221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1315729
Bệnh nhân cũng “làm hư” bác sỹ?
1
Article
null
Bệnh nhân cũng “làm hư” bác sỹ?
,

Dư luận đã quen thuộc với câu chuyện phải "lót tay" cho bác sỹ, không "lót tay" là bác sỹ không "nhiệt tình", thậm chí nhiều người đi viện còn khẳng định bác sỹ chủ động "gợi ý" để được nhận "phong bì" cảm ơn. Ở chiều ngược lại, nhiều bác sỹ và lãnh đạo bệnh viện cho rằng trong nhiều trường hợp chính bệnh nhân đã "làm hư" bác sỹ bởi lúc nào cũng mang nặng tâm lý từ trước khi vào viện là "phải có tiền thì bác sỹ mới khám".

Bệnh nhân khóc lóc đòi gặp để “cảm ơn”

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) kể lại một câu chuyện mà chính ông là người trong cuộc: Cách đây không lâu, có một bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh khá nặng, tâm lý khá hoang mang lo lắng bởi sau khi đã đi khá nhiều nơi nhưng tình trạng không được cải thiện. Khi tới bệnh viện của ông, chính ông là người tiếp nhận ca bệnh này và đã điều trị thành công.

Sau khi mổ xong, bệnh nhân được ra viện, khi sức khỏe hồi phục cũng là lúc bệnh nhân và người nhà tìm đến viện để “cảm ơn” ông. Tuy nhiên, ông nhất quyết từ chối.

"Bà cụ cùng người nhà ngồi hàng giờ đồng hồ ngoài cửa phòng làm việc để đợi tôi. Khi tôi về phòng thì họ lập tức đứng dậy đòi đi theo tôi vào phòng để được gặp nhưng tôi vẫn nhất định không tiếp, dù chỉ một giây một phút”, Giám đốc Quyết kể lại.

Sau đó, bà cụ và người nhà vẫn kiên nhẫn đợi, thậm chí đứng khóc lóc ngoài cửa đòi gặp nhưng cuối cùng vẫn không thành, đành ngậm ngùi quay về.

 

Mô tả ảnh.
Bệnh nhân đã "làm hư" bác sỹ bởi lúc nào cũng mang nặng tâm lý từ trước khi vào viện là "phải có tiền thì bác sỹ mới khám"?

“Người bệnh có cảm ơn hay không thì chúng tôi vẫn phải làm hết trách nhiệm của mình để đạt hiệu quả cao nhất có thể. Chúng tôi làm tốt không phải để hy vọng sau đó bệnh nhân cảm ơn mình, dù bằng hình thức nào đi chăng nữa”, ông Quyết chia sẻ.

Ông Quyết cũng khẳng định chuyện bác sỹ “vòi tiền” của bệnh nhân là có thật nhưng không phải phổ biến. “Trong ngành y tế Việt Nam có hàng vạn người không nhận một cái phong bì nào nhưng vẫn làm tốt công việc của mình, họ vẫn sống tốt bằng đồng lương chân chính do nghề nghiệp của mình mang lại. Những người “vòi vĩnh” phong bì là có thật, song đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” trong ngành y tế mà thôi”, ông nhấn mạnh.

Theo ông Quyết, những thầy thuốc làm nghề đúng mực khi nghe những việc này (vòi vĩnh phong bao của bệnh nhân) thì họ tức lắm. Có người còn nói tôi làm Giám đốc bệnh viện Việt Đức, đi mổ xẻ liên miên, thu nhập một tháng chắc phải đến cả trăm triệu. Nghe vậy là tôi bức xúc lắm. Tôi làm nghề vì cái tâm của tôi. Đối với tôi, thu nhập 10 triệu/tháng đã là quá to rồi”,  ông Quyết thẳng thắn.

Tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, ông Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết ông vừa tiếp một sản phụ trẻ có những thắc mắc, bức xúc về việc xử lý thao tác chuyên môn của bác sỹ.

Sau khi giải quyết xong các thắc mắc về chuyên môn thì bệnh nhân này quay sang câu chuyện không được bác sỹ chăm sóc chu đáo tận tình.

“Bệnh nhân nói với tôi là vì lo sợ không được chăm sóc chu đáo tận tình nên đã bảo người nhà chuyển tiền vào bên trong để “lót tay” cho bác sỹ, xong bác sỹ không nhận. Thực chất là bệnh nhân có đưa hay không thì bác sỹ cũng không thể làm ngơ được. Tính mạng, sức khỏe của người bệnh đã được trao vào tay họ là họ phải làm hết mình. Đây là đạo đức nghề nghiệp”, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương nói.

Tồn tại những hiểu lầm về thái độ bác sỹ

Có không ít bác sỹ, kể cả người có tuổi nghề tương đối cao, cũng nhiều khi tỏ ra “ngạc nhiên” vì “thói quen” đưa phong bì của bệnh nhân.

Có khá nhiều người quen khi đến bệnh viện đều nhờ vả những người làm trong bệnh viện để quá trình khám, chữa bệnh được thuận lợi (được khám sớm hơn, thái độ tận tình hơn). Đến khi ra viện, bệnh nhân vẫn một mực đưa phong bì nhờ người quen đưa lại cho bác sỹ để cảm ơn.

Theo ông Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc bệnh viện Việt Đức, thì chúng ta cần nhìn nhận một cách chính xác, công bằng về chuyện phong bì.

“Tại bệnh viện của tôi, nếu bị phát hiện “vòi vĩnh” bệnh nhân rồi mới chăm sóc người bệnh thì bác sỹ đó sẽ bị kỷ luật ngay lập tức và vì thế không có chuyện bác sỹ của bệnh viện Việt Đức “nhũng nhiễu” người bệnh cũng như người nhà của họ. Nhưng nếu bác sĩ chăm sóc tốt cho người bệnh rồi, và chăm sóc một cách “vô tư”, khi họ ra viện, đưa phong bì có khi bác sĩ vẫn lấy. Điều này thì tôi công nhận là có”, ông Quyết nói.

 

Mô tả ảnh.
Theo lãnh đạo các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương, trong thực tế đang tồn tại những hiểu lầm của người bệnh, người nhà người bệnh về thái độ của bác sỹ, điều dưỡng

Hiện nay, theo lãnh đạo các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương, trong thực tế đang tồn tại những hiểu lầm của người bệnh, người nhà người bệnh về thái độ của bác sỹ, điều dưỡng.

Trong bối cảnh bệnh viện luôn quá tải, bác sỹ và điều dưỡng luôn làm việc hết công suất, lại thường xuyên phải tiếp xúc với những đối tượng đang trong trạng thái bất ổn về tâm lý (bệnh nhân, người nhà lo lắng) nên bác sỹ khó có thể nói cười hòa nhã suốt cả ngày. Hơn nữa, trong một ngày, tiếp xúc với quá nhiều người, trả lời quá nhiều câu hỏi (người bệnh thường hay thắc mắc vì rất muốn biết rõ về tình trạng của mình) khiến cho bác sỹ rơi vào trạng thái bực bội, khó chịu.

“Chúng tôi cũng đã không ít lần nói với bệnh nhân rằng có thể khi hỏi mà không được bác sỹ trả lời, hoặc trả lời mà không cặn kẽ khiến họ bức xúc. Điều này chứng tỏ bác sỹ cũng có điều chưa tốt khi thực hiện công việc của mình, và chúng tôi cũng phải nhận lối. Song tôi cũng luôn luôn nói rằng bác sỹ rất cần và rất mong được bệnh nhân thông cảm, chia sẻ. Họ làm việc với cường độ cao như vậy, chỉ riêng tập trung vào chuyên môn thôi cũng đã đủ để khiến họ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng rồi”, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Trung ương Vũ Bá Quyết nói.

Trong điều kiện nhân lực y tế thiếu hụt, lại phải giải quyết cả một lượng công việc lớn do bệnh viện luôn quá tải, có thể người bệnh phải chờ đợi lâu mới đến lượt mình được khám, được chăm sóc. “Rất mong người bệnh, người nhà hiểu rằng như thế không có nghĩa là bác sỹ “làm khó”, bác sỹ “gây sự” để người bệnh phải chủ động đưa phong bì. Đây là do đặc thù công việc tại các bệnh viện tuyến trung ương”, PGS Nguyễn Tiến Quyết bày tỏ.

Từ những hiểu lầm này mà nhiều người bệnh đã “chủ động” đưa phong bì cho bác sỹ. “Có những người ban đầu không nhận, nhưng đưa nhiều ắt có lần sẽ nhận (nhất là khi bệnh nhân cứ khăng khăng bắt bác sỹ phải nhận cho bằng được). Lâu dần việc này sẽ thành “thói quen” và như thế chẳng phải bệnh nhân làm hư bác sỹ hay sao?”, ông Quyết nói.

  • Ngọc Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,