Hàng chục nghìn công nhân đã đổ xuống khắp các đường phố ở châu Á để tham gia cuộc tuần hành hàng năm vào ngày Quốc tế Lao động, đòi tạo việc làm, tăng lương và có điều kiện làm tốt hơn.
TIN BÀI MỚI |
---|
Người lao động Indonesia hô khẩu hiệu trong khi tuần hành (Ảnh AP) |
Khoảng 1.000 công nhân đã tuần hành để phản đối lạm phát và lao động trái phép. Hình ảnh trên truyền hình cáp Hongkong cho thấy, người biểu tình đã lật đổ hàng rào kim loại, ném chúng về phía cảnh sát chống bạo động đội mũ sắt và cầm khiên. Ngoài ra, họ còn ném đá và chai nước không về phía cảnh sát.
Tại những nơi khác ở châu Á, người tham gia tuần hành đều mặc áo phông và đeo khăn, cầm biểu ngữ, hô vang những khẩu hiệu ủng hộ quyền công nhân.
Tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên, các quan chức tới đặt vòng hoa tại tượng nhà sáng lập quá cố.
Ở Manila, Philippines, hàng trăm công nhân đòi tăng lương trong khi cầm biểu ngữ ủng hộ ứng viên của họ ở cuộc bầu cử 10/5 tới. Tổng thống Arroyo tuyên bố, bà đã yêu cầu Bộ trưởng Lao động đẩy nhanh cuộc thương thuyết giữa công đoàn và chủ lao động về tăng lương tối thiểu một ngày lên 75 peso (1,67 USD).
Tại thủ đô của Indonesia, hàng nghìn công nhân mặc áo phông công đoàn màu đỏ, đen và xanh đã diễu hành tới dinh Tổng thống, đi qua các đường phố được 15.000 cảnh sát canh giữ. "Các công nhân đoàn kết, không sa thải", đám đông hô vang.
Nhà tổ chức tuần hành là Bayu Ajie nói, chính phủ đã gây hại cho lợi ích của người Indonesia khi thực thi một loạt chính sách như, thoả thuận tự do thương mại với Trung Quốc, làm ảnh hưởng tới việc làm, giảm lương và khuyến khích tham nhũng.
Tại Seoul, Hàn Quốc, khoảng 20.000 công nhân công đoàn đã dự một cuộc tuần hành hoà bình để đòi điều kiện làm việc tốt hơn.
"Hàn Quốc là nước kỷ lục về thời gian làm việc dài, tỷ lệ tử vong liên quan tới tai nạn công nghiệp cao nhất trong số các quốc gia OECD" Jeong Ho-hee, phát ngôn viên Liên hiệp công đoàn Hàn Quốc nói.
Tại Tokyo, khoảng 32.000 nhân viên và thành viên công đoàn đã tập trung tại công viên Yoyogi, đeo băng trên đầu và giơ cao biểu ngữ đòi an toàn việc làm.
Lãnh đạo Liên minh công đoàn quốc gia Sakuji Daikoku nói, hơn 17 triệu người ở Nhật hiện là công nhân tạm thời hoặc bán thời gian. "Với điều kiện làm việc như vậy thì không có hy vọng hay một tương lai tươi sáng. Hãy tạo nên một sự thay đổi để thiết lập một xã hội, nơi lao động toàn thời gian là phổ biến".
Ở thủ đô Malaysia là Kuala Lumpur, hàng trăm lao động đã tiến hành một cuộc tuần hành hoà bình chống đề xuất đánh thuế 4% với hàng hoá và dịch vụ. "Chúng tôi muốn thuế hàng hoá và dịch vụ được bãi bỏ vì nó là gánh nặng chất lên người nghèo. Chính phủ nên tăng thuế với các công ty", một nhà tổ chức tuần hành nói.
-
Hoài Linh (Theo AP, Nation)