(VietNamNet) - Tìm chọn và hỗ trợ tài chính cho những thí sinh có khả năng theo học tại các trường đại học lớn là con đường của rất nhiều quỹ học bổng. Nhưng, có một cách làm khác, tiết kiệm và hiệu quả hơn, là tiến cử những người xuất sắc, để lấy tiền trực tiếp từ trường cho việc học. Trao đổi với ông Phạm Đức Trung Kiên, Giám đốc chương trình VEF.
Ngân sách của VEF mỗi năm là 5 triệu đô la. Số tiền này phần lớn là dành cho chương trình học bổng. Số còn lại được đầu tư vào các chương trình khác như: Các hoạt động hội thảo, hội nghị, và các chương trình giúp Việt Nam phát triển khả năng khoa học và giáo dục.
- Thời gian đầu, VEF thông báo, mỗi năm sẽ cấp 100 suất học bổng. Nhưng, theo thống kê của các đợt tuyển hàng năm thì đều chưa đạt đến con số này. Xin ông cho biết lý do?
- Đó là con số ước ao hoặc dự tính ban đầu không chính xác. Chúng tôi đã nhiều lần cải chính, vì 5 triệu đô la hiện tại không thể tài trợ được thêm 100 nghiên cứu sinh (NCS) mới mỗi năm, cộng với những NCS đã nhận vào từ những năm trước và vẫn đang theo học.
Hiện tại, chúng tôi chỉ dự tính nhận khoảng 40 NCS mỗi năm. Con số này có thể sẽ được tiếp tục điều chỉnh lại tùy theo tình hình ngân sách của những năm tới.
Tài trợ tiền là một phần, chủ yếu là tạo cơ hội
- Như vậy, việc “thắt nút” số lượng học bổng không phải do khả năng thí sinh mà là khả năng tài trợ. Vậy VEF có hình thức hỗ trợ nào với những thí sinh cũng rất tiềm năng nhưng kém may mắn khác không, thưa ông?
- Đúng vậy, thực tế qua các vòng thi, chúng tôi thấy có nhiều thí sinh có khả năng vào được các trường hàng đầu nhưng ngân sách VEF không thể hỗ trợ tất cả. Chúng tôi chỉ có thể tài trợ những trường hợp có điểm thi vấn đáp cao nhất.
Đối với những người có khả năng còn lại, chúng tôi yêu cầu các GS Mỹ viết thư giới thiệu vào các trường mà các em muốn xin học. Thêm vào đó, chúng tôi gửi danh sách các em này đến các trường thuộc “Liên Minh VEF” (VEF Alliance) và yêu cầu các trường này chú ý hỗ trợ các em, nếu được, về tài chính. Chúng tôi tin rằng có nhiều thí sinh tuy không trở thành VEF Fellow nhưng vẫn có khả năng đi học tại các trường bên Mỹ.
- VEF cấp học bổng và sinh hoạt phí cho NCS theo tiêu chí gì?
- Chúng tôi đã ký thoả thuận với các trường hàng đầu tại Mỹ mà các NCS VEF theo học. Sinh hoạt phí của các em sẽ tuỳ thuộc vào mức sống bình thường của các NCS tại đại học, do nhà trường chịu trách nhiệm chi tiền. Nói chung, mức lương hàng tháng của các em bây giờ cao hơn những năm trước khi VEF còn dùng chỉ tiêu địa phương của chương trình Fulbright.
- Cụ thể, mức “lương” trung bình của một VEF Fellow năm nay là bao nhiêu, thưa ông?
- Tôi không có số trung bình chính xác nhưng theo báo cáo thì mức thấp nhất là hơn $1,100 và cao nhất là trên $2,000 một tháng, tuỳ theo địa phương.
Điều quan trọng là mức lương này không phải do VEF qui định, mà do nhà trường qui định để họ nuôi các NCS. Vì tính cạnh tranh cao giữa các trường hàng đầu, mức lương của các NCS luôn phải đầy đủ, vì nếu không thì người giỏi sẽ không vào học tại trường đó.
Chúng tôi đã phải mặc cả rất gắt gao với hơn 100 trường trong Liên Minh VEF để các NCS VEF được hưởng qui chế lương “chính quy” này nhằm tránh sự phân biệt về mức sống cho các em.
NCS tiến sĩ phải được trường trả lương
- Trước đây, VEF công bố sẽ chu cấp toàn bộ (học phí, tiền sách vở và sinh hoạt phí) cho đến khi các NCS hoàn thành chương trình học của mình. Nhưng hiện tại, VEF lại chỉ đài thọ tiền học cho 2 năm đầu. Ông có thể nói rõ hơn về sự thay đổi chính sách học bổng này được không?
- Chính sách vẫn không có gì thay đổi. Chúng tôi vẫn quan niệm và thông báo với các em rằng “tất cả các NCS ngành khoa học và công nghệ ở Mỹ đều phải tham gia vào các công trình nghiên cứu có tài trợ và được trả lương do thầy hướng dẫn hoặc nhà trường cung cấp”.
Đây là quá trình học tiến sĩ rất phổ biến và bình thường tại Mỹ trong các ngành KH và CN. Thậm chí nhiều GS Mỹ còn cho rằng “học tiến sĩ mà phải trả tiền là một chuyện bất thường tại Mỹ” vì các trường hàng đầu thường cho 100% học phí và sinh hoạt phí “mời” các thí sinh có khả năng cao vào trường làm NCS.
Tôi xin nói rõ đây là những trường hợp học tiến sĩ trong các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ tại các trường hàng đầu ở Mỹ. Trong các ngành học khác, tại các trường đẳng cấp khác hoặc tại các quốc gia khác, việc tài trợ cho các NCS có thể rất khác biệt.
- Có nghĩa là VEF ưu tiên hơn cho những người đủ khả năng để được nhận kinh phí từ các trường?
- Đối với các VEF Fellow, vì các NCS Việt Nam chưa có “thương hiệu” như các NCS đến từ ĐH Thanh Hoa, Trung Quốc hay NIIT, Ấn Độ, VEF đã đồng ý gánh chịu phần lớn các phí tổn trong hai năm đầu tại trường. Sau đó, khả năng của các em sẽ được bộc lộ và nhà trường đã ký kết chịu trách nhiệm tài trợ các em như các NCS xuất sắc khác của trường.
Sẽ cố định lịch tuyển sinh VEF
- VEF sẽ giải quyết thế nào trong trường hợp một VEF Fellow xin cấp thêm kinh phí để hoàn thành khoá học?
- Trong trường hợp em nào không được đánh giá cao để hoàn tất bằng tiến sĩ theo quá trình bình thường này, nhà trường sẽ cho em ấy ra trường với bằng thạc sĩ. Chúng tôi hiện tại chưa thấy có khả năng một VEF Fellow nào mà không được trường tài trợ nếu em đó được trường cho học lên tiến sĩ. Do đó, có lẽ chúng tôi sẽ không có trường hợp “cần thêm kinh phí để hoàn thành khoá học tiến sĩ”.
Hiện nay, đã có nhiều VEF Fellows được nhà trường nhận làm NCS theo mô hình trả lương nghiên cứu. Sự thành công của các NCS này sẽ giúp tạo dựng “thương hiệu” NCS Việt Nam tại các trường hàng đầu ở Mỹ và sẽ giúp việc tài trợ các thí sinh Việt Nam được dễ dàng hơn.
Cũng cần nói thêm rằng, trong thời gian thương thảo để thiết lập mô hình nói trên cho “Liên Minh VEF”, chúng tôi đã có thông báo cho Bộ GD-ĐT và làm việc rất chặt chẽ với Viện Hàn lâm Mỹ và Tổ chức các trường sau ĐH tại Mỹ. Đây là hai nhân tố đứng sau hỗ trợ VEF để đưa sinh viên Việt Nam từ từ vào quĩ đạo “học tiến sĩ không tốn tiền” trong các ĐH lớn tại Mỹ.
- VEF có điều kiện gì ràng buộc đối với những NCS nhận học bổng thông qua mình không?
- Điều kiện ràng buộc duy nhất đối với NCS VEF là sau khi hoàn thành chương trình học tập tại Mỹ, họ phải trở về Việt Nam để xây dựng đất nước.
- Quy trình thi tuyển của VEF hiện nay chưa khoa học?
- Trước đây đúng là như vậy nhưng hiện tượng này sẽ chấm dứt. Thực tế, VEF mới bắt đầu hoạt động tại Việt Nam được hơn 2 năm. Trong thời gian đó chúng tôi đã cố gắng tìm tòi để tạo ra một quy trình tuyển sinh hợp lý nhất.
Bắt đầu từ năm nay quy trình tuyển sinh chính thức sẽ được thực hiện theo thời gian biểu cố định. Mọi thông tin chi tiết về quy trình tuyển sinh các bạn có thể tìm thấy trên trang web của chúng tôi www.vef.gov hoặc gọi đến văn phòng VEF tại Hà Nội 04 – 9363670.
Cho kỳ tuyển sinh đi học năm 2006, chúng tôi đã có 1.700 em đăng ký và cuối cùng chỉ có 40 sẽ được học bổng.
Hiện chúng tôi đang nhận đơn trực tiếp trên mạng cho năm 2007. Sau 10 ngày đầu, đã có gần 700 em đăng ký. Thời hạn nhận đơn sẽ kết thúc vào ngày 15/10 năm 2005.
Tôi muốn nói thêm một điều, người giỏi của Việt Nam rất nhiều. Điều quan trọng là phải có phương pháp tuyển chọn để tìm ra đúng người tài. Tôi hy vọng trong tương lai, đa số các NCS chúng tôi tuyển chọn sẽ được nhận trực tiếp vào các chương trình sau đại học hàng đầu của Mỹ mà không cần VEF hỗ trợ nhiều về tài chính. Khi đó, VEF có thể dành tiền để thực hiện thêm nhiều dự án giúp Việt Nam phát triển khoa học và công nghệ trong nước.
- Vâng, xin cảm ơn ông.
-
Hoàng Lê (thực hiện)