221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1278627
Đi chợ đất "dã chiến" giữa trung tâm Hà Nội "mới"
1
Article
null
Kỳ 1:
Đi chợ đất 'dã chiến' giữa trung tâm Hà Nội 'mới'
,

- Đi “buôn” đất tại “điểm nóng” Đông Yên (huyện Quốc Oai, HN) sát với đô thị vệ tinh Xuân Mai, PV VietNamNet được chứng kiến cảnh những người dân, vốn dĩ quanh năm chỉ bám với đồng ruộng, nay thông tin về quy hoạch về với vùng Hà Nội mở rộng, họ cũng tự chuyển mình thành những tay “cò” đất nghiệp dư.

Các chợ đất “dã chiến” được hình thành tự phát tổ chức "họp" ngay trên những con đường làng, liên thôn hay ngõ hẻm… Một "phong trào" cắt đất chào bán đang cuốn những nông dân quanh năm chân lấm tay bùn vào cuộc đua tìm cơ hội "giàu xổi" cho dù tương lai chưa biết dẫn tới đâu.

Trên đường nhựa, cạnh cột mốc cây số ghi "Quốc Oai – 9km", một tấm biển xốp được cắm vào với dòng chữ “bán đất”. Một người đàn ông đi chiếc xe Wave cũ kĩ chạy lòng vòng trên con đường thênh thang giữa đồng lúa, gặp chiếc ô tô nào cũng áp sát và hỏi “có mua đất không?”.

Người phụ nữ chăn bò ven ruộng lúa cũng sẽ sàng hỏi khách lạ vào làng “lại mua đất à, ở đây nhiều nhà bán lắm”.

Cảnh tượng này đã trở nên hết sức bình thường tại khu vực xã Đông Yên trong hơn một tháng nay.

Bạ đâu họp đấy!

Từ đường Xuân Mai – Hoà Lạc, rẽ vào cổng làng có dòng chữ “Làng văn hóa Yên Thái”. Trên một con đường đất chạy quanh làng chỉ khoảng 5 - 6 km nhưng nhóm PV VietNamNet liên tiếp đếm được hàng chục chiếc ô tô đắt tiền biển Hà Nội ra vào nườm nượp.

Đứng lại hỏi một người dân bên đường lối vào thôn Đông Hạ, nơi đựơc kháo là đất đang “sốt” rất cao, người thanh niên này nhanh nhảu “Mua đất à, ở đây sắp có cái dự án làm đường chạy từ nghĩa trang liệt sĩ ra đường 21A, ở chỗ này là 400 triệu 1 sào nhé! Đấy là đất trong làng, dải đường này toàn bán mét thôi”.

Mô tả ảnh.

Trong cơn sốt giá đất mới, nhiều người dân xã Đông Yên đã tranh thủ bán đất. Họ không biết tương lai dự án gì sẽ về đây chỉ thấy càng ngày càng nhiều người đến hỏi mua đất.

Đường vào thôn Đông Hạ rộng thênh thang, hai bên đường lúa đang mùa trổ bông xanh rì một màu, hứa hẹn một vụ mùa bội thu cho người nông dân nơi đây. Hỏi chuyện một người phụ nữ chăn bò ở ven đường lối vào Đông Hạ, bà này hồ hởi khoe “Lại mua đất à, ở đây đất đang lên, nhiều nhà bán lắm. Nhà tôi cũng ở trong Đông Hạ, nhưng chưa muốn bán, chờ xem giá cả thế nào đã”.

Đang trò chuyện với người phụ nữ chăn bò thì đột nhiên có một người đàn ông xưng là Trung, đầu đội mũ cối, đeo kính đen đi chiếc xe Wave cũ kĩ áp sát vào xe chúng tôi hỏi xem chúng tôi cần mua đất ở vùng nào.

Cũng như những lần trước, cứ thấy 2-3 người lạ, đi ô tô đến vùng này là anh Trung liền tới hỏi bởi anh biết phần đa số họ đến đây để hỏi mua đất.

Khi biết đất mà người này muốn chỉ nằm ở thôn Yên Thái chứ không phải thôn Đông Hạ như dự định cần tìm, chúng tôi tỏ ý chần chừ không muốn mua. Nghe vậy, dù đang đứng trên đường làng nhưng lập tức thì người đàn ông này lấy ngay giấy bút ra “vẽ” những thông tin về quy hoạch sẽ đến với vùng đất này trong nay mai để thuyết phục chúng tôi.

“Từ đây đi lên đô thị vệ tinh Xuân Mai chỉ có 3 km mà đường thì rất đep rồi. Sẽ có 1 cầu vượt, qua thôn Đông Cấn, cách đây khoảng 2 km. Đây sẽ có cái đường to là cái đường nhựa này đấy. Rồi sẽ có một bệnh viện về đây. Năm ngoái, riêng mặt đường này còn là 68 triệu/ m mặt đường. Năm nay trăm rưỡi, trăm tư. Nó tăng từ Tết đến giờ. Từ Tết đến giờ cứ tằng tằng, mỗi ngày một lên...”, Trung vạch ra như một chuyên gia quy hoạch.

Mảnh đất ở thôn Yên Thái mà người đàn ông tên Trung này muốn rao với chúng tôi có sổ đỏ, diện tích 417m2, đựơc bán với giá 2,1 triệu/m2.

Theo Trung thì sắp tới, ngay gần mảnh đất mà “các anh đến xem là mê luôn ” đó sẽ có một cây cầu vượt chạy qua, rồi sắp tới sẽ mọc thêm một bệnh viện trung tâm, gần đường Láng Hòa Lạc, trông “nó như một thắng cảnh đẹp ấy”.

Chợ đất thời “di động”

Nhất định phải vào được vùng đất “sốt” giá nhất là thôn Đông Hạ, PV VietNamNet từ chối lời mời thăm đất của “cò” đất Trung. Ngay lập tức, anh này rút điện thoại di động ra, gọi cho một người khác tên Vinh ở thôn Đông Hạ, báo có khách. Như thể sợ lạc mất khách, bị “cò” khác cướp mất, Trung tự nguyện dẫn chúng tôi vào thôn Đông Hạ.

Suốt một chặng đường hơn 1km, chúng tôi đếm đựơc đến 5 cuộc điện thoại liên tiếp Trung gọi điện để thông báo tình hình của khách mua đất và dặn dò bên kia tìm mảnh nào, mảnh nào.

Mô tả ảnh.

Người đàn ông làm nghề "ấp trứng" tên Trung gặp chúng tôi liền liên tục giới thiệu về những mảnh đất mà ông ta biết. Phương tiện giao dịch, liên lạc chủ yếu qua điện thoại, trên các đường liên thôn, liên xã, bên những đồng ruộng lúa xanh tốt...

Vào giữa làng, chúng tôi được Trung và một người tên là Vinh dẫn đến một mảnh đất khá vuông vắn dài 25m, rộng 10m, rao với giá tầm 600 triệu.

Theo “cò” Vinh, chủ ngôi nhà này muốn bán đất vì cần tiền xây nhà. Chứ bản thân Vinh cũng đang có đất nhưng còn chờ xem giá cả lên nữa rồi mới bán.

Cảnh báo chúng tôi về việc chậm chân thì đất sẽ tăng, Vinh kể hùng hồn 2 “tấm gương”: “Nhiều người đến đây mua nhưng ít nhà bán. Bởi vì cách đây vài tháng bán mới chỉ vài trăm, giờ cứ tăng lên nên người ta cứ nghe nghe ngóng ngóng xem có bán hay không. Như mặt đường trước kia đất có 68 triệu/m. Giờ là 150 triệu/ 1 m chiều dài. Ngay thằng bạn em cũng vừa lấy mảnh đất to đùng ở ngay mặt đường 21B, trưa nay vừa giao tiền xong.

Cái nhà đối diện nhà máy xát gạo, hôm qua vừa bán 60 triệu/m mặt dài. Sáng nay đã có người xuống lấy 75 triệu/m rồi. Bạn em vào lấy tối qua, định lấy phần còn lại thì đòi 80 triệu. Đất lên từng ngày luôn”.

Trong lúc giới thiệu đất cho chúng tôi, Vinh và Trung liên tục gọi điện để tìm thêm mảnh đất mới cho khách. Ngay sau khi chia tay 2 “cò” đất “mới nổi”, chúng tôi chưa kịp ra khỏi làng, “cò” Vinh đã kịp chạy theo, cho chúng tôi số điện thoại riêng, để nếu có mua đất để “trực tiếp giao dịch luôn”.

Rồi Vinh còn khoe thêm về mối quan hệ anh em với những cán bộ thôn xã (?), thủ tục sẽ nhanh gọn nếu như chúng tôi mua đất.

Mô tả ảnh.

Thấy chúng tôi có vẻ chưa tin về những thông tin quy hoạch sắp sửa về với vùng đất này, mặc dù đang đứng giữa đường làng nhưng Trung liền lấy giấy bút "vẽ" ra các dự án, quy hoạch ở vùng đất này.

2 ngày sau khi từ thôn Đông Hạ trở về Hà Nội, điện thoại của PV VietNamNet nhận đựơc tổng cộng 25 cuộc gọi từ “cò” Vinh để môi giới thêm đất!!!

Người ấp trứng gà trở thành… nhà đầu tư!

Không phải ngẫu nhiên mà tại xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội lại xuất hiện nhiều “cò” đất như thời gian này. Thông tin về Quy hoạch Hà Nội 2030 – 2050 lan ra nhanh chóng sau khi Hà Nội có cuộc triển lãm tham khảo ý kiến người dân những ngày cuối tháng 4 vừa qua.

Người dân đua nhau về các vùng đô thị vệ tinh, vùng lân cận sắp có dự án để đầu tư đất đã khiến cho những người nông dân tại các vùng quê yên ả bị xáo trộn trong cơn lốc “bán đất đổi đời”.

"Cò" Trung có thể kể vanh vách cho chúng tôi tên từng dự án sắp đựơc mở ra dọc tuyến đường Xuân Mai - Hòa Lạc. Anh ta cũng có thể đọc tên chính xác 5 khu đô thị vệ tinh, những khu hành lang xanh, vành đai xanh mà Bản Quy hoạch đã vẽ ra.

Hết đứng giữa đường lấy giấy vẽ quy hoạch đất đai, sợ chúng tôi “quên” các dự án sẽ về đây, Trung còn dùng cả những miếng gạch vỡ vẽ lên nền cổng của ngôi nhà có mảnh đất mà chúng tôi đang xem.

Mô tả ảnh.

Hết vẽ lên giấy, "cò đất" tên Trung tiếp tục thuyết phục chúng tôi mua đất bằng cách dùng gạch vỡ vẽ thông tin quy hoạch, dự án lên nền cổng của ngôi nhà mà anh ta giới thiệu đang cần bán.

Từ 2 người nông dân chuyên buôn trứng gà vịt, làm thêm cả nghề ấp trứng, giờ đây, anh Vinh và anh Trung đã biến thành những tay môi giới đất đai.

Vẫn chất giọng còn ngọng nghịu, lẫn lộn giữa “l” và “n”, nhưng những người nông dân này đã có thể vanh vách từng ngón nghề trong việc môi giới nhà đất.

Trung tiết lộ, trong lúc đi làm môi giới, biết chuyện cơn sốt đất đang lan toả ở khu vực này, Trung còn làm nhà đầu tư đất đai, mua mảnh này, đựơc giá lại bán đi để đầu tư mua mảnh khác để bán tiếp.

“Từ sau Tết đến giờ, tôi lãi đựơc 500 - 700 triệu rồi”, "cò" Trung tiết lộ

Sau những cuộc giao dịch đất đai, Trung trở về với nghề chính bao lâu của mình, nghề ấp trứng gà...

  • Nhóm PV Điều tra
    (còn nữa)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,