,
221
10805
Chân dung - Phỏng vấn
chandungphongvan
/thethao/chandungphongvan/
1263268
Kiều Trinh - Năm tuổi được mùa
1
Photo
444
Thể thao
thethao
/thethao/
,

Kiều Trinh - Năm tuổi được mùa

Cập nhật lúc 07:55, Thứ Ba, 16/02/2010 (GMT+7)
,

- 2009 là năm Sửu, năm tuổi của Đặng Kiều Trinh. Nhưng với cô thủ môn người Đồng Tháp, đây lại là năm đại cát.

Cái duyên từ quê ra phố

Trinh là con gái Sa Đéc chính hiệu, cái chất quê mộc mạc và bẽn lẽn không trộn lẫn đi đâu được, dù cô đã ăn cơm thành phố cả chục năm nay. Nhiều người cứ nghĩ con gái làm vận động viên, lại chơi bóng đá, lại... giữ gôn nữa thì ắt phải uy dũng và... hổ báo lắm. Nhưng Trinh thì khác hẳn.

Những ai quen biết Kiều Trinh từ cái ngày cô trúng tuyển lớp bóng đá năng khiếu TP.HCM cho đến tận bây giờ vẫn khẳng định Trinh không... dũng cảm thêm chút nào. Ai trêu một câu là đỏ mặt. Đứng trước ống kính truyền hình hay máy quay là lắp bắp.

Trinh chỉ hồn nhiên, nhí nhảnh khi chuyện trò ngút ngàn cùng các đồng đội bên nồi lẩu hay một góc quán cafe. Và một phần cuộc sống của cô thủ môn nhút nhát này là chú chó theo chân cô đã gần chục năm nay.

Kiều Trinh. Ảnh: Đức Anh
Có một Kiều Trinh dũng mãnh trên sân cỏ. Ảnh: Đức Anh

Hôm Trinh đi SEA Games về, cô sững cả người khi nghe tin con vật cưng bị lạc. Một đêm, rồi hai đêm, bặt vô âm tín. Trinh ở Hà Nội chưa về được TP.HCM, cô mất hàng chục cú điện thoại gọi cho tất cả những người quen biết, chỉ để hỏi thông tin về con chó và mong mỏi ai đó thốt lên một câu hy vọng.

Trinh vò đầu bứt tai tự trách mình không gửi gắm kỹ càng. Bạn bè đã an ủi cô, rằng có khi phải mất chó thì mới được vàng SEA Games, nhưng Trinh nghe xong chỉ oà khóc.

Thế rồi đến sáng 19/12, khi vẫn còn đang trùm chăn ngủ nướng để tránh cái rét se sắt miền Bắc, Trinh nhận được tin nhắn chỉ có vẻn vẹn 2 chữ: chó về! Cô tung chăn vùng dậy, gọi điện lạc cả giọng, lại còn đòi nghe tiếng con vật bằng được mới thôi. Nghe xong lại khóc sướt mướt, vì sung sướng quá. Hôm đó là sinh nhật của Trinh.

Kiều Trinh. Ảnh: Đức Anh
Và cũng có một Kiều Trinh duyên dáng sau mành lưới. Ảnh: Đức Anh

Trinh tròn 25 tuổi, cũng là tròn 10 năm xa nhà. 10 năm ấy, Trinh chỉ gặp ba mẹ được vài ngày Tết, cùng lắm là thêm khoảng chục ngày nghỉ giữa các đợt tập trung đội tuyển.

Từ nhà Trinh lên Sài Gòn là 160 cây số, thời trước đi xe đò lắm khi mất cả nửa ngày trời, nhưng Trinh không ngại ngần gì cả. Một thân một mình, khoác túi dết lên vai, ngồi co ro trên ghế cùng với mùi cá cơm, mắm tép...

Trinh tạt về quê nhiều khi chỉ kịp ngủ một đêm trong chiếc mùng cũ, rón rén đưa tận tay mẹ mấy đồng bạc lương. Sáng hôm sau lại ra nhảy xe đò...

Thoạt đầu, ba mẹ thương Trinh lắm, quyết ngăn cản đến cùng chuyện Trinh lên thành phố đá bóng. Thân gái vừa xa xôi vừa vất vả, lại theo cái nghiệp chẳng ra sao.

Nhưng rồi sự kiên nhẫn của đứa con gái cũng khiến ba mẹ xiêu lòng. Kiều Trinh bé bỏng, cái ngày đi thi tuyển còn xung phong làm thủ môn vì... sợ bóng, chỉ vài năm sau đã là trụ cột của cả gia đình.

Những đồng tiền ít ỏi Trinh dành dụm được tuy chẳng thấm vào đâu so với dân thành phố, nhưng gửi về quê cũng bằng cả tháng chạy xe lai của cha. Lắm khi thương Trinh quá, ba mẹ lại thở than với bà con chòm xóm: thôi thì nhà có 2 đứa, con Trinh tuổi Trâu nên số nó vất vả, tảo tần, nó đỡ tui nuôi em ăn học".

Năm tuổi được mùa

Có lẽ sinh ra trong hoàn cảnh nhà nghèo nên dù tính cách còn trẻ con nhưng suy nghĩ của Trinh lại chín chắn hơn bạn bè cùng trang lứa. Đồng đội của Trinh có người ngại nắng ngại mưa, nhác tập. Trinh không thế.

Cô tập bóng với niềm say mê kỳ lạ. Cứ ra sân tập là trang bị kín mít áo dài quần dài, mặc mưa mặc nắng. Ngay từ ngày được gọi lên tuyển nữ TPHCM, Trinh đã đặt ra mục tiêu lớn: phải theo được chân chị Kim Hồng.

Kim Hồng là thủ môn đội tuyển nữ Việt Nam giành 3 HCV SEA Games trước khi treo găng chuyển sang huấn luyện. Hồng cũng là thủ môn của đội bóng đá nữ TP.HCM. Hồng nghỉ, Trinh được đôn lên bắt thay dù cô còn chưa kịp bước sang tuổi 18.

Kiều Trinh. Ảnh: Đức Anh
Xuân Canh Dần mang thật nhiều niềm vui đến với Kiều Trinh. Ảnh: Đức Anh

Đó chính là nền móng đưa Trinh lên số 1. Cô gái Sa Đéc được gọi vào đội hình U-19 đi thi đấu tại Trung Quốc năm 2004, rồi ngay sau đó được trao đôi găng chính thức trong khung thành đội tuyển.

Khi ấy, sự xuất hiện của Trinh là một sự ngạc nhiên lớn, một quyết định mạo hiểm của HLV Mai Đức Chung. Ông Chung vốn nổi tiếng là người cẩn thận, vậy mà ông chọn Trinh để thay thế Kim Hồng chứ không phải là những đàn chị khác như Thu Trang, Hải Sâm, Tuyết Mai...

Đó là một quyết định sáng suốt của ông Chung "xe ca", vì trên đất Philippines, Kiều Trinh đã chơi thực sự an toàn, góp phần mang về tấm HCV SEA Games thứ 4 cho bóng đá nữ Việt Nam. Ngày ấy, Trinh vẫn còn là một cô bé, choáng váng đến mức không cảm nhận nổi niềm vui.

Nhưng từ đó trở đi, thế độc tôn của các cô gái Việt cũng bước sang giai đoạn thoái trào. Hàng loạt trụ cột như Ngọc Mai, Minh Nguyệt, Thuý Nga, Bích Hạnh chia tay đội tuyển, để lại gánh nặng không thể san lấp trên vai các đàn em.

Thế hệ 1985 của Trinh, của Văn Thị Thanh, của Ngọc Châm... buộc phải tự "chín" để bồi dần vào khoảng trống. Người Thái thăng tiến mạnh mẽ nhờ được đầu tư bài bản và có chiều sâu. Myanmar vẫn khó chịu với lối đá tiều phu đốn củi. Vượt qua 2 đối thủ này là những nhiệm vụ ngày càng thêm khó khăn.

SEA Games 24 trên đất Thái, Kiều Trinh đã khóc tức tưởi sau thất bại 0-2. Đó là một thất bại mà đa số các cầu thủ nữ Việt Nam đều "cay mũi" vì trọng tài thổi ép. 9/11 cầu thủ hôm đó còn trụ lại ở SEA Games 25 với quyết tâm đòi nợ, và họ đã thành công.

Trong trận chung kết gặp lại Thái Lan ở Chao Anouvong, Kiều Trinh là gương mặt xuất sắc nhất, không cần bàn cãi. Không chỉ là 1 quả phạt đền chặn được, 2 quả phạt đền khác uy hiếp khiến đối thủ đá ra ngoài, Trinh còn đóng vai "người nhện" suốt 120 phút làm các chân sút Thái nản lòng.

Sau trận đó, đối thủ của đội tuyển nữ Việt Nam cũng khóc như mưa như gió, nhưng họ khóc không phải vì ấm ức mà vì không thể nào khuất phục nổi Kiều Trinh.

Kiều Trinh. Ảnh: Hoàng Quân
4 năm nay, Kiều Trinh luôn là chốt chặn không thể thay thế của ĐT nữ VN. Ảnh: Hoàng Quân

Vậy là Trinh trở thành người được lên truyền hình nhiều nhất trong đêm hôm đó, và nhiều đêm giao lưu sau đó nữa trên đất Việt. Cô gái bẽn lẽn hôm nào vụt sáng lên như một niềm tự hào chính đáng của người Sa Đéc.

Ngôi nhà nhỏ được xây bằng chính tiền đá bóng của Trinh vui như Tết, ba mẹ Trinh chỉ còn biết ngẩn người ra đón nhận những lời có cánh của bà con khen ngợi đứa con gái tuổi Trâu.

Phải hơn một tuần sau SEA Games, Trinh mới được về nhà. Khoản tiền hơn 80 triệu đồng được chia "nóng" bên Lào mang về trao tay cho ba mẹ, mừng mừng tủi tủi. Từng ấy năm đi đá bóng, chưa bao giờ Trinh có một cục tiền lớn như thế. Nhưng đó mới chỉ là một góc nhỏ.

Nhẩm tính sơ sơ, Trinh còn được nhận thêm gần 200 triệu nữa (mức thưởng cho những người có đóng góp lớn nhất), chưa kể những khoản thưởng lặt vặt dành riêng cho cá nhân Trinh.

Ở vùng Sa Đéc, nhà Trinh bây giờ thành... triệu phú rồi. Ba mẹ nở lòng mát ruột. Cũng bõ công đứa con gái vất vả từ thuở mười lăm.

Cả nhà đang lên những kế hoạch đón Tết Canh Dần thật xôm, sau Tết sẽ xây lại mái ấm cho đàng hoàng hơn và cũng không quên dành cho Trinh một khoản để làm... của hồi môn.

"Đó là chuyện tương lai xa mà" - Trinh cười, vẫn nụ cười bẽn lẽn. Cô thủ môn ưa sưu tầm ảnh chụp (nhưng lại chẳng mấy khi có ảnh) đến giờ vẫn chưa có người yêu.

Trinh bảo cái nghề của Trinh cũng long đong, lại thiệt thòi về... nhan sắc nên đành chờ cái duyên (chưa biết khi nào đến). Lúc này, Trinh vẫn đang mê mải với những mục tiêu mới, một chức vô địch quốc gia mà TP.HCM đã lâu lắm rồi không mon men tới, hoặc là một Quả bóng vàng...

  • Anh Đức

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
,
,
,
,