221
450
Bạn đọc
bandocviet
/bandocviet/
1318294
Huyền thoại tình yêu không cần... ngôn ngữ
1
Article
null
Huyền thoại tình yêu không cần... ngôn ngữ
,

Câu chuyện tình yêu, mà cũng không thể gọi là tình yêu được, bởi chị Nguyệt và người đàn ông nửa câm, nửa điếc kia có hiểu được ngôn ngữ của nhau đâu, có nói với nhau được một lời nào đâu… Nhưng, nó là hiện thân mạnh mẽ nhất, của một khát vọng sống kỳ lạ nhất, trong những hoàn cảnh đau đớn mà không ai có thể ngờ tới…

Tôi cứ ám ảnh mãi bởi đôi mắt của người phụ nữ bị liệt nửa người, dáng đi dẹo dọ, chông chênh tưởng như một cơn gió nhẹ cũng có thể đẩy ngã chị… Cả thân hình nhỏ bé ấy được đỡ trên đôi nạng gỗ đã cũ kỹ và ngả màu thời gian. Đôi nạng ấy, nó là đôi chân thứ hai của chị, giúp chị di chuyển trên quãng đường bé nhỏ trong Trung tâm Bảo trợ Xã hội 4 (Trung tâm 4 - Ba Vì - Hà Nội). Ngày ngày, từ căn phòng nhỏ bé của mình, chị nhẫn nại đến thăm đứa con trai đẹp tựa thiên thần - kết quả của một tình yêu vượt qua rào cản ngôn ngữ và bệnh tật, của những người tưởng như đã cạn kiệt niềm yêu sống.

Mô tả ảnh.
Ông Tàu tại trung tâm Bảo trợ xã hội 4, Ba Vì, Hà Nội.

Khát vọng bừng sinh

Người phụ nữ tật nguyền ấy có tên là Nguyễn Thị Nguyệt. Chị Nguyệt quê mãi trên vùng mạn ngược Hòa Bình. Nhà nghèo, bị bệnh tật từ nhỏ, mấy chục năm đằng đẵng chị sống cùng cực và khổ sở bên chiếc nạng gỗ, vì căn bệnh liệt nửa người. Bố mẹ khuất núi, lại thêm căn bệnh lao, chị trở thành "công dân" của Trung tâm Bảo trợ xã hội 4, Ba Vì, Hà Nội.

Căn phòng chị Nguyệt ở nhỏ bé và nằm khuất nẻo ở góc trong cùng của Trung tâm 4. Đấy là khu dành cho những người có bệnh truyền nhiễm, được cách ly để đảm bảo sức khỏe cho mọi người trong Trung tâm. Giữa những người có cùng chung cảnh ngộ khó khăn, bệnh tật và số phận không may mắn, chị Nguyệt sống lặng lẽ và ít nói, hiền lành giản dị như củ khoai, củ sắn. Cả Trung tâm không ai là không biết chị, vì dáng đi dẹo dọ, chông chênh của chị, vì đôi mắt buồn thăm thẳm, gương mặt man mác buồn vì những mặc cảm số phận và bệnh tật…

Tưởng rằng, cuộc sống lặng lẽ của người phụ nữ bất hạnh ấy, sẽ mãi lặng lẽ đến tận những ngày tháng cuối đời, trong Trung tâm Bảo trợ xã hội 4 với những mảnh đời, những số phận bất hạnh, không may mắn như nhau.

Mô tả ảnh.
Người phụ nữ tật nguyền bên "mầm hạnh phúc" Mỹ Khánh Hoài.

Thế nhưng, câu chuyện "động trời" xảy ra vài năm về trước, khiến người ta phải bàng hoàng, về một nghị lực sống mạnh mẽ được thắp lên từ chính người phụ nữ tật nguyền ấy…

Tháng 4/2004, một bé trai bụ bẫm và kháu khỉnh được ra đời. Tất cả các cán bộ, nhân viên trong Trung tâm đều bàng hoàng và bất ngờ… Bất ngờ chưa hết, Trung tâm bị lãnh đạo Sở… khiển trách về công tác quản lý không chặt chẽ, để một người phụ nữ bị liệt "không chồng mà chửa". Nhưng rồi, đứa bé ấy cứ lớn lên, như sứ giả mang hạnh phúc đến với những tâm hồn tưởng như đã héo mòn và tuyệt vọng…

"Tôi bảo, đấy là một khát vọng hết sức chính đáng và đầy nhân văn. Người ta cần tìm kiếm cho mình một đứa con, giống như nuôi một hạt hy vọng… Vậy thì tại sao mình lại không giúp họ vun trồng cái hạt hy vọng ấy…" - Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội 4 xót xa kể lại…

Cuộc "tìm kiếm" cha của đứa trẻ được sinh ra bởi một người đàn bà tật nguyền có lẽ là "câu chuyện" nóng bỏng nhất thời gian đó tại Trung tâm 4. Thế nhưng, các cán bộ ở Trung tâm không phải "mất nhiều" thời gian tìm kiếm, bởi chị Nguyệt đã không giấu giếm người đàn ông đã "gieo mầm sống" trên mảnh đất khô hạn của mình, và đứa trẻ ấy đã được khai sinh, đã được mang họ của người cha mình, với một cái tên không thể đẹp hơn thế: Mỹ Khánh Hoài.

Tuy nhiên, nó sẽ là một việc hết sức bình thường, nếu như người cha của đứa trẻ không phải là một con người, mà với Trung tâm 4, là một trường hợp kỳ lạ… Đó là một người đàn ông câm điếc, đã bước sang quá tuổi 70, và là người duy nhất bất đồng ngôn ngữ với những người sống tại Trung tâm này.

Câu chuyện tình yêu, mà cũng không thể gọi là tình yêu được, bởi chị Nguyệt và người đàn ông nửa câm, nửa điếc kia có hiểu được ngôn ngữ của nhau đâu, có nói với nhau được một lời nào đâu… Nhưng, nó là hiện thân mạnh mẽ nhất, của một khát vọng sống kỳ lạ nhất, trong những hoàn cảnh đau đớn mà không ai có thể ngờ tới…

Người cha của cháu Mỹ Khánh Hoài là một người đàn ông đã hơn 70 tuổi. Ông đến Trung tâm được 5 - 6 năm trời, và cũng trong ngần ấy năm, cả Trung tâm, từ cán bộ đến các thành viên, đều "thống nhất" gọi là… "ông Tàu". Ông Tàu "lạc" đến trung tâm đúng dịp SEA Games 22 diễn ra tại Việt Nam, Hà Nội thực hiện chiến dịch tập trung những người lang thang, những người xin ăn gây ảnh hưởng đến mỹ quan thành phố.

Người ta gặp ông đang lang thang ở vườn hoa Lý Tự Trọng. Hỏi, ông không nói, chỉ ú a ú ớ. Mấy anh Công an thực thi nhiệm vụ bảo với ông Thắng - Giám đốc trung tâm, rằng người này bị câm. Ông Thắng nhất mực không tin, vì ông này nếu câm thì phải điếc. Nhưng "ông Tàu" đâu có điếc. Mang một tờ giấy, cái bút ra cho ông viết, ông viết rặt chữ Tàu. Từ đó, cái tên "ông Tàu" ra đời. Mọi người đều gọi ông như thế…

Ông Tàu dáng vẻ ục ịch, hiền lành ít nói. Ở Trung tâm suốt mấy năm, ông chẳng trò chuyện được với ai vì bất đồng ngôn ngữ. Ngay đến cán bộ trong Trung tâm, hàng ngày xuống tận nơi điều trị cho ông, chỉ "giao tiếp" với nhau bằng ký hiệu. Không đồng ý cái gì, ông phẩy tay, không cho vào… Nhưng được cái, ông vẫn giúp đỡ mọi người, dìu những người già, những người tàn tật… đi lại, hay giặt quần áo, phơi hộ cái quần, khều giúp cái áo treo cao…

Ông rủ rỉ, hiền lành như một hạt cơm. Có những buổi chiều, ông lẩn thẩn ra ngồi ngoài chái nhà, nhìn nắng, nhìn những đám mây trôi về phía núi Tản. Không ai biết ông nghĩ gì. Ngay đến những thông tin về quê quán, hồ sơ của Trung tâm chỉ ghi một dòng chữ duy nhất: họ Mỹ, người Trung Quốc…

Anh Hiếu - cán bộ y tế của Trung tâm cho biết: Ông Tàu mắc bệnh gút. Cứ mùa rét, chân tay ông lại phù lên, sưng tấy. Từ khi vào Trung tâm, cũng không có bất cứ một thông tin gì về người thân bên phía Trung Quốc của ông gửi sang, thành thử, "ông Tàu" nhập hộ khẩu ở Trung tâm, ăn ở với các cụ già người Việt Nam…

Trong số những người mà ông Tàu gần gũi, giúp đỡ, có chị Nguyễn Thị Nguyệt - một người phụ nữ bị liệt, teo một bên hông, người Hoà Bình. Chị Nguyệt nhỏ như một cái kẹo. Việc đi lại của chị đều nhờ vào đôi nạng gỗ. Mỗi lần di chuyển, cái thân hình nhỏ bé và dẹo dọ ấy nó lắc bên này, chao bên kia…

Rồi, những gì xảy ra giữa "ông Tàu" và chị Nguyệt, đến khi cán bộ trung tâm biết đến, thì cái thai trong bụng đã lớn tuổi, không bỏ đi được nữa. Người ta phải mổ người đàn bà bị liệt chỉ còn một bên hông ấy để lấy đứa trẻ ra. Đứa bé lớn lên trong sự kinh ngạc của tất cả mọi người. Nó là câu chuyện kỳ lạ nhất trong suốt hơn 20 năm, kể từ khi Trung tâm Bảo trợ Xã hội 4 ra đời, và cũng là trường hợp duy nhất trong suốt 25 năm công tác tại Trung tâm của Giám đốc Nguyễn Văn Thắng, nhưng cũng đầy nước mắt, đầy xúc động…

Đừng hỏi... vì sao?

Vì câu chuyện kể trên, ông Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Thắng khi đó suýt bị Sở LĐTBXH Hà Nội kỷ luật, vì không quản lý, giám sát bệnh nhân trong trung tâm. Ông Thắng chỉ nói, việc quản lý các đối tượng trong Trung tâm là một việc cực kỳ khó khăn.

Trong hoàn cảnh Trung tâm được phân thành nhiều khu, mỗi khu một đối tượng…, tập trung các cá nhân lại một nơi để nuôi dưỡng, chăm sóc họ đã khó, trong khi các cán bộ của Trung tâm lại cực kỳ ít.

Cái "lỗi" ấy, cũng không thể "đổ tội" cho ca trực, bởi vì khi người ta có mục đích, mà mục đích ấy nó quá con người, quá nhân văn… cũng không thể cấm được. Cuối cùng, ông Thắng bị kiểm điểm sơ sơ. Ông là người đứng lên đấu tranh bảo vệ cho mối tình Việt - Trung ấy một cách quyết liệt nhất, mạnh mẽ nhất…

Căn phòng "ông Tàu" ở rộng chừng chục mét vuông. Phòng toàn các cụ cao tuổi. Các cụ đã yếu quá, mà cụ nào cũng mang trong mình trọng bệnh. Tất cả mọi việc sinh hoạt đều diễn ra ngay tại phòng. Đợt rét đậm cuối năm, căn bệnh của "ông Tàu" lại tái phát. Hai chân ông sưng phù, đỏ tấy, không mặc được quần. Ông vứt bỏ luôn nó đi, rồi cứ tềnh hềnh ra thế cho cán bộ y tá bôi thuốc đỏ, thuốc bóp. Gương mặt ông Tàu nhàu nhĩ, đôi mắt nhập nhèm, đầy nước. Một bên mắt của "ông Tàu" đã hỏng. Trước, ông còn tấp tểnh đi dạo vòng vòng trong Trung tâm. Bây giờ, ông không còn đi được nữa…

Khu nhà nơi chị Nguyệt ở nằm mé cuối cùng, cách khu "ông Tàu" vài trăm mét. Chị Nguyệt mới điều trị lao theo phương pháp DOTS từ bệnh viện tuyến trên về, nên được cách ly để tránh lây lan sang các đối tượng khác.

Cháu bé sinh ra, "ông Tàu" nhất mực khai sinh theo họ cha: Mỹ Khánh Hoài. Của đáng tội, ông Trời run rủi, thương người phụ nữ liệt hai chân ấy. Bé Hoài lớn lên, khoẻ mạnh và đáng yêu như một thiên thần. Mỗi ngày, Hoài như con thoi chạy sang chỗ bố một lát, chạy sang chỗ mẹ một lát… Được các bác, các chú cho quà, nó đều mang về chia cho bố một nửa, chia cho mẹ một nửa. "Chẳng ai dạy đâu, nhưng nó vẫn biết "ông Tàu" là bố, và cũng chẳng tỏ vẻ xa rời bố mẹ tật nguyền, bệnh tật như thế…".

Tôi cứ ám ảnh mãi đôi mắt người đàn bà bị liệt nửa người trong Trung tâm 4 ấy, dẹo dọ trên đôi nạng gỗ, và teo tóp như một chiếc kẹo bé nhỏ. Người phụ nữ bé nhỏ ấy chỉ nhỉnh hơn bé Hoài mới năm tuổi một chút, nhưng trong đôi mắt của chị nhìn con, không chỉ có những âu yếm yêu thương, mà còn chứa chan bao hy vọng, chất chứa. Đó là cái hạt hy vọng mà chị cố gắng gieo mầm. Nó là nguồn sống, là mục đích sống của chị.

Cuộc đời này, thế mới biết còn bao nhiêu điều kỳ lạ. Hạnh phúc bé nhỏ từ những con người tưởng như đã tận diệt đi khát vọng sống, vẫn trỗi dậy, mạnh mẽ. Nó là những đốm lửa làm ấm lòng những số phận, những câu chuyện buồn, ở cái địa chỉ mà như anh Thắng nói, toàn những câu chuyện buồn như nhau, dài như nhau…

(Theo CAND)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,
,
,
,