221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1318308
"Luật giời cũng không giải quyết được giao thông Hà Nội"
1
Article
null
'Luật giời cũng không giải quyết được giao thông Hà Nội'
,

- Sau khi Ủy ban Pháp luật "bác" hàng loạt cơ chế đặc thù cho Thủ đô, các đại biểu tại phiên họp tổ thảo luận dự thảo Luật Thủ đô sáng 6/11 tiếp tục không đồng tình với những cơ chế này, bởi sự dàn trải, không bảo đảm tính thống nhất của pháp luật khi mâu thuẫn với Hiến pháp và nhiều đạo luật khác.

"Đâu cũng là Thủ đô cả"

Nói như ĐB Tất Thành Cang (TP.HCM), "đọc luật này sẽ thấy công dân thường trú tại Thủ đô là công dân loại một, còn ở nơi khác là loại khác, chưa kể lãnh đạo ở đây nhàn quá, không phải làm gì vì người khác lo hết rồi". Theo ông Cang, luật này phải tập trung xây dựng cơ quan đầu não về chính trị của cả nước để đối nội, đối ngoại, chứ không thể dàn trải "cái gì cũng nhất".

Mô tả ảnh.
ĐB Nguyễn Lân Dũng (phải): "Luật giời cũng không giải quyết được giao thông Hà Nội". Ảnh: Lê Anh Dũng

ĐB Nguyễn Văn Chiến (Bắc Ninh), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thì khẳng định Luật Thủ đô phải là luật đặc thù, chỉ cần một số điều, trong khi dự thảo của ta chưa xác định được đặc thù, đến cả mục tiêu đặt ra trong dự thảo luật cũng chẳng phải mục tiêu của một thủ đô. "Bố cục của luật hơi giống với Pháp lệnh Thủ đô cách đây 10 năm, chỉ phóng đại hơn một tí", bà Khánh "thành thật".

Trong khi ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) gợi ý Hà Nội nên là đầu não về chính trị, về lịch sử - văn hóa (hội tụ các biểu tượng quốc gia), nhưng dự thảo luật lại chưa thể hiện được, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) lại e ngại nếu luật ban hành như thế này thì "các đô thị khác cũng là thủ đô cả" vì các chính sách đưa ra chỉ là quy định về đô thị, chưa làm thủ đô khác các đô thị khác, "có chăng chỉ là được ngân sách nhiều hơn".

Điều khoản bị phản ứng nhiều nhất là việc Thủ đô "đòi" giữ lại toàn bộ khoản thu ngân sách trung ương vượt dự toán hàng năm để đầu tư xây dựng, phát triển, bởi "không thể bắt cả nước vì Thủ đô nhưng thủ đô lại không vì cả nước".

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) so sánh TP.HCM và Hà Nội như những người anh cả trong một gia đình, "nếu không có sự đóng góp lên trung ương để điều tiết thì không thể gọi là một đất nước".

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng cho rằng các chính quyền địa phương khi có nguồn thu lớn thì đừng nghĩ đó là của mình, mà là nguồn lực và sự ưu tiên của cả nước "Nếu chính quyền địa phương nào khẳng định mình giỏi thì mời lên Tây Nguyên hay vào đồng bằng sông Cửu Long xem có làm giàu được không?", ông Thuận chất vấn.

Đề nghị không thông qua thời điểm này

Ngậm ngùi nhắc lại chuyện Quốc hội đã "vội vàng" biểu quyết thông qua việc mở rộng Hà Nội, để bây giờ tất cả cùng chứng kiến một thủ đô lộn xộn cả cơ sở vật chất lẫn tinh thần, ĐB Nguyễn Lân Dũng đề nghị không ra Luật Thủ đô vào lúc này.

Theo ông, "có ra luật giời cũng không giải quyết được giao thông Hà Nội, không tìm được sự thanh lịch Hà Nội, không giải quyết được chuyện phải ăn sạch ở Hà Nội. Người nước ngoài 3 cậu uống chung một cốc nước mía ở vỉa hè Hà Nội thì cả 3 đều đau bụng, còn mình có uống 3 cốc cũng chẳng sao, là vì quen rồi".

Mô tả ảnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trao đổi với Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo giờ giải lao phiên họp tổ. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đề xuất của ĐB Nguyễn Lân Dũng nhận được sự đồng tình của ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh), H’Luộc Ntơr (Đắk Lắk)... ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) ví von việc vội vàng thông qua Luật Thủ đô ở thời điểm này giống như "khép lại vấn đề vốn đã bộn bề" khi mở rộng Hà Nội. Theo ông, không thể ra luật chỉ để giải quyết cơ chế chính sách ưu tiên cho Thủ đô, tạo ra một vương quốc riêng. "Nếu thông qua luật ở thời điểm này, y như dự thảo này thì Thủ đô lộn xộn hơn, tắc đường hơn, vì người dân các nơi khác càng về Thủ đô nhiều, thấy được ưu tiên nhiều quá".

Ngay cả khi Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng lên tiếng đề nghị tổ đại biểu Quảng Nam - Hưng Yên - Trà Vinh - Đắk Lắk chung sức để sửa lại Luật Thủ đô tập trung đúng những nhóm chính sách cần thiết, ĐB Nguyễn Lân Dũng vẫn khẳng khái: "Đề ra mấy yêu cầu đó mà thảo luận không ra thì cũng không thông qua được".

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: Không phải Hà Nội đòi bộ luật riêng

Báo cáo thẩm tra của Quốc hội đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết, hướng tới tìm ra cách tối ưu để làm được Luật Thủ đô, chứ sự cần thiết thì rõ rồi. Lần này QH cho ý kiến, chúng tôi lắng nghe để chỉnh lại cho tốt. Cố gắng đưa ra một số chính sách có tính chất đặc thù để Hà Nội khắc phục những tồn tại, bất cập, huy động nguồn lực để phát triển của Thủ đô, qua đó đóng góp vào việc xây dựng đô thị nói chung. Chứ không phải Hà Nội đòi một bộ luật riêng.

Bản thân Thủ đô đã là đặc thù, những việc duy nhất Hà Nội phải làm: an ninh, chính trị, bộ mặt quốc gia đòi hỏi cao hơn các nơi khác. Đặc thù nhưng phải hợp hiến, hợp pháp. Nâng cao quyền hạn nhưng cũng nâng cao cả trách nhiệm. Đề ra luật phải cố gắng thực hiện.

Khó nhất là cơ chế chính sách phải cụ thể. Nhưng cụ thể thì vướng vào luật, nghị định, các ngành không đồng thuận, dẫn đến không cụ thể hóa được, chỉ còn là luật khung, chỉ là đi sâu hoặc cụ thể hóa Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị.

  • K.Linh - T.Chung - C.Nhật

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,