221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1274748
Quy hoạch chưa duyệt, giá đất đã lên
1
Article
null
Quy hoạch chưa duyệt, giá đất đã lên
,

- "Mới nghe thông tin sẽ xây đô thị vệ tinh mà giá đất nhiều khu vực đã lên rất cao rồi", ĐB HĐND TP Hà Nội đến từ huyện Sóc Sơn nêu ý kiến tại phiên thảo luận chiều nay (20/4) về Quy hoạch Thủ đô.

Lấy đâu đất xây thị trấn sinh thái?

Nghe xong bản thuyết trình dài ngót nghét gần một tiếng đồng hồ, đại diện cho huyện Sóc Sơn cho rằng, quy hoạch vẫn chưa định lượng được rõ một vấn đề dân quan tâm, đó là tình trạng bố trí sử dụng đất, nhất là ở khu vực 5 đô thị vệ tinh bao quanh Thủ đô cũng như Trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì.

5 đô thị vệ tinh của Hà Nội gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh và Sóc Sơn.

Mô tả ảnh.
Ảnh: Lê Anh Dũng

Trước đó, đại biểu của huyện Phúc Thọ chỉ ra điểm bất cập của kế hoạch biến thị trấn Phúc Thọ thành "thị trấn sinh thái" với lý do hiển nhiên là Phúc Thọ đã hết nhẵn đất, còn lấy đâu ra đất để trồng cây xanh, vườn hoa.

"Chỉ có thể phát triển Vùng đô thị sinh thái lấy thị trấn Phúc Thọ làm hạt nhân", vị này đề xuất.

Đại diện các huyện cũng chỉ ra nhiều điểm "bất hợp lý" trong quy hoạch với hầu hết đề xuất là "mở rộng quy mô" cho địa bàn mình.

Chẳng hạn, ông Hoàng Thanh Vân (Ba Vì) cho rằng, "quy hoạch thị xã Sơn Tây như đề án là chưa tương xứng với văn hóa xứ Đoài".

Theo ông Vân, thị xã Sơn Tây trước kia đã từng là phủ Sơn Tây, là vùng văn hóa, du lịch. Do đó, quy mô vùng này phải được mở rộng xứng đáng.

Ông Nguyễn Văn Thịnh (Gia Lâm) cũng đề xuất, ngoài thị trấn Phù Đổng như dự kiến, thì cả Ninh Hiệp lẫn Bát Tràng đều xứng được "đôn" lên thành thị trấn.

"Trục Thăng Long: Rất vô lý"

Các vị đại biểu HĐND cũng dành thời gian phân tích ưu, nhược của trục đường Thăng Long dự kiến bắt đầu từ Hoàng Quốc Việt, kéo dài 30 km tới chân núi Ba Vì với mục đích "kết nối văn hóa xứ Đoài ở Sơn Tây, Phúc Thọ với văn hóa Thăng Long ở đô thị trung tâm".

Theo thuyết trình, trên trục này chuỗi vành đai 3 dài 3,5 km sẽ quy hoạch các công trình bảo tàng, đài Độc Lập, ghi lại những câu chuyện lịch sử của Thăng Long, xứ Đoài, cũng là khu vui chơi giải trí cho người dân.

Nhưng theo đại biểu Vũ Đức Tân, ý tưởng về trục đường này "rất vô lý", chẳng qua chỉ để nối hai trung tâm hành chính giữa buổi giao thời mà không khả thi và không đi đến đâu.

Tuy nhiên, ông Hoàng Thanh Vân (Ba Vì) lại khẳng định: "Đây là một trục hướng tâm đặc biệt, hướng về núi Ba Vì. Hà Nội nên coi đây là một trục đường quan trọng".

Tại một cuộc họp trước đó, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình cũng đã phân tích: “Nếu để giải quyết vấn đề giao thông thì cần tính tới lâu dài, vì trục Thăng Long so với đường 32 hay đường Láng - Hòa Lạc có những đoạn chỉ cách nhau chưa đầy 3 km, trong khi để xây dựng trục này phải tốn đến 10.000 tỷ đồng”.

Như vậy, làm gì để Hà Nội sẽ không biến thành một "đại công trường" với những ý tưởng khó khả thi là ý nguyện mà HĐND Hà Nội muốn lãnh đạo Bộ Xây dựng giải quyết. Hơn nữa, xử lý ra sao với các dự án đã phê duyệt và với quy hoạch Thủ đô cũ còn là câu hỏi chưa được giải đáp.

Sau phiên lấy ý kiến HĐND Hà Nội hôm nay, bản quy hoạch sẽ tiếp tục được hoàn thiện và gửi Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 sắp tới, trước khi Thủ tướng phê duyệt.

Từ ngày mai (21/4) đến 1/5, Bộ Xây dựng tổ chức triển lãm trưng bày quy hoạch không gian Hà Nội đến năm 2030 và lấy ý kiến đóng góp của người dân tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ.

  • Lê Nhung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,