221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
1318076
Sóng di động chập chờn vì 3G
1
Article
null
Sóng di động chập chờn vì 3G
,
Sự cố cuộc gọi di động như không hiển thị số gọi đến, rớt mạng, máy báo bận hoặc tắt máy diễn ra liên tục thời gian gần đây. Nhà cung cấp giải thích nguyên nhân là thuê bao 2G nhảy vào kênh truyền dẫn 3G, song chưa có giải pháp khắc phục.

Các thuê bao di động đang gặp nhiều phiền phức vì sự cố cuộc gọi . Ảnh: Hồng Vĩnh, Hải Hà
Các thuê bao di động đang gặp nhiều phiền phức vì sự cố cuộc gọi . Ảnh: Hồng Vĩnh, Hải Hà
Báo Tiền Phong nhận được nhiều email của bạn đọc phản ánh sự cố khi thực hiện cuộc gọi trên máy di động. Những sự cố phổ biến là: gọi đúng số nhưng máy báo số không tồn tại; máy được gọi đang mở nhưng vẫn bị thông báo tắt máy hoặc máy bận; bấm nhiều lần mới thực hiện được cuộc gọi, vạch sóng đầy nhưng không thể gọi đi…

Anh Đ., chủ một doanh nghiệp ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), thuê bao của Vinaphone, phàn nàn rằng cuộc gọi trên máy di động gặp sự cố với tần suất ngày càng dày đặc. Những sự cố hay gặp phải khi thực hiện cuộc gọi là máy báo bận hoặc tắt máy, hoặc hiển thị dòng chữ unobtainable (tạm dịch: không gọi được).

“Nhân viên của tôi rất ngạc nhiên báo lại không nhận được tin nhắn của tôi mặc dù không hề tắt máy và vạch sóng vẫn đầy ắp – Anh Đ nói”.

Nhà cung cấp: Mạng vẫn bình thường

Nhiều người thắc mắc nguyên nhân của tình trạng này phải chăng là số lượng thuê bao tăng nhanh hay do các nhà cung cấp triển khai mạng 3G.

Ông Nguyễn Đình Chiến – Phó tổng giám đốc VMS MobiFone cho hay, gần đây các mạng không xin thêm đầu số mới. Điều này cho thấy số thuê bao không tăng. “Mạng lưới vẫn hoạt động tốt, không có vấn đề gì” – Ông Chiến khẳng định.

Khi được hỏi về số liệu đo kiểm chất lượng mạng, ông Chiến nói chỉ đo được về tổng thể mạng lưới, không thể đo được cục bộ. Cho nên số đo chỉ mang tính tương đối.

Trong khi đó, một cán bộ kỹ thuật của Vinaphone cho biết, những sự cố trên có thật, nhưng chỉ mang tính cục bộ.

Ví như bấm 2 – 3 lần mới thực hiện cuộc gọi có thể do nghẽn mạch tại trạm phát sóng BTS, trạm không thu xếp được kênh. Vạch sóng đầy nhưng không thể thực hiện được cuộc gọi có thể do bị nhiễu tần số. Khi gọi đúng số nhưng bị báo lại là số quý khách đang gọi không tồn tại, tổng đài có thể không tìm ra số.

Đại diện kỹ thuật Vinaphone cũng cho biết, thêm 20.000 trạm phát sóng 2G của Vinaphone nghĩa là 20.000 tuyến truyền dẫn trong khi tuyến truyền dẫn phải thuê của Cty Viễn thông Liên tỉnh (VTN) hoặc Viễn thông Quốc tế (VTI). “ Bất cứ tuyến truyền dẫn nào hỏng hóc cũng gây ra sự cố dây chuyền dẫn đến thuê bao bị ảnh hưởng”.

Chuyên gia: Lỗi do 3G

Theo TS Trần Tuấn Anh, Vụ Viễn thông Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), sự cố cuộc gọi rộ lên thời gian gần đây bắt nguồn từ mạng lưới 3G. Ở các thành phố lớn, 3 nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động lớn gồm Vinaphone, Viettel và MobiFone sử dụng tần số 1.800 MHz đối với mạng 2G - đang chiếm đến 95% số thuê bao - gần trùng với tần số 1.900 MHz của 3G.

Do vậy, các mạng này sử dụng cả kênh truyền dẫn 2G để truyền dẫn thông tin đồng thời cho mạng 3G. Khi kênh truyền dẫn 3G rỗi, thuê bao 2G lại nhảy vào kênh truyền dẫn tần số 3G. Khi kênh truyền dẫn 3G “chật”, thuê bao lại nhảy bớt sang kênh truyền dẫn 2G. Màn hình điện thoại di động hiển thị chữ G chính là thời điểm thuê bao 2G đang tương tác với mạng 3G.

“Hiện tượng báo không có số là do thuê bao 2G đang tương tác với sóng 3G, nằm trên mạng 3G chứ không còn trên mạng 2G nữa. Do vậy máy trả lời không tìm thấy số trên mạng” – TS Trần Tuấn Anh lý giải. Đáng nói là, các mạng hiện chưa điều tiết được sự lẫn lộn này. Do chưa có số liệu đầy đủ để tính toán nên chưa thể điều tiết được thuê bao trên các kênh truyền dẫn 2G và 3G” – TS Tuấn Anh nói.

Cùng chung cách giải thích, ông Tào Đức Thắng - Giám đốc Cty Mạng lưới Viettel cho rằng, nhà cung cấp nào càng ít trạm 3G thì càng gặp nhiều hiện tượng trên. “Số thuê bao cứ nhảy ra nhảy vào giữa 2G và 3G thì hiện tượng đó xảy ra là dễ hiểu” – Ông Thắng nói.

Về sự cố tăng lên bất thường trong thời gian gần đây, ông Thắng khẳng định số thuê bao dùng 3G đang tăng mạnh, trong khi số trạm 3G không tăng lên. Vì thế, giải pháp của công ty này, là lắp thêm nhiều trạm 3G để hạn chế sự cố khi thực hiện cuộc gọi.

TS Trần Tuấn Anh cho biết, sang năm, Bộ TT&TT sẽ ban hành tiêu chuẩn để các mạng phải tối ưu hoá mạng. Nếu được thông qua đây sẽ là bộ quy chuẩn quốc gia. “Phải tối ưu hóa mạng, cân đối giữa thuê bao 2G và 3G trên mạng thì mới giải quyết được sự cố ” – TS Trần Tuấn Anh nói.

Theo Hải Hà - Tiền Phong
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,