221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1294689
Tăng viện phí: Có tăng chất lượng, giảm tiêu cực?
1
Article
null
Tăng viện phí: Có tăng chất lượng, giảm tiêu cực?
,

– Gần 2 tuần sau khi thông tin viện phí sẽ tăng từ 7 đến 10 lần xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng, ngày 21/7, Bộ Y tế đã “chủ động” tổ chức một buổi gặp mặt báo chí để “trao đổi một số vấn đề liên quan đến dự kiến điều chỉnh mức thu một phần viện phí”.

Cuộc họp báo ngày 21/7 trở nên nóng bỏng với các thông tin liên quan đến cơ cấu tính giá đã hợp lý hay chưa? Lộ trình thực hiện thế nào? Người nghèo sẽ được hỗ trợ ra sao? Quỹ bảo hiểm Y tế sẽ được cân đối theo cách nào để tránh tình trạng âm quỹ trở nên trầm trọng hơn? v..v…

Ngay sau khi cơ quan chức năng khẳng định việc tăng viện phí là “tất yếu, cần thiết” với những lý lẽ cụ thể, có 2 câu hỏi được đặt ra khá nhiều lần là: Việc tăng viện phí có làm chất lượng khám chữa bệnh tăng theo hay không? Việc tăng viện phí đồng thời có làm tiêu cực phí giảm đi không?

Lãnh đạo của Bộ Y tế tỏ ra khá “dè dặt” khi phải trả lời những câu hỏi này.

Không hứa tăng chất lượng dịch vụ y tế

Lý do Bộ Y tế đưa ra, là giá viện phí không quyết định toàn bộ chất lượng dịch vụ y tế, vì “chất lượng dịch vụ y tế còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố”.

Các yếu tố đó cụ thể là: Trình độ chuyên môn của cán bộ y tế, nhà cửa, buồng bệnh, các trang thiết bị y tế phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị; kinh phí đảm bảo các khoản chi để thực hiện các dịch vụ y tế; tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ y tế và sự hợp tác của bệnh nhân cũng như người nhà của họ…

Để cụ thể hóa những yếu tố tác động đến việc tăng chất lượng dịch vụ y tế, Bộ Y tế giải thích thêm: Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế và các địa phương đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến huyện (theo quyết định 47) và các bệnh viện tuyến tỉnh (theo quyết định 930).

Mô tả ảnh.

Tăng viện phí và hàng loạt câu hỏi được đặt ra liên quan đến chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng phục vụ người bệnh (Ảnh minh họa: C.Q)

Bộ Y tế cũng đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng phục vụ như tăng cường công tác đào tạo cử tuyển, đào tạo có địa chỉ, đào tạo liên tục về chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao trình độ cán bộ y tế, thực hiện luân phiên cán bộ cho tuyến dưới, phát động các chương trình nâng cao chất lượng khám chữa bệnh các tuyến để mang đến sự hài lòng cho người bệnh…

Từ tất cả những lý lẽ này, Bộ Y tế đi đến kết luận: ”Cùng với việc điều chỉnh giá viện phí của một số loại dịch vụ, các bệnh viện sẽ có thêm một phần kinh phí để đảm bảo tốt các hoạt động và thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế”.

Tuy nhiên, kết luận này của Bộ Y tế có vẻ khó thuyết phục người bệnh. Người bệnh có thể chấp nhận việc tăng viện phí một cách hợp lý (trong bối cảnh giá viện phí đã dậm chân tại chỗ suốt 15 năm qua), nhưng họ cũng có quyền đòi hỏi ngược lại ở ngành y tế mức đáp ứng tương xứng về chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ.

Bộ Y tế có thể cho rằng chất lượng phục vụ, dịch vụ y tế không phải ngày một ngày hai là đạt được ngay. Tuy nhiên, cần lưu ý là những giải pháp trên không phải lần đầu được Bộ Y tế nêu ra. Trên thực tế, ngành y từ lâu cũng đã và đang phải đau đầu, loay hoay tìm cách biến những giải pháp trên thành những thành quả có thể nhìn thấy trên thực tế. Thế nhưng, theo thống kê được công bố vào cuối năm 2009 của Ngân hàng thế giới, vẫn có tới 50% dân số Việt Nam không hài lòng với dịch vụ y tế!

Không hứa giảm tiêu cực

Còn nhớ, tại buổi Đối thoại về chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế được tổ chức vào cuối tháng 11/2009, trước nhiều chuyên gia y tế nước ngoài, lãnh đạo ngành y tế Việt Nam tỏ ra đồng tình với ý kiến của PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức: “Nếu tiền Nhà nước nuôi người ta đủ sống bằng đồng lương thì sẽ không ai có tiêu cực. Y tá, điều dưỡng mà lương 6, 7 triệu đồng thì sướng vô cùng, chẳng ai tiêu cực hết".

Mô tả ảnh.

Từ việc tăng viện phí, nhiều người dân đặt ra dấu chấm hỏi về việc liệu tiêu cực có giảm, y đức có tăng, bác sỹ có hết lòng và coi người bệnh như người nhà theo đúng phương châm mà Bộ Y tế đưa ra? (Ảnh minh họa: C.Q)

Trở lại với việc tăng giá viện phí lần này, nhiều ý kiến đặt ra đã xoáy sâu vào khía cạnh: Nếu tăng giá viện phí, liệu tiêu cực trong ngành y tế (cụ thể là nạn “phong bì” lót tay), có giảm hay không? Sở dĩ khía cạnh này đặc biệt được quan tâm vì nó đang gây nhiều bức xúc thường trực trong dư luận xã hội và một trong những lý do hay được lãnh đạo ngành y đưa ra giải thích cho việc này là “lương cán bộ y tế thấp”, dù họ được đào tạo vất vả hơn hẳn những ngành khác.

Trước câu hỏi này, ông Lê Cảnh Nhạc, Tổng biên tập Báo Gia đình&Xã hội, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, người dẫn dắt buổi họp báo diễn ra vào ngày 21/7, đã phân trần: “Tiêu cực phí trong ngành y là thực tế nhưng đây lại là vấn đề liên quan đến đạo đức làm người, đạo đức người thầy thuốc...“.

Chính vì yếu tố này mà việc tăng viện phí không có nghĩa là nhất định sẽ giảm được tiêu cực trong ngành y!

Một trong những giải pháp mà Bộ Y tế đưa ra là “Tăng cường giáo dục y đức cho người thầy thuốc”. Tuy nhiên, cũng giống như bài toán đối với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bài toán y đức đã dược đặt ra từ lâu nhưng những hiệu quả thực tế thì vẫn chưa thấy có gì đáng kể, vì chưa đi vào thực chất của vấn đề. Cũng như bài toán nan giải là quá tải, nằm ghép 2-3 người/giường, không thể thực hiện “chữa bệnh từ ngọn” là kê thêm giường, thu gọn khu vực hành chính là giải quyết được vấn đề.

Thực chất chất lượng các hoạt động của bệnh viện không phải chỉ là vấn đề viện phí

“Dự thảo tăng viện phí của ngành Y tế chỉ mới đề cập một mặt của vấn đề: khoản thu của bệnh viện so với mức thu viện phí đã ban hành năm 1995.

Đúng mức này có lạc hậu so với mặt bằng giá hiện nay. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tại một số BV lớn ở TP.HCM đã "điều chỉnh" giá khám bệnh lên từ 20.000 - 30.000 đ/lần khám, và các giá viện phí khác cũng đã tăng theo (Bộ Y Tế có biết không?) và người bệnh cũng đã phải thanh toán cho phần chênh lệch này; như vậy phần nào vấn đề viện phí thấp, lạc hậu cũng đã được giải quyết.

Thế nhưng, mặt còn lại của BV là công tác khám chữa bệnh có được cải thiện không? Khi mà bên cạnh nhiệm vụ được giao, các BV giờ đây khi thực hiện chủ trương xã hội hóa, đã phát sinh mảng hoạt động dịch vụ, theo yêu cầu (?), chọn bác sỹ (?), gọi điện thoại hẹn giờ khám...; Và các bệnh viện tập trung cho mảng này nhiều hơn, để tăng doanh số (tăng thu nhập), mau khấu hao máy móc trang thiết bị... Người bệnh được gì? Để không phải chen chúc, chờ đợi quá lâu... họ đã chọn giải pháp: khám dịch vụ (trong giờ), nhưng chất lượng có tốt hơn không?

Thực chất về chất lượng các hoạt động của bệnh viện không phải chỉ là vấn đề viện phí. Phải có một cuộc mổ xẻ, đánh giá đúng về bản chất vấn đề; để rồi có một định hướng cải cách một cách toàn diện với những bước đi thích hợp với hoàn cảnh xã hội, đất nước mà thu nhập của đại bộ phận người dân vẫn còn thấp”.

Ý kiến của bạn đọc Bá Kiên (trên báo Sài Gòn Tiếp Thị)

  • Cẩm Quyên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,