim người Việt, dù ở thời nào, miền nào, phong cách âm nhạc nào, dù có khác nhau đến mấy về nội dung nhưng nó đều chung nhau ở chữ tình, đó là tình cảm dân tộc, tình quê hương, tình yêu, nó chắc chắn sẽ vượt lên trên thù hận để hòa giải yêu thương. Quan điểm này lúc ấy gặp rất nhiều khó khăn. Trong buổi họp báo tại phòng Gương Nhà Hát Lớn trước khi diễn ra chương trình, một nhà báo còn rất trẻ đã chất vấn tôi: “Làm sao chúng ta lại có thể đưa vào chương trình cả những bài hát của những người ở phía bên kia chiến tuyến”. Chiến tranh đã lùi xa hai mươi năm, đất nước đã thống nhất, thế mà trong đầu một người trẻ tuổi vẫn còn chia chiến tuyến, vẫn coi nhạc sĩ sống ở bên kia là địch?!?! Thật đau xót.

Giờ đây, đã 35 năm sau cuộc chiến, những nhạc sĩ, ca sĩ Sài Gòn cũ từ Mỹ đã trở về để hát tình ca trên quê hương mình. Nhạc sĩ Đức Huy, các ca sĩ Lệ Thu, Elvis Phương, Tuấn Ngọc, Ý Lan, Hương Lan v.v. đã trở nên quen thuộc trên các sàn diễn trong nước. Nhạc sĩ Phạm Duy, người có “vấn đề” nhất, người gây cho tôi nhiều rắc rối nhất trong việc xin duyệt bài ( tôi chọn Về Miền Trung của Phạm Duy và dựng cho ca sĩ Lê Dung hát với dàn nhạc Đài Tiếng Nói Việt Nam để đưa vào chương trình Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam, nhưng sau rất nhiều đấu tranh rốt cuộc đành phải để lại) cũng đã trở về. Năm 2009, Công ty Văn hóa Phương Nam làm chương trình cho ông ở Hà Nội, nơi hơn nửa thế kỷ trước ông đã bỏ nó để ra đi.

Trên sân khấu Nhà Hát Lớn, ông xuất hiện với mái tóc bạc phơ của một lãng tử sắp bước sang tuổi 90. Người ta xì xào nhưng người ta chấp nhận để lắng nghe. Cái gì đã làm cho ông trở về với những năm tháng đẹp nhất của đời mình, những năm tháng mà ông đã từng chối bỏ. Cái gì đã khiến ông hòa giải được với những người từ nhiều năm trước vốn không thừa nhận ông? Chính là âm nhạc, là những bản tình ca bất hủ ông viết trong khoảng từ năm 1943 đến 1951 khi ông sống ở Hà Nội và trên chiến khu. Những bản tình ca của Phạm Duy được hát lại hôm nay nổi lên như một biểu tượng của sự hòa giải.

Tôi đã xem phim Đừng đốt của đạo diễn Đặng Nhật Minh và đã không cầm được nước mắt. Cái gì làm cho kẻ thù của nhau trở thành bạn hữu? Đó là khi ta biết sống trong yêu thương. Tôi nghĩ rằng âm nhạc cũng giống như cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm, lời “tỏ tình” của nó, cái khát vọng sống trong yêu thương của nó sẽ hóa giải được tất cả.

TPHCM, những ngày cuối tháng tư năm 2010

  • Nhạc sĩ Dương Thụ

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
Những trang phục Halloween ấn tượng của các ngôi sao
Những trang phục Halloween ấn tượng của các ngôi sao

Siêu mẫu Heidi Klum làm Người Sắt, Meredith Vieira mặc giống Lady Gaga còn vợ chồng nhà Mariah Carey thì thành lính cứu hoả...

Chiêm ngưỡng căn phòng triệu đô của các ngôi sao
Chiêm ngưỡng căn phòng triệu đô của các ngôi sao

Cùng People ghé thăm chốn riêng tư nhất của các ngôi sao nổi tiếng thế giới.

Triệu Vy lấy lại phong độ

"Én nhỏ" hào hứng tham gia buổi chụp hình bìa cho tạp chí ELLE số tháng 10.

Phạm Băng Băng gợi cảm từng centimet

Nữ diễn viên nổi tiếng của màn ảnh hoa ngữ khoe thân hình gợi cảm trong bộ đầm vai trần với những hoạ tiết y chang trên những bình gốm cổ Trung Hoa.

,
,
,