Hàng năm, vào tháng 10 – 11, trên đảo Christmas, Australia, người ta lại thấy hàng chục triệu con cua đỏ thực hiện cuộc di cư bí hiểm của mình. Đến nay, các nhà khoa học đã có thể lí giải được nguyên nhân của hành trình này.
Hành trình di cư kỳ lạ của loài cua đỏ trên đảo Christmas, Australia được xem là một trong những bí ẩn lớn suốt thời gian dài. Bởi đây là loài động vật thở bằng mang và chỉ di chuyển trong những khoảng cách ngắn. Do đó, việc hàng chục triệu con cua, cứ tháng 10 – 11 hàng năm lại tiến hành một hành trình vĩ đại về phía biển thực sự khiến các nhà khoa học đau đầu. Mới đây, nhà nghiên cứu Lucy Turner, Đại học Bristol, Anh cùng cộng sự đã tiến hành nghiên cứu và tìm ra được nguyên nhân cho cuộc di cư khổng lồ và đầy khó khăn của loài động vật này.
Cua đỏ và hành trình vĩ đại bí mật đã được giải mã. Ảnh: National Geographic |
Theo National Geographic, Turner và các đồng nghiệp đã lấy mẫu máu của loài cua này và tiến hành phân tích và các nhà khoa học đã phát hiện ra vai trò của hóc môn crustacean hyperglycemic trong việc chi phối hoạt động di cư của loài cua này. Đây là một loại hoóc môn thần kinh đảm nhận vai trò điều chỉnh lượng đường glucose trong cơ thể.
Khi tới mùa mưa cơ thể của cua đỏ tạo ra nhiều crustacean hyperglycemic hơn, do đó, lượng đường glucose cũng tăng cao hơn. Loại đường này có tác dụng tạo ra năng lượng cho cơ thể, chính bởi vậy, loài cua nhỏ bé mới có đủ năng lượng để thực hiện hành trình tìm về với biển để sinh sản và trở về lại rừng sau khi hoàn thành nhiệm vụ duy trì giống nòi.
Số lượng cua đỏ tham gia hành trình di cư về biển có thể lên tới 65 triệu con. Thông thường, chúng phải mất 9 – 18 ngày để đi được quãng đường dài 8km với đoạn đường trung bình là 700m một ngày. Khi đến được biển, những con cua sẽ giao phối trong các hang do con đực đào. Sau khi giao phối cua cái bò ra biển và trứng sẽ nở khi tiếp xúc với nước.
-
Đỗ Hòa