- Trong một nghiên cứu độc lập, quy mô nhỏ, chuyên gia Thụy Điển cho hay tham nhũng trong đất đai ở Việt Nam khiến người dân có xu hướng “đi bên trái”, trả thêm tiền để được việc.
Trước thềm cuộc Đối thoại lần thứ 8 về phòng chống tham nhũng, Đại sứ quán Thụy Điển cùng Tổ chức Minh bạch quốc tế, các nhà tài trợ: Đan Mạch, UNDP, Ngân hàng Thế giới tổ chức bàn tròn về củng cố sự minh bạch trong quản lý đất đai ở Việt Nam hôm nay (18/11) tại Hà Nội.
Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam vừa thực hiện một báo cáo có quy mô nhỏ, mang tính chất độc lập phục vụ cho cuộc Đối thoại.
Báo cáo cung cấp một góc nhìn về các hành vi tham nhũng thường xảy ra trong lĩnh vực đất đai, cách thức người dân “bình thường”, bao gồm cả nam giới và nữ giới, đối mặt với hành vi này. Địa bàn khảo sát là Hà Nội, TP.HCM và Bắc Ninh.
Một trong những kết luận của báo cáo, đó là tình trạng tham nhũng trong đất đai làm giảm lòng tin của công dân vào hệ thống công và làm tăng động cơ giải quyết các tranh chấp ngoài khuôn khổ pháp lý chính thức.
Bí thư Elsa Hastad |
Chỉ 1% thỏa mãn giải quyết tranh chấp
Bí thư Elsa Hastad: Chúng ta đều đồng tình rằng tham nhũng là điều tồi tệ đối với người dân, xã hội, Chính phủ, làm tổn thương người nghèo. Trong lĩnh vực đất đai, chúng ta đặt câu hỏi: có hay không tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực này ở Việt Nam và câu trả lời là có. Vậy nó diễn ra ở đâu?
Một trong những khía cạnh mà báo cáo đề cập là việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất. Người dân thường chấp nhận trả một khoản phí không chính thức để được giải quyết thủ tục nhanh chóng khi đi xin giấy này.
Liên quan đến khía cạnh giới, ở nông thôn, chỉ 35% giấy chứng nhận ghi tên đầy đủ cả vợ và chồng. Luật pháp trước đây không thừa nhận việc ghi tên đầy đủ cả vợ và chồng, sau này khi luật sửa đổi buộc ghi cả tên vợ và chồng, phụ nữ đều quan tâm và muốn quyền lợi được đảm bảo đầy đủ.
Nỗ lực để đạt được điều đó có thể bằng cách chi những khoản không chính thức để cơ quan công quyền đảm bảo việc này. Tôi muốn nhấn mạnh một thực trạng chung đó là Việt Nam có khuôn khổ pháp lý trong các lĩnh vực rất tốt, luật pháp đầy đủ song trở ngại chính là chưa thể đảm bảo thực thi pháp luật tốt nhất.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, có đến 90% tranh chấp, khiếu kiện, tố cáo ở tòa liên quan đến đất đai nhưng chỉ 1% thỏa mãn với kết quả giải quyết tranh chấp. Lòng tin của người dân giảm và chừng nào họ còn chưa thỏa mãn, họ sẽ tìm cách giải quyết các tranh chấp ngoài khuôn khổ pháp lý chính thức.
“Đi bên trái”
Để nhanh chóng, không bị làm chậm lại, người ta có xu hướng “đi bên trái”. |
Điều báo cáo ghi nhận, đó là mỗi khi đến cơ quan công quyền giải quyết vấn đề đất đai, không chỉ là làm giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, mà cả mua bán, các vấn đề đất đai… thường để suôn sẻ, nhanh chóng, không bị làm chậm lại, người ta có xu hướng “đi bên trái”, tức không theo quy định chuẩn mực. Và cách đó là trả một khoản phí không chính thức như đề cập trên.
Việt Nam có một hệ thống các quy định pháp lý tiến bộ và phổ quát nhấn mạnh các quyền tiếp cận bình đẳng đối với đất đai giữa phụ nữ và nam giới. Nhưng dù khung pháp lý chính thức nhấn mạnh việc thừa kế bình đẳng nhưng trong các gia đình, với truyền thống kế thừa phụ hệ, đất đai thường được truyền từ cha sang con trai.
Hay ví dụ khác như các hộ gia đình do dự đăng ký tên của cả vợ và chồng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản gắn liền với đất, điều mà sẽ cho người vợ các quyền chính thức liên quan đến đất đai.
Nhiều phụ nữ được phỏng vấn nói họ tin tưởng ở chồng họ. Nhưng vấn đề có thể xảy ra tranh chấp trong những tình huống như phá sản, li dị... Và một trong những tác động của tham nhũng có thể là hộ gia đình có khả năng ít đi đăng ký cấp lại giấy chứng nhận quyền sở hữu đất với cả tên vợ và chồng nếu điều này làm phát sinh thêm chi phí.
Một trong những kết luận khác liên quan đến quá trình thu hồi đất. Mặc dù có những khó khăn trong việc xác minh liệu có hay không tham nhũng trong quá trình thu hồi, mức đền bù thấp là một trong những vấn đề được đề cập nhiều nhất.
Các hình thức tham nhũng trong quá trình thu hồi đất tác động trực tiếp đến các hộ gia đình thông qua việc làm giảm tổng số tiền được đền bù. Mức bồi thường thấp và chi phí hành chính gồm chính thức và không chính thức cao khiến các hộ gia đình nghèo phải dùng đến biện pháp quyết liệt mà đôi khi đẩy họ lâm vào tình cảnh nghèo hơn.
-
Linh Thư