221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1295970
Những "bóng hồng" trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia
0
Article
null
Bài 2:
Những 'bóng hồng' trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia
,

– Phía sau màn kịch lừa đảo đã được “đạo diễn” William Philip dàn dựng, những cô gái Việt chỉ là “người vận chuyển”. Tiền lừa đảo gửi vào tài khoản đứng tên Vân Duyên lại được chuyển ngay sang tài khoản một cô gái khác. Kịch bản lừa đảo bằng công nghệ cao chưa dừng lại ở sự xuất hiện của hai cô gái mà có sự nhúng tay của tội phạm gốc Phi.

TIN LIÊN QUAN

Lần theo mắt xích đầu tiên.

Thông tin về Nguyễn Thị Vân Duyên và số tài khoản mà chị Phượng gửi tiền là tất cả những gì chúng tôi có để đi tìm những mắt xích trong tổ chức tội phạm công nghệ cao. Nếu Vân Duyên chỉ là cái tên giả do một đường dây tội phạm sản xuất giấy tờ giả tạo ra, cuộc truy tìm chắc chắn đi vào ngõ cụt. Đó là chưa kể, Duyên “lòe” chị Phượng rằng mình là người miền Trung, chi nhánh công ty Swift đang nằm ở Huế. Trong cuộc điện thoại, chị Phượng nghe được cả tiếng phố xá ầm ĩ, còi xe inh ỏi vào giờ cao điểm.

Bất ngờ đã đến, nguồn tin riêng của VietNamNet khẳng định: Vân Duyên là tên thật, sinh năm 1982, quê ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, công an huyện Hàm Tân cho biết, cô gái này đã rời khỏi địa phương gần 2 tháng trước cùng con nhỏ. Sau đó gia đình có xin giấy tạm vắng cho Vân Duyên và nói là cô gái lên quận 12, TP.HCM để sinh con.

Các thông tin tìm được về cô gái là “đại diện của công ty Swift” ngày càng trở nên lạ lẫm với chúng tôi khi thử ráp vào những nghi vấn ban đầu. Lẽ nào người phụ nữ trẻ có thể điều hành một tổ chức lừa đảo khép kín từ Đức đến Việt Nam khi đang bụng mang dạ chửa?

Nhân viên khách sạn M.H dọn dẹp phòng sau khi Vân Duyên đưa con nhỏ bỏ trốn. Ảnh: Quốc Quang

15h chiều ngày 23/7, cơn mưa tầm tã kéo dài từ nội thành đến vùng ven TP.HCM. Chúng tôi tìm ra nơi ở của Vân Duyên - khách sạn M.H nằm bên hông quốc lộ 1A, thuộc địa bàn phường Thới An, quận 12.

Ông Mai Thành Vông, chủ khách sạn xác nhận Vân Duyên đến thuê phòng số 3 của khách sạn ở từ đầu tháng 4/2010, mới chuyển đi ngay trước khi chúng tôi tìm đến 2 ngày. Điều đáng ngạc nhiên là khách sạn M.H không có internet. Một nữ nhân viên khách sạn kể: “Cuộc sống của chị Duyên bi kịch lắm. Vừa chăm con đầu lòng, vừa sinh con thứ 2 nhưng thiếu thốn đủ thứ. Chồng chị Duyên không cho ở phòng máy lạnh mà chỉ đồng ý ở phòng quạt. Cho đến lúc chuyển đi, chị Duyên chưa bao giờ ra khỏi khách sạn”.

Căn phòng nơi Vân Duyên ở chỉ khoảng 12 m2, có phần ẩm thấp, đơn sơ đối với một bà mẹ trẻ chăm 2 con nhỏ. Sổ lưu trú tại khách sạn M.H ghi rõ tên chồng của Vân Duyên: Ere Arinre Prince, sinh năm 1980, thường trú tại số 15 Linca, Onitsha U Wani- thành phố Enugu tây nam Nigeria.

“Anh ta rất keo kiệt, lúc nào cũng mặc cả khi trả tiền khách sạn”, một nhân viên khách sạn cho biết. Vân Duyên thường gọi người này là Tu Fine trong lúc anh ta một mực bắt các nhân viên khách sạn gọi mình là Tharen. Mọi người trong khách sạn khẳng định người đàn ông châu Phi này nói tiếng Việt rất sõi. Cách ngày chuyển đi khoảng 1 tuần, anh ta có trở về trong tình trạng bị chấn thương chảy máu trên đầu và nói “mới đi bar về”.

Chúng tôi quay trở ra, ám ảnh nghi vấn về một người phụ nữ khác đã “đóng vai” Vân Duyên và sử dụng tài khoản của cô gái này. Khi chưa tìm ra câu trả lời, thì hay tin Swift đã kịp tặng cho một nữ nạn nhân khác món "quà lừa" như từng "diễn" với chị Phương. Lần này nạn nhân mất gần 10.000 USD. Và món hàng không bao giờ tới…

Những con tốt trên bàn cờ giấu tướng

Trình bày với VietNamNet, chị N.T.T. Hồng, ngụ phường 22, quận Bình Thạnh tức tưởi cho biết, đã bị một người tên Vân Duyên lừa mất gần 10.000 USD. Mọi thông tin trong trình bày của chị Hồng cũng gần tương tự sự việc xảy ra với chị Phương mà chúng tôi đã đề cập ở kỳ trước.

Theo đó, chị Hồng đã gặp Wiliam Philip trên mạng xã hội Tagged, sau đó là kịch bản chuyển hàng có giấu 10.000 bảng Anh. Không đủ sự tỉnh táo sau lần thứ nhất như chị Phương, chị Hồng đã chuyển tổng cộng 3 lần liên tiếp vào tài khoản đứng tên Vân Duyên tại ngân hàng Đông Á.

Lần cuối cùng, chị Hồng cho biết, có một nam thanh niên nói tiếng Anh xưng là nhân viên công ty Swift yêu cầu chị gửi 5.000 USD vào tài khoản đứng tên Ngô Diệp Tuyết Nhung tại Ngân hàng VietcomBank.

Khách sạn L.H, nơi Khánh Vân, cô gái thế thân cho Vân Duyên có quan hệ mật thiết với ông trùm giấu mặt người Nigeria. Ảnh: Quốc Quang

Chiều ngày 24/7, may mắn đến với nhóm phóng viên VietNamNet khi thông tin về “mắt xích” thứ hai trong phi vụ lừa đảo xuất hiện. Anh H., một người lái xe ôm trước khách sạn M.H, nơi Vân Duyên và gã đàn ông người Nigeria sinh sống cho biết, có lần anh ta chở Tharen (tên thường gọi- PV) từ khách sạn M.H sang khách sạn L.H, số 105 Lê Văn Khương, phường Hiệp Thành, quận 12.

Chúng tôi tìm đến, quản lý khách sạn L.H xác nhận người đàn ông tên Tharen thường đến gặp và ngủ lại qua đêm với cô gái có tên Lưu Thị Khánh Vân, sinh năm 1987, ngụ quận 12. Một lần, nhân viên khách sạn trong lúc dọn phòng tình cờ nghe thấy Khánh Vân xưng tên Vân Duyên qua điện thoại với ai đó và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản.

Như vậy, Vân Duyên chỉ là cái tên thế thân trong lúc Khánh Vân là người đã trực tiếp gọi điện cho chị Phương, chị Hồng. Vai trò của 2 cô gái ban đầu đã được xác định. Còn lại gã đàn ông gốc Phi với những nghi vấn cuối cùng. Tu Fine, Tharen, Prince đâu mới là tên thật? William Philip có đang thật sự ở Anh không? Tên tuổi những cô gái này lẽ nào chỉ là con "tốt thí" trong những ván cờ mà chưa một lần tướng phải xuất đầu lộ diện?

  • Quốc Quang

Bài 3: Sự thật về băng đảng của trùm lừa đảo gốc Phi

Nghi vấn về một nhóm tội phạm Nigeria hoạt động lừa đảo tại TP.HCM chuyển sang những tình tiết bất ngờ. Không những sử dụng hộ chiếu giả, nhóm này còn lợi dụng tài khoản hợp pháp của rất nhiều phụ nữ Việt Nam tại các ngân hàng để chuyển tiền phi pháp.

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,