Tôi rất vui khi Ngô Bảo Châu nói ra những suy nghĩ đó. Tôi cảm thấy rằng Ngô Bảo Châu đích thực là học sinh của chúng tôi. Tôi trân trọng “chất người” của cậu khi dám nói ra ý nghĩ thật. Đọc bức thư này, tôi vừa vui, và cũng hơi buồn cười vì Châu chưa hiểu ý của tôi".
Giáo sư, Tiến sĩ tâm lý học giáo dục Hồ Ngọc Đại, người thầy thuở thiếu thời của Giáo sư Ngô Bảo Châu đã nói vậy sau khi đọc bức thư của cậu học trò từ nước Mỹ xa xôi.
Rất bất ngờ tiếp nhận lời chúc nhân dịp là người đầu tiên nhận Giải thưởng Giáo dục của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2009, người thầy 74 tuổi đã cười lớn và có đôi dòng “phản biện” cậu học trò.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tôi hiểu vì sao Ngô Bảo Châu còn ấm ức...
Đầu tiên nói về cái tên mà Ngô Bảo Châu còn ấm ức, tôi vẫn nhấn mạnh rằng, bản chất tận cùng của cái tên là một sự quy ước.
Bởi vì, trước khi biết ý nghĩa và tại sao bạn lại có cái tên đó, thì người ta chỉ biết đến tên bạn như một sự quy ước cho cái đã có sẵn. Còn sau này, về sự đồng thuận của xã hội đối với cái tên, đó là nghĩa gán vào cái quy ước đã có rồi.
Ngô Bảo Châu nhận định rằng: Cụm từ “biết dạy” thể hiện sự chủ quan vô hạn của ngành khoa học giáo dục: phương pháp giảng dạy quan trọng hơn nội dung giảng dạy”.
Tôi rất vui vì cho đến tận bây giờ, vẫn còn nhiều học trò đang tiếp tục phản biện tôi.
GS Hồ Ngọc Đại. |
Tôi cố đoán và giải trình ý nghĩ của cậu học trò là thế này: Tại kỳ thi Toán quốc tế, Ngô Bảo Châu được điểm tối đa, rồi cộng thêm 1 điểm. Trong đề thi, có 1 bài toán đếm hệ 2, mà thời đó các trường khác không dạy, chỉ trường tôi dạy, nên chỉ một mình Châu làm được. Vì thế, có thể Ngô Bảo Châu cho rằng, cái quan trọng giúp nó đạt được thành tích tốt là học được thêm nội dung đó.
Nhưng thật ra, Ngô Bảo Châu không hiểu ý của tôi, dạy thêm một nội dung toán đó, là để dạy học trò cách mở rộng tư duy, phương pháp suy nghĩ. Người ta cứ đinh ninh rằng chỉ có hệ đếm thập phân, nhưng tôi dạy tất cả các hệ đểm để học trò biết, hệ thập phân chỉ là một chứ không phải là duy nhất.
"Tôi rất vui vì cho đến tận bây giờ, vẫn còn nhiều học trò đang tiếp tục phản biện tôi. Có lần Trần Đăng Khoa thân mật đùa tôi rằng: Thầy Đại là một “đại đầu gấu” mê hoặc một lũ học trò đầu gấu…".
Cũng như, khi học sinh biết được nhiều cách sống khác nhau, thì trong đời chúng không bao giờ bị áp đặt, không chịu nô lệ. Từ đó, chúng sẽ biết chấp nhận cái khác, biết chấp nhận người khác…để đạt đến tầm văn hóa cao hơn.
Tôi chỉ nói thêm rằng: Mác có viết, những nền văn minh khác nhau không phải là sản xuất ra cái gì mà sản xuất bằng cách nào. Đối với một nền giáo dục, cái quan trọng không chỉ biết đọc, biết viết, mà quan trọng hơn nhiều là biết cách đọc, cách viết. Nếu cách đọc, cách viết đúng thì sẽ biết cách làm nhiều thứ khác. Điểm cốt lõi đối với giáo dục trẻ nhỏ không phải là kết quả mà là cách để tìm ra kết quả đó.
Thích cậu học trò hay cãi
Vì sao Ngô Bảo Châu không coi trọng phương pháp? Có lẽ, vì Ngô Bảo Châu đã có sẵn phương pháp, đó là một cậu học trò thông minh và hay cãi từ nhỏ. Mà tôi thích cậu ấy cãi. Thế nên thành quả hôm nay Ngô Bảo Châu đạt được là vì cậu có phương pháp đúng và tư duy tốt.
Từ xưa tôi đã từng nói: Trẻ em là một khả năng bỏ ngỏ, còn thầy giáo là một đại lượng đã biết. Chính vì vậy, khả năng bỏ ngỏ chắc chắn rồi sẽ giỏi hơn đại lượng đã sẵn có. Cũng như, về mặt toán học thì Ngô Bảo Châu giỏi hơn tôi nhiều. Điều quan trọng của người thầy là phương pháp thúc đẩy khả năng bỏ ngỏ đó. Tuy nhiên, tôi buồn rằng, nửa thế kỷ qua, nền giáo dục của ta vẫn chưa có nét tiến hóa gì.
Tôi vẫn trung thành với cách dạy của mình. Với cách dạy đó, chỉ cần dạy một năm, học trò dân tộc thiểu số chưa hề biết tiếng Việt có thể đọc thông, viết thạo, nắm vững luật chính tả và không bao giờ tái mù.
Tôi rất yêu quý trẻ nhỏ. Chúng vô cùng lương thiện và nếu chúng sai cũng có cái lý của chúng. Vì thế cái sai của trẻ nhỏ thể hiện sự hồn nhiên và cái thật trong tâm hồn chúng. Nhưng nếu người lớn sai thì đó là sự khốn nạn.
Người lớn cũng nên biết cách chịu thua trẻ
Người thầy nên tôn trọng cá tính của học sinh và thúc đẩy cá tính đó phát triển theo hướng lành mạnh.
Chính người thầy nên học lấy cách chấp nhận những ý kiến đồng tình và không đồng tình từ phía học trò của mình. Từ đó, người thầy sẽ thấy rằng, phải chấp nhận cả những người xấu bởi cái chất họ chỉ có thế.
Và theo tôi, bố mẹ cũng nên biết cách chịu thua trẻ. Có thể nói vui rằng, chịu thua trong những trận đánh lẻ để thắng cả cuộc chiến tranh. Bố mẹ nên để cho con tự thuyết phục được chính mình, tự ăn, tự học và tự phát triển.
Học trò bây giờ của tôi nhạy cảm hơn, thông minh hơn vì thế cũng khó trị hơn. Tuy nhiên, điều đáng quý nhất là tất cả những học trò của tôi đều được tự do. Nó kính trọng mình là một chuyện, còn nó vẫn có những suy nghĩ riêng của nó. Và tôi biết, đó là những ý nghĩ thật của chúng và không có mục đích nào ngoài ý nghĩ thật đó. Tôi muốn bảo vệ và phát huy và cá tính của học trò.
Nguyện vọng sâu sắc nhất của tôi là cần tôn trọng cá nhân đích thực. Mỗi lần “cãi nhau” với học trò, tôi đều giải thích là các trò thua tôi vì cái lý chứ không phải vì tôi là thầy, là Giáo sư.
Tôi rất vui vì cho đến tận bây giờ, vẫn còn nhiều học trò đang tiếp tục phản biện tôi. Có lần Trần Đăng Khoa thân mật đùa tôi rằng: Thầy Đại là một “đại đầu gấu” mê hoặc một lũ học trò đầu gấu….
(Theo Bee)